Tất cả sách vở đều được cập nhật mới, ví dụ bạn học ở niên khóa 2012 – 2013 thì sẽ sử dụng sách xuất bản năm 2010 -2011. Chị Lê Thanh Hương – Cựu sinh viên của trường Đại học ứng dụng Stenden chia sẻ: “Khi mình học quản lý du lịch tại Hà Lan, giáo sư của lớp ra một đề bài là: Kế hoạch Marketing cho du lịch tại thành phố Stenden. Cả nhóm đã cùng nhau làm đề tài này hơn 1 tháng và thật bất ngờ, đây là một đề tài có thực và đề tài của lớp đã được hội đồng thành phố Stenden đưa vào top 3 đề án do tính thực tiễn của nó.”
Một điểm nữa là nền tảng của đại học ứng dụng Hà Lan dựa trên ba điểm chính gọi tắt là “BaLaMa: Bachelor, Labour và Market”, tức là bằng tốt nghiệp có thể ra làm việc và đáp ứng nhanh chóng cho thị trường lao động. Hiện nay, tại Hà Lan, 90% sinh viên của đại học ứng dụng có thể tìm được việc phù hợp chuyên môn trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, các trường ở đây mỗi năm thu hút đến 175,000 sinh viên quốc tế theo học. Chính vì thế, tính ứng dụng còn được mở rộng ra ở khả năng trải nghiệm suy nghĩ, văn hóa đa quốc gia nhằm giúp sinh viên thích ứng nhanh chóng với môi trường làm việc quốc tế.
Ngoài ra, các trường ứng dụng tại Hà Lan còn có mối quan hệ khắng khít với các doanh nghiệp. Khi đi thực tập vào hai năm cuối, sinh viên cũng có thể thực tập ở ngay nước của mình. Ví dụ, sinh viên học tại Hà Lan sẽ được ưu tiên thực tập ở Friesland Campina (Dutch Lady Vietnam), Unilever, và Philips; hoặc các chương trình nghiên cứu, quản lý nước có hợp tác với Hà Lan tại Việt Nam. Nhờ đó, cơ hội nghề nghiệp của họ khi quay về Việt Nam sẽ rất cao.
Chọn ngành ở đại học ứng dụng như thế nào?
Cấu trúc chung của các chương trình ở trường đại học ứng dụng là hai năm đầu tập trung vào lý thuyết chuyên ngành, năm thứ ba thực tập và năm tư làm luận án tốt nghiệp. Các ngành học hiện nay đang được tập trung ở các trường đại học ứng dụng Hà Lan bao gồm:
- Kinh doanh nông nghiệp
- Kinh tế và quản lý
- Môi trường
- Logistics và quản lý cảng
- Công việc về xã hội và kỹ thuật
- Nghệ thuật
Riêng đối với sinh viên Việt Nam, các ngành được yêu thích và lựa chọn nhiều nhất tại đại học Hà Lan, cũng như đáp ứng khá tốt nhu cầu nhân lực của xã hội Việt Nam bao gồm:
- Quản trị kinh doanh quốc tế
- Logistics
- Truyền thông
- Quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn
- Công nghệ thông tin
- Khoa học đời sống
- Công nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm
- Môi trường – quản lý nước
Hà Lan là quốc gia đứng hàng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu nông sản với một nền kinh tế nông nghiệp vững chắc. Chính vì thế, hiện nay Việt Nam cũng đang có hơn 1,000 sinh viên đang theo học nhóm ngành này tại Hà Lan với tiềm năng nghề nghiệp lý tưởng.
Theo: Neso Vietnam