Thi kiểu Đại học Quốc gia, thí sinh sẽ được lợi thế nào?

15/03/2015 08:12
Xuân Trung
(GDVN) -Thí sinh sẽ được tạo mọi thuận lợi là khẳng định của Đại học Quốc gia Hà Nội khi thực hiện thi theo phương thức đánh giá năng lực học sinh.

Ngày 14/3, Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành thi thử ở điểm thi Trường THPT Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên).

Tại đây, xung quanh câu chuyện đổi mới thi cử và những băn khoăn của học sinh đã được lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ông Nguyễn Kim Sơn-Phó giám đốc và TS. Vũ Viết Bình – Phó trưởng ban Ban đào tạo, TS. Sái Công Hồng – Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội) giải đáp.

Cũng quanh nội dung này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với những người có liên quan giúp thí sinh hiểu rõ hơn về một hình thức tuyển sinh mới.

Đảm bảo quyền lợi người dự thi

Vì sao Đại học Quốc gia Hà Nội lại dày công tìm kiếm một cách thức thi mới trong khi Bộ GD&ĐT đã có chung một kỳ thi cho học sinh, điều gì làm nên sự khác biệt?

Ông Nguyễn Kim Sơn: Tôi nghĩ rằng Kỳ thi THPT quốc gia đang diễn ra cũng là một phần trong lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung. Nhưng với Kỳ thi quốc gia như vậy phải tính toán tới nhiều yếu tố, từ yếu tố phương pháp học tập của học sinh phổ thông hiện nay đến sách giáo khoa, vùng miền, đối tượng.

Để chuyển động cho số đông thì cần phải có lộ trình, có thời gian. Riêng với Đại học Quốc gia Hà Nội - là một trung tâm đào tạo có sứ mệnh tiên phong trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tại đây có nguồn nhân lực dồi dào từ khoa học cơ bản, ứng dụng và nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thi kiểu Đại học Quốc gia, thí sinh sẽ được lợi thế nào? ảnh 1

Ông Nguyễn Kim Sơn: "Nếu lượng thí sinh dự thi ít  thì cũng phải chấp nhận vì đổi mới ban đầu đi từ chỗ ít đến nhiều, đó là bình thường của công cuộc đổi mới, động chạm đến tương lai các cháu nên sự thận trọng của xã hội là đương nhiên, nhưng tôi tin có nhiều phụ huynh, học sinh ủng hộ nhà trường". Ảnh VNU

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã có quá trình lâu dài về nghiên cứu kiểm tra, đánh giá. Với vai trò và sứ mệnh như vậy, cũng như khả năng như vậy thì từ năm 2012 Bộ GD&ĐT đã giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội thí điểm làm phương thức tuyển sinh mới.

Từ đó đến nay đã có thời gian dài chuẩn bị những điều kiện, cơ sở lí luật, đã qua nhiều bước xác lập cơ sở ban đầu cho quá trình này. Hơn nữa quá trình kiểm tra, đánh giá này sẽ tạo điều kiện cho Đại học Quốc gia Hà Nội hội nhập được với quốc tế, làm cho các công đoạn giáo dục đạt tới trình độ quốc tế nói chung, góp phần vào sự đổi mới.

Rộng hơn, chúng tôi không chỉ nhằm giúp cho việc tuyển sinh của mình, mà những kết quả đạt được hy vọng sẽ có ích cho toàn bộ nền giáo dục của nước nhà.

Có thể nói phương thức tuyển sinh theo đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là một bước đi mới. Việc các đề thi trắc nghiệm làm trực tiếp trên máy tính, Đại học Quốc gia Hà Nội có lường trước được những sự cố máy móc để làm sao đảm bảo quyền lợi cho thí sinh hay không?

Ông Nguyễn Kim Sơn: Hiện chúng tôi chưa biết bao nhiêu thí sinh dự thi nên đây cũng là một thách thức.

Thi kiểu Đại học Quốc gia, thí sinh sẽ được lợi thế nào? ảnh 2Không bị động, chủ quan trong Kỳ thi THPT quốc gia

(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu này khi nghe lãnh đạo Bộ GD&ĐT báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, chiều 9/3.

Nếu thí sinh dự thi quá ít là điều không hay. Số lượng các cháu dự thi lớn thì đặt ra những thách thức như số lượng máy tính như thế nào cho đủ.

Nếu ước tính có 40.000 thí sinh thi thì phải cần chuẩn bị 10.000 máy tính, nếu tăng thì thêm cơ sở dự phòng. Vì vậy phải chuẩn bị số lượng đủ để đáp ứng, sau khi thí sinh đăng ký thì chuẩn bị cơ sở vật chất, số lượng máy tính dự trữ 10-15%.

Chất lượng máy tính ở các địa phương không như nhau nên Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị đội ngũ kỹ thuật để rà soát từng máy, trong quá trình làm bài mà máy tính có trục trặc thì sẽ xử lý ngay.

Nếu thời gian chờ sửa chữa máy móc vượt quá thời gian quy định thì các em được chuyển sang ca thi dự trữ, không vì lí do kỹ thuật mà ảnh hưởng đến thời gian làm bài của các em.

Không có chuyện đoán mò

Do là đề trắc nghiệm, đề được lựa chọn ngẫu nhiên, có khi nào thí sinh đỗ vào là do may mắn vì các câu hỏi dễ không?

Ông Nguyễn Kim Sơn: Thi trắc nghiệm, chúng tôi đã có phương án ứng phó. Đề thi được tổ hợp ngẫu nhiên nhưng theo ma trận đề thi chứ không phải lộn xộn.

Thí sinh sẽ lựa chọn trong 140 ô, mỗi ô 100 câu đã được chuẩn hoá. Trong quá trình thi thì có neo đề và cân bằng độ khó, mỗi thí sinh rút ra một đề, không có chuyện đoán mò.

Ví dụ đề thi Toán có 15 câu thí sinh phải làm tự luận, phải tính toán chứ không phải trắc nghiệm hoàn toàn. Đề thi đã được chuẩn hoá và cân bằng độ khó.

Thi kiểu Đại học Quốc gia, thí sinh sẽ được lợi thế nào? ảnh 3

Thí sinh dự thi thử tại điểm thi Trường THPT Đại Từ - Thái Nguyên chiều ngày 14/3. Ảnh Xuân Trung

Là lần đầu tiên áp dụng cách thức thi mới, Đại học Quốc gia Hà Nội có lo về việc có những suy tính của thí sinh cho rằng sợ thay đổi nên việc thu hút các em dự thi là con số rất ít?

Ông Nguyễn Kim Sơn: Chúng tôi cũng đã tính đến khả năng có thể xảy ra. Một là rất ít, hai là rất nhiều. Nếu rất ít thì thông tin mà Đại học Quốc gia Hà Nội truyền tải đến với thí sinh chưa nhiều, ngược lại với quá trình thông tin giải đáp đầy đủ thì không phải ít thí sinh dự thi.

Nếu ít thì cũng phải chấp nhận vì đổi mới ban đầu đi từ chỗ ít đến nhiều, đó là bình thường của công cuộc đổi mới, động chạm đến tương lai các cháu nên sự thận trọng của xã hội là đương nhiên, nhưng tôi tin có nhiều phụ huynh, học sinh ủng hộ nhà trường.

Ông có thể nói rõ hơn về cơ hội tối đa của thí sinh khi dự thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian tới?

PGS. Nguyễn Kim Sơn: Chúng tôi tổ chức thành hai đợt thi, đợt một sẽ kéo dài từ ngày 30 – 31/5/2015 (ngày 1 – 2/6 dự phòng). Đợt 2 từ ngày 1 – 2/8/2015 (ngày 3 – 4/8 dự phòng).

"Các thí sinh có thể bằng nhiều con đường để đăng ký dự thi như qua mạng, trực tuyến, qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc đến trực tiếp Đại học Quốc gia.

Lưu ý, khi đăng ký qua mạng, nếu có nghẽn mạng, nếu không vào được thì thí sinh bình tĩnh rút ra và không quá vội vàng vì thời gian đăng ký kéo dài đến 15/4, trong khoảng thời gian này giá trị đăng ký ngày nào cũng như nhau".

Ông Nguyễn Kim Sơn.

Đợt một diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia, khi đó các em đã hoàn tất chương trình học nên có thể thoải mái tham gia. Chậm nhất 30/6 đã công bố ngưỡng xét tuyển, do đó thí sinh biết mình đã trúng tuyển hay chưa và chỉ cần thi THPT quốc gia nữa là xong.

Nếu thí sinh nào chưa đăng ký thi đợt một có thể thi vào tháng 8. Thí sinh có thể dự thi đợt hai thoải mái nếu kết quả thấp hơn đợt một.

Thí sinh cần học đều các môn

Trong đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội có quy định học sinh phải làm tất cả các môn? Vậy học sinh thi môn văn có quy định điểm liệt hay không?

TS. Sái Công Hồng: Trong 140 câu chúng tôi thiết kế tỷ lệ khó chỉ 20% còn lại là dễ và trung bình. Dù là khối C hay D thì phải đủ năng lực trung bình để đáp ứng tư duy định lượng (về tự nhiên). Sự phân chia tỷ lệ khó dễ có thể giúp thí sinh làm tốt.

Do đó, kiểu gì thí sinh cũng phải thi tốt nghiệp, mà trong thi tốt nghiệp có thi toán, nếu toán mà không được 1 điểm thì không đỗ được, vì vậy các em vẫn phải học đều và đủ năng lực cần có.

Đối với các trường thành viên, phương án tuyển sinh sẽ như thế nào, thưa ông?

TS. Vũ Viết Bình: Nguyên tắc chung là các đơn vị đều lấy bài thi đánh giá năng lực làm cơ sở, riêng Đại học Ngoại ngữ ngoài bài thi đánh giá năng lực sẽ có thêm bài thi môn Ngoại ngữ. Thi Ngoại ngữ trước và thi đánh giá năng lực ở ca tiếp theo.

Thí sinh đạt 70/140 câu là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Đủ điều kiện đăng ký vào các trường, ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các ngành sẽ công bố điểm xét tuyển, còn điểm trúng tuyển được lấy từ cao đến thấp.

Mỗi thí sinh đăng ký vào 1 đơn vị có thể đăng ký 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Căn cứ vào đó các trường xác định được các em có trúng tuyển hay khôn

Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

Xuân Trung