LTS: Đánh giá chất lượng cuộc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay, thầy Nguyễn Văn Thọ đã gửi đến tòa soạn bài viết cho rằng cuộc thi hiện chưa tạo được sự "hứng khởi" cho giáo viên đồng thời bài dự thi nặng tính sắp đặt do có quá nhiều thời gian chuẩn bị.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Thi giáo viên dạy giỏi là một hoạt động thường niên của các cấp học, tổ chức hàng năm ở cấp trường, hai năm một lần ở cấp phòng và bốn năm một lần ở cấp tỉnh nhưng vẫn còn nhiều bất cập đằng sau những cuộc thi này.
Bài dự thi nặng tính sắp đặt, xa rời chất lượng giảng dạy!
Giáo viên thích thành tích nhưng lại kêu ca cực nhọc viết sáng kiến kinh nghiệm(GDVN) - Thực tế, không có quy định nào bắt buộc giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm. Tất cả là do các thầy cô ham thành tích mà lao vào đăng ký với viết mà thôi. |
Tại khoản c điều 6 của Thông tư số 21 /2010/TT-BGDĐT quy định: “Thực hành giảng dạy được tổ chức tại lớp học. Tiết học tham gia thi giảng là tiết học lần đầu tiên được giảng cho học sinh tại lớp học đó. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết giảng trong thời gian ít nhất là 1 tuần trước thời điểm thi giảng”.
Như vậy có nghĩa là để có một tiết dạy trên lớp giáo viên có 168 tiếng đồng hồ cho 45 phút giảng dạy. Còn tiết tiếp theo dạy cách đó một đến hai ngày.
Đó là khoảng thời gian quá dài để giáo viên “bày binh bố trận”, hỏi bài, mớm bài, dạy thử, góp ý… nghĩa là giáo viên có sự chuẩn bị một cách hoàn hảo. Cho nên kì thi giáo viên dạy giỏi được nói một cách hài hước là kì thi “diễn kịch”.
Tiết thi giáo viên dạy giỏi bao giờ cũng rất công phu! |
Đây là điều không phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi lẽ theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT quy định: “Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết”.
4 giải pháp cứu các hội thi giáo viên(GDVN) - “Đã mấy lần tham gia hội thi và được giải thử hỏi tôi được cái gì chứ? Thi đua thì không xét, khen thưởng thì không”. |
Như vậy trong 7 ngày giáo viên phải soạn từ 17 đến 23 tiết tùy vào từng cấp học, đó là chưa kể đến cả trăm công ngàn việc khác; giờ thi chỉ soạn một đến hai tiết mà còn cho dạy thử rồi sửa đi sửa lại và tham khảo ý kiến giám khảo thì làm không tốt sao được?
Nhưng thi như vậy để làm gì? Liệu các em học sinh có còn được học những tiết dạy vô cùng công phu như trong các kì thi giáo viên giỏi
Trước đây, sau khi bốc thăm, giáo viên chỉ có hai ngày cho các tiết dạy của mình vì thế chất lượng giờ dạy tuy không bằng hiện nay nhưng thực chất hơn rất nhiều vì thời gian ngắn nên muốn đi hỏi bài, gà bài, dạy thử… cũng khó.
Cuộc thi mang tính áp đặt với giáo viên!
Cũng tại điều 21, Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT quy định: “kết quả hội thi là căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị và cá nhân. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên và căn cứ điều kiện cụ thể, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương quy định chế độ ưu đãi đối với giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, đối với tập thể có nhiều thành tích trong Hội thi”.
Xét thi đua ở nhà trường đang nhìn vào cái ghế ngồi, cách chơi và độ thân thiết(GDVN) - Đâu đó vẫn “nhìn mặt đặt tên”, nhìn vị trí ngồi, nhìn vào cách chơi và độ thân thiết của mỗi thành viên trong tập thể để xét thi đua! |
Thông tư nói như vậy nhưng thực tế sau khi đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, ngoài giấy chứng nhận của phòng giáo dục và mấy trăm ngàn tiền thưởng ra, giáo viên cũng không được quyền lợi thiết thực gì khác.
Đã thế, khi trật lại bị cấp trên khiển trách, đồng nghiệp chê bai... cho nên việc tuyển chọn, cất cử người đi thi giáo viên dạy giỏi trở nên áp đặt chứ không còn tính tự nguyện từ giáo viên.
Mới đây, Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị không được ép buộc giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi, không được gà bài, dạy thử... nhưng khi nào Bộ và các cấp quản lí còn lấy “kết quả hội thi là căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị và cá nhân ” thì khi đó giáo viên còn bị ép buộc đi thi.
Thiết nghĩ, muốn kì thi giáo viên dạy giỏi phản ánh đúng chất lượng của đội ngũ, khuyến khích được nhiều giáo viên tham gia và tạo thành phong trào tự giác rộng rãi thì trước hết các cấp, ngành cần có chế độ, chính sách thiết thực hơn đối với giáo viên như nâng lương, xem xét chuyển trường, tạo điều kiện nâng cao chuyên môn...
Thứ hai, Bộ nên rút ngắn thời gian chuẩn bị của cho tiết dạy từ bảy xuống còn hai đến ba ngày để hạn chế tiêu cực, sắp đặt trong cuộc thi.
Thư ba là các cấp quản lí đừng ra chỉ tiêu cho các đơn vị, đừng xem việc thi giáo viên dạy giỏi là tiêu chí để xếp thi đua các trường cuối năm.