Tính lương theo dự thảo sửa đổi Thông tư 01-04, giáo viên chưa bị cắt thâm niên

07/06/2022 06:40
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được quy định tại Nghị định 77 áp dụng từ 01/7/2020 cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo quy định của Chính phủ.

Ngày 20/5/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT.

Dự thảo nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng giáo viên, dự thảo này sau khi nhận đóng góp ý kiến, sẽ được ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung chính thức và tiến hành bổ nhiệm, xếp lương mới liên quan đến hàng triệu giáo viên mầm non, phổ thông cả nước.

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Tuy nhiên, nếu thông tư sửa đổi chính thức có hiệu lực, nhiều giáo viên lo lắng có thể bị cắt phụ cấp thâm niên hay không?

Trong bài viết “Hệ số lương của giáo viên sẽ thay đổi ra sao khi Bộ sửa đổi chùm Thông tư 01-04?” của tác giả Kim Oanh cũng đã nêu “điều mà giáo viên đang nghĩ đến là nếu tới đây khi áp dụng bảng lương mới mà thâm niên nhà giáo bị cắt thì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Bởi, theo Luật Giáo dục năm 2019 thì phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ bị cắt kể từ ngày 1/7/2020.”

Đây cũng là lo lắng chung của giáo viên cả nước, tuy nhiên theo người viết khi thực hiện lương mới này chưa cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Thực hiện lương theo Thông tư sửa đổi, bổ sung, giáo viên chưa bị cắt thâm niên

Theo Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, phụ cấp thâm niên nhà giáo đã không còn vì trong Điều 76 đã nêu rõ: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.

Có thể hiểu Luật Giáo dục 2019 quy định nếu nhà giáo hưởng lương theo vị trí việc làm thì sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, do dịch bệnh phức tạp kéo theo khó khăn về kinh tế nên chưa thể thực hiện lương theo vị trí việc làm theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW, nhà giáo cả nước vẫn đang hưởng lương theo hạng chức danh nghề nghiệp, không phải lương theo vị trí việc làm.

Sắp tới, khi ban hành Thông tư chính thức sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 sẽ tiếp tục bổ nhiệm lương mới giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp cũng không phải lương mới theo vị trí việc làm.

Quy định về phụ cấp thâm niên nhà giáo hiện nay được quy định tại Điều 6 Nghị định 77/2021/NĐ-CP:

“1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (ngày 01 tháng 8 năm 2021).

2. Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo quy định của Chính phủ.

3. Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và các văn bản hướng dẫn Nghị định hết hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.”

Theo Nghị định 77/2021, nhà giáo cả nước tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên đến khi có chính sách tiền lương mới theo quy định của Chính phủ.

Ở thời điểm hiện tại, giáo viên đang hưởng lương theo hạng chức danh nghề nghiệp của chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, một số nơi áp dụng lương mới theo Chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Sắp tới, khi ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 thì lương giáo viên được xếp theo hạng chức danh nghề nghiệp, tức là chỉ sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04, xếp theo hạng chức danh nghề nghiệp không phải theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW.

Nên, nhà giáo cả nước vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên khi bổ nhiệm, xếp lương theo Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04. Nhà giáo cả nước có thể yên tâm vì điều này.

Theo dự thảo, lương mới tăng bao nhiêu so với lương cũ?

Khi bổ nhiệm lương mới theo Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 không phải là thực hiện chế độ lương mới mà chỉ là khắc phục những bất cập, tồn tại của chùm Thông tư 01-04/2021, chuyển đổi bổ nhiệm, xếp lương từ chùm Thông tư 20-23/2015 sang chùm Thông tư 01-04/2021 và những sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04/2021.

Khi thực hiện lương theo chùm Thông tư 01-04 và có những điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo thì thu nhập giáo viên thực tế không tăng nhiều so với trước đây, nhiều trường hợp vẫn hưởng như cũ. Cụ thể như sau:

Đối với giáo viên trung học phổ thông thì không có sự thay đổi, khi bổ nhiệm từ lương cũ sang mới chỉ khác mã số, hệ số lương vẫn như cũ không có gì thay đổi.

Đối với giáo viên mầm non thì chênh lệch rất thấp, giáo viên hạng III, II cũ chuyển sang hạng III, II mới giữ nguyên hệ số lương, giáo viên hạng IV cũ chuyển sang hạng III mới chỉ chênh lệch đôi chút, không tăng bao nhiêu.

Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, chuyển xếp lương từ Thông tư 21,22/2015 sang Thông tư 02,03/2021 hầu như cũng không chênh lệch nhiều ở các hạng cũ và mới.

Chỉ có trường hợp hệ số lương từ 3,33-3,66 ở hạng II cũ nếu được chuyển sang hạng II mới có hệ số lương 4,0 là có tăng, tuy nhiên việc tăng này cũng gặp một số phản ứng vì sẽ tạo ra bất công giữa giáo viên công tác lâu năm và giáo viên mới, chênh lệch gần 10 năm nhưng có thể nhận hệ số lương như nhau.

Do đó, thực tế việc chuyển xếp lương giáo viên theo chùm Thông tư 01-04 và theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04 đại đa số giáo viên có hệ số lương không thay đổi nhiều, chỉ tăng đôi chút.

Việc thực hiện bổ nhiệm lương mới này sẽ không thay đổi gì nhiều so với lương hiện hành. Nên khi thực hiện bổ nhiệm lương mới này về cơ bản giáo viên vẫn giữ chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên theo quy định hiện hành.

Quy định việc thăng hạng lên hạng cao hơn thì phải trải qua nhiều vòng như hồ sơ, thi/xét thăng hạng, đảm bảo chỉ tiêu,… không dễ đạt được.

Việc thăng hạng thì hệ số lương cũng không thay đổi nhiều vì tại Thông tư 02/2007/TT-BNV quy định việc chuyển xếp lương khi nâng ngạch, thăng hạng như sau: “Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.”

Nên nếu đạt thi/xét thăng hạng thì hệ số lương bằng hoặc có tăng nhưng sẽ không nhiều so với hiện hành.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam