Thi quốc gia nên có 5 bài, dạng tổng hợp

01/09/2016 08:17
Thùy Linh
(GDVN) - Bộ GD&ĐT nên ra đề thi theo dạng bài thi tổng hợp. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi ở dạng tổng hợp các môn khoa học xã hội.

LTS: Ngày 16/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã nhận được văn bản của các Sở GD&ĐT, các trường Đại học, Cao đẳng đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo. 

Thống kê sơ bộ thì nhiều Sở GD&ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT trong khi đó các trường Đại học muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình.
 
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng ban soạn thảo đề thi cần nghiên cứu lại cách ra đề đối với các môn thi có 100% câu hỏi là trắc nghiệm bởi có những câu hỏi thí sinh chỉ cần khoanh bừa cũng có thể đúng, điều này ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam cho rằng, Bộ nên ra đề thi theo dạng bài thi tổng hợp. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả quan điểm của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. 


Tốt nghiệp THPT quốc gia nên thi 5 bài

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng thi tốt nghiệp THPT cần được trả về cho các sở giáo dục là hoàn toàn đúng.

Bởi vì sở GD&ĐT là đơn vị xuyên suốt 12 năm quản lý giáo dục, đào tạo học sinh nên các sở và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm.

Thi quốc gia nên có 5 bài, dạng tổng hợp ảnh 1
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Bộ nên ra đề thi theo dạng bài thi tổng hợp (Ảnh: Thùy Linh)

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ nên ra đề thi theo dạng bài thi tổng hợp. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Ý kiến này của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trùng với kiến nghị của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam khi gửi văn bản đóng góp ý kiến về kỳ thi THPT Quốc gia tới Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từ năm 2014 đến nay. 

Về nguyên tắc học gì thi nấy mới xét toàn diện được. Như trước đây thi 3 môn rồi thêm 1 môn tự chọn các em học phiến diện. Tuy nhiên, dù thi 5 bài thi thì thí sinh cũng chỉ phải thi trong hai ngày, không kéo dài thời gian, đỡ tốn kém cho xã hội”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh. 

"Bên cạnh đó, Bộ cần nghiên cứu đánh giá học sinh không chỉ ở năm cuối, mà cần hướng tới cả trong quá trình học THPT” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam đề xuất.

Giao tự chủ tuyển sinh cho trường đại học, cao đẳng

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Bộ GD&ĐT phải là người có trách nhiệm, đảm nhiệm việc ra đề thi để đảm bảo mặt bằng thi chung thống nhất cả nước và giám sát việc tổ chức kỳ thi ở các địa phương.

Thi quốc gia nên có 5 bài, dạng tổng hợp ảnh 2

Năm 2017 nên thi như thế nào?

(GDVN) - Thông tin Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tiếp tục thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng trong năm 2017, dư luận đang mong chờ quyết định đó.

Về việc tuyển sinh, Bộ nên trả hoàn toàn cho các trường chủ động lên phương án.

Bộ không cần thiết phải “tổ chức thi chung để giúp các trường Đại học có nhu cầu” nữa.

"Bộ GD&ĐT hãy làm vai trò sắp xếp đánh giá các trường, quy định những mức điểm tối thiểu để vào các nhóm trường khác nhau.

Bộ cũng hãy làm công việc rà soát thị trường lao động, giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường một cách cụ thể dựa trên nhu cầu của thị trường lao động, chứ không để các trường tự quyết định chỉ tiêu của các ngành đào tạo như hiện nay” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm. 

Khi kỳ thi kết thúc, để thỏa mãn nguyện vọng lựa chọn ngành đào tạo của người học đồng thời tôn trọng tiêu chí tuyển sinh riêng biệt của từng trường thì Bộ nên chọn phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” do trường Đại học Thăng Long đề xuất”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT gợi ý.

Thùy Linh