Vừa qua, các báo đồng loạt đưa tin buồn: "Ngày 23/1, Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Hiệu, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô”!
Những tháng gần đây sức khoẻ của Thầy không tốt, nhưng sự ra đi của Thầy vẫn làm chúng tôi bàng hoàng, xúc động. Thương Thầy vô cùng, Thầy ơi!
Là học trò hoặc cộng sự của Thầy ai cũng có nhiều kỷ niệm. Tôi cũng như vậy. Xin được kể về một kỷ niệm sâu sắc và vô cùng quan trọng của Thầy đối với cuộc sống và sự nghiệp của tôi.
Ngày 6 tháng 9 năm 1992, trường Marie Curie long trọng tổ chức Lễ thành lập trường và khai giảng năm học đầu tiên, khi đó Nhà trường vinh dự và sung sướng được đón Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Vật lí Việt Nam. (ảnh: NTCC) |
Cách đây 30 năm, Tết Nhâm Thân 1992, sau đêm giao thừa, tôi tự “giam” mình trong một không gian đặc biệt suốt 3 ngày đêm. Không đi đâu, không gặp ai, cơm nước do vợ con lo liệu… Ba ngày tết, tôi tập trung cao độ, dành tất cả tâm huyết và kinh nghiệm để thực hiện một ý tưởng ấp ủ nhiều năm: Hoàn thành Đề án thành lập trường Marie Curie! Ngoài bản đề án viết ngắn gọn theo thủ tục hành chính, còn có bản thiết kế chi tiết các hoạt động khác lạ, độc đáo của một trường học chưa từng có ở Hà Nội. Nhiều hoạt động của trường Marie Curie những năm về sau, cho đến bây giờ, theo đúng những phác thảo trong 3 ngày đặc biệt đó.
Thập kỷ 90, muốn thành lập trường phổ thông dân lập, theo Quy chế tổ chức và hoạt động 1991, phải có một cơ quan, đoàn thể đứng ra xin mở trường. Trong Đề án thành lập trường Marie Curie, tôi nhờ Hội Vật lý Việt Nam đóng vai trò đó. Lúc bấy giờ tôi là uỷ viên Ban chấp hành của Hội. Thực tế các trường phổ thông dân lập thời đó đều do cá nhân đứng ra thành lập và phải nhờ một cơ quan nào đó “đỡ đầu”.
Viết xong Đề án, mùng 4 tết, tôi đến nhà thăm và chúc tết Thầy Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội Vật lí Việt Nam, được Thầy đón tiếp cởi mở, thân tình. Sau những lời thăm hỏi và chúc tết Thầy, tôi băn khoăn không dám ngỏ lời với Thầy về việc mình đang ấp ủ sâu kín trong lòng. Trong câu chuyện vui vẻ ngày tết, Thầy hỏi tôi về đổi mới của ngành giáo dục, trong đó có việc hình thành một số trường dân lập thời gian qua. Thầy biết tôi là người đồng sáng lập trường dân lập đầu tiên ở Hà Nội… Cơ hội thuận lợi đến rất tự nhiên, tôi mạnh dạn báo cáo với Thầy ý tưởng thành lập trường Marie Curie.
Trường phổ thông năng khiếu cấp 2-3 Marie Curie là loại hình trường dân lập. Ngoài vốn ban đầu của chủ đầu tư, kinh phí hoạt động thường xuyên của trường là nguồn học phí do phụ huynh đóng góp. Trường tổ chức bán trú: học sinh được học hai buổi sáng và chiều; sáng có xe bus riêng đón học sinh đến trường, chiều đưa về nhà; học sinh có chỗ ăn, chỗ ngủ trưa ở trường. Trường tổ chức cho học sinh ở nội trú: cuối tuần hoặc cuối tháng hoặc cuối học kỳ về thăm gia đình một lần. Trường tuyển học sinh giỏi xuất sắc ở tất cả các tỉnh, đặc cách hưởng chế độ miễn phí học tập và nuôi dưỡng, tập trung bồi dưỡng năng khiếu theo đề án KX-18, bồi dưỡng nhân tài, của Ban Khoa Giáo Trung ương…
Hay, hay lắm! Thầy lắng nghe và khen Đề án có nhiều cái mới, tích cực.
Thưa Thầy, Đề án rất cần sự giúp đỡ của Hội Vật lí Việt Nam. Thầy có giúp em được không ạ?
Thầy cười sảng khoái, Hội sẵn sàng giúp đỡ, trừ một thứ Hội không có đó là… tiền.
Thưa Thầy, Hội giúp mỗi một việc đó là đứng tên xin mở trường. Cơ sở vật chất, kinh phí, tuyển giáo viên, tuyển học sinh… tất cả em sẽ lo.
Đồng ý! Khi nào bắt đầu? Thầy hỏi tôi.
Thưa thầy, cần làm thủ tục và chuẩn bị cơ sở vật chất khoảng nửa năm. Nếu mọi việc trôi chảy thì khai giảng năm học đầu tiên vào tháng 9 năm nay, 1992.
Nhanh thế ư? Làm đi, cần gì thì nói với Thầy.
Thầy là thế đó! Lớp trẻ chúng tôi nhờ đến Thầy, thấy hay là Thầy ủng hộ, không một chút đắn đo. Hơn cả sự giúp đỡ, chúng tôi còn nhận được sự động viên tích cực của Thầy.
Thế rồi, ngày 6 tháng 9 năm 1992, trường Marie Curie long trọng tổ chức Lễ thành lập trường và khai giảng năm học đầu tiên. Thầy trò chúng tôi vinh dự và sung sướng được đón Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Vật lí Việt Nam.
Thầy phát biểu: “Tôi rất xúc động được đến dự buổi lễ thành lập trường của chúng ta ngày hôm nay…”!
Năm 2022, Trường Marie Curie sẽ tổ chức Lễ kỉ niệm 30 năm thành lập trường. Hơn 6000 thầy trò chúng con ao ước được đón Thầy nhưng không được nữa rồi. Thầy ơi!
Mãi mãi thầy trò trường Marie Curie ghi nhớ công ơn của Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Hiệu, người Thầy vô cùng kính yêu của chúng con!