Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Ngày 25/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 455/NGCBQLGD-CSNGCB của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục gởi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành trực thuộc Trung ương để phổ biến rộng rãi và lấy ý kiến giáo viên về dự thảo lần 2 sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04.
Ảnh minh họa - vov.vn |
Người viết xin được tiếp tục có những góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04.
Đa số những nội dung sửa đổi, bổ sung được đồng thuận cao
Bản thân người viết, cũng như qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp đa số đều vui mừng, đồng tình với những điểm mới của dự thảo như sau:
Quy định đạo đức nhà giáo dùng chung cho các hạng, không phân biệt hạng cao có đạo đức cao hơn hạng thấp;
Quy định chỉ có duy nhất một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho tất cả các hạng, giáo viên có chứng chỉ nghề nghiệp trước đây được xem như có chứng chỉ theo quy định mới.
Điều này dù còn băn khoăn nhưng Bộ Giáo dục không thể làm khác vì theo Nghị định 89/2021, mỗi viên chức phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó quy định về giáo viên đang giảng dạy được bổ nhiệm hạng mới và nộp chứng chỉ nghề nghiệp trong vòng 03 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực cũng nhận được sự đồng thuận của giáo viên;
Không có giáo viên nào xuống hạng, giảm hệ số lương, quy định trước đây tại chùm Thông tư 01-04, có một số trường hợp bị xuống hạng, khi bổ nhiệm hạng mới giảm hệ số lương khiến nhiều người tâm tư, quy định mới này không còn trường hợp trên, giáo viên mầm non/tiểu học/trung học cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định thì được giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng.
Khi đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng thì thực hiện việc bổ nhiệm theo quy định;
Dự kiến, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I không cần trình độ thạc sĩ cũng nhận được sự đồng thuận của giáo viên;
Quan trọng nhất, giáo viên không cần phải tìm hồ sơ để photocopy, công chứng để nộp làm minh chứng cho các tiêu chuẩn để được bổ nhiệm hạng mới, giảm được áp lực cho giáo viên khi bị thất lạc nhiều quyết định, danh hiệu khen thưởng, hồ sơ tham gia các phong trào,…
Giáo viên chúng tôi cảm ơn Bộ Giáo dục vì bỏ các minh chứng này, hy vọng sắp tới những quy định trong đánh giá chuẩn nghề nghiệp, giáo viên cũng không vất vả tìm minh chứng hàng năm.
Sửa đổi được 2 điều dưới đây, Thông tư sửa đổi, bổ sung sẽ rất hoàn chỉnh
Như đã trình bày, người viết là giáo viên công tác nhiều năm cũng như đội ngũ giáo viên rất biết ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư tương đối hoàn chỉnh, hợp lý, đáp ứng mong mỏi của nhà giáo cả nước.
Tuy nhiên, theo quan điểm người viết còn 2 tồn tại sau đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, rất mong Bộ nghiên cứu, xem xét và sửa đổi, khi đó Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 sẽ thực chất, phù hợp và được sự đồng thuận của đa số giáo viên.
Thứ nhất, chỉ nên quy định giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II ở hệ số lương 3,66 được chuyển qua hạng II mới có hệ số lương 4,0.
Qua rất nhiều ý kiến của giáo viên chia sẻ trên các diễn đàn giáo dục, đa số đều không đồng thuận với quy định giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ có hệ số lương 3,33 được chuyển qua hệ số lương hạng II mới có hệ số 4,0.
Khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới như trên chênh lệch hệ số lương đến 0,67, khi bổ nhiệm không căn cứ vào tiêu chuẩn, thành tích, sau khi bổ nhiệm vượt qua giáo viên công tác đến 8-9 năm, trong đó có người là tổ trưởng, hiệu trưởng của mình thì khó nhận được sự đồng thuận.
Trong bài viết “Dự thảo sửa đổi Thông tư 01, giáo viên mầm non được bổ nhiệm, xếp lương ra sao?”, “Dự thảo sửa đổi Thông tư 01-04, giáo viên phổ thông được xếp lương ra sao?” đã nêu rõ dự kiến bổ nhiệm chuyển xếp hệ số lương ở bậc mầm non, phổ thông từ hạng cũ sang hạng mới.
Đối với bậc mầm non chênh lệch hệ số lương cao nhất khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới là 0,3;
Đối với bậc trung học phổ thông thì bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới giữ nguyên hệ số lương;
Đối với bậc tiểu học, trung học cơ sở, trừ chênh lệch hệ số lương hạng II cũ sang hạng II mới cao nhất là 0,67 như trình bày ở trên, các hạng còn lại chênh lệch cao nhất cũng là 0,3.
Trong các trường hợp chuyển xếp hạng cao nhất chỉ 0,3, còn chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới từ 3,33 lên 4,0 chênh lệch đến 0,67 khiến nhiều người không đồng thuận.
Do đó, nếu chưa quy định tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể để được chuyển từ 3,33 sang 4,0 (dự thảo chỉ quy định đạt trình độ và thời gian giữ hạng liền kề ít nhất 9 năm ) thì chưa nên quy định điều này.
Người viết xin được góp ý, để giảm bớt bất công, hợp lý hơn thì chỉ nên quy định giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ có hệ số lương từ 3,66 trở lên được chuyển qua hạng II mới có hệ số lương 4,0.
Giáo viên hưởng hệ số lương 3,33 tiếp tục hưởng lương có mã số trên đến khi đạt hệ số 3,66 thì được bổ nhiệm qua hạng II mới có hệ số 4,0 để đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa giáo viên lâu năm và giáo viên có thời gian công tác ít hơn, tránh được bất công khi xếp lương.
Thứ hai, giáo viên đủ tiêu chuẩn hạng nào được bổ nhiệm hạng đó
Chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên đã chia giáo viên làm 3 hạng, từ đó đến nay gần như giáo viên không được dự thi, xét thăng hạng dẫn đến vô số bất cập.
Chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT khi ban hành gặp nhiều vướng mắc, bất cập nên nhiều địa phương chưa áp dụng.
Theo người viết, để khoa học trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên nên quy định giáo viên đạt tiêu chuẩn ở hạng nào thì được bổ nhiệm hạng đó thông qua xét các tiêu chuẩn trong lần bổ nhiệm này.
Ví dụ, giáo viên tiểu học ở hạng III, IV cũ hiện nay đã đạt trình độ đào tạo và các tiêu chuẩn của hạng II mới thì được đăng ký dự thi, xét bổ nhiệm lên hạng II mới không cần đảm bảo đủ thời gian giữ hạng.
Bỏ thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề trong đợt bổ nhiệm này, những giáo viên đạt tiêu chuẩn hạng I, II mới hàng chục năm vẫn hưởng lương hạng III, IV gây bức xúc trong thời gian qua sẽ được dự thi, xét bổ nhiệm đúng hạng chức danh nghề nghiệp.
Thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề 9 năm mới được thi, xét thăng lên hạng II mới kìm hãm sự phấn đấu của giáo viên.
Sau khi bổ nhiệm lương mới theo chùm Thông tư sửa đổi, bổ sung có thể quy định thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề từ 2-3 năm dùng chung cho hạng II, III để được dự thi, xét thăng hạng lên hạng I, II, tạo động lực để giáo viên phấn đấu.
Hiện nay, quy định giáo viên chỉ cần đảm bảo 2 tiêu chuẩn trình độ đào tạo, thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề cũng khiến nhiều người băn khoăn, bởi vì khi bổ nhiệm không căn cứ vào tiêu chuẩn các hạng, vậy việc ban hành tiêu chuẩn các hạng nhằm mục đích gì? Khi bổ nhiệm giáo viên không đảm bảo tiêu chuẩn có phải “nhầm hạng” không?
Theo người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh kỹ thuật 2 góp ý trên, tôi tin rằng dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 sẽ rất khoa học, phù hợp, khi đó những bất cập, bất công cơ bản sẽ được xóa hết khi đó mọi giáo viên sẽ cố gắng công tác, cống hiến.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.