Thí sinh 64 tuổi đăng ký thi TN: Có người hỏi tôi 'Già rồi còn học làm gì?'

15/06/2023 06:38
Việt Dũng
GDVN- Cô Chi năm nay đã 64 tuổi, nhưng vẫn đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông, vì cô ý thức được tầm quan trọng của việc học, quyết không bỏ cuộc.

Tuổi cao, sức khỏe giảm, nhưng tinh thần ham học hỏi, quyết tâm trên con đường học vấn của cô Ngô Thị Kim Chi (sinh năm 1959) vẫn không hề giảm. Những ngày tháng 6 này, dưới thời tiết nắng nóng của Thành phố Hồ Chí Minh, cô Chi vẫn miệt mài ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp đến.

64 tuổi vẫn đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Cô Ngô Thị Kim Chi năm nay đã 64 tuổi là một học viên đặc biệt của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Chi kể lại, là chị cả trong một gia đình có 5 anh chị em, thuở nhỏ, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, học đến lớp 8 thì cô Chi phải nghỉ học để đi lao động, phụ giúp bố mẹ kiếm tiền, tăng thu nhập để nuôi các em trong nhà.

Nhớ lại hoàn cảnh của mình khi đó, cô Chi tâm sự: “Khi biết mình phải nghỉ học, tôi đã khóc nhiều lắm, nhưng hoàn cảnh gia đình mình như vậy, phải chấp nhận. Chỉ biết rằng, cần tích cực làm việc, rồi khi nào có điều kiện thì tôi sẽ đi học lại”.

Sau năm 1975, khi đã lập gia đình, cô có tham gia vào lớp bổ túc văn hóa vào buổi tối của địa phương, nhưng do hoàn cảnh kinh tế, bộn bề lo toan cho quán ăn gia đình mở ra, nên một lần nữa, cô lại buộc phải gác qua một bên ước mơ đi học.

Trải qua 40 năm tần tảo, cố gắng nuôi 3 con ăn học thành tài, sự nghiệp đầy đủ, đến nay, cô Kim Chi đã bắt đầu dừng hết mọi công việc buôn bán để quay lại việc học của mình, thực hiện ước mơ được đi học, có bằng cử nhân.

Thế nhưng, do đã lâu không được đi học, tâm lý ngại ngùng, nên ban đầu, cô Chi đã nộp hồ sơ xin nhập học vào một trung tâm giáo dục thường xuyên ở xa nhà, để đỡ xấu hổ với hàng xóm láng giềng, nhưng hồ sơ của cô lại không được nhận, với lý do lớn tuổi.

Cô Kim Chi và con trai, con dâu, các cháu ở lễ tri ân, trưởng thành của trung tâm mới tổ chức gần đây (ảnh: NVCC)

Cô Kim Chi và con trai, con dâu, các cháu ở lễ tri ân, trưởng thành của trung tâm mới tổ chức gần đây (ảnh: NVCC)

Thất vọng, chán chường, nhưng quyết không bỏ cuộc, cô Ngô Thị Kim Chi vào năm 2016 đã quyết tâm nộp đơn, thực hiện ước mơ tiếp tục được đi học còn dang dở của mình tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quận 7.

Kể lại với phóng viên, cô Chi nói rằng mình vẫn còn nhớ y nguyên ngày được lãnh đạo trung tâm nói rằng, do không có học bạ nên cô phải học lại từ lớp 6.

“Khi đó tôi mừng lắm. Đơn giản chỉ vì được đến trường học lại thôi, còn lớp mấy cũng được” – cô Chi nói trong hào hứng.

Người già đi học chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn hơn người trẻ tuổi. Là học viên lớn tuổi nhất lớp từ nhiều năm nay, cô Ngô Thị Kim Chi luôn tập trung vào việc học của mình.

Tuy nhiên, dần dần với sự dễ thương vốn có của những người trẻ, bạn bè đã tiếp cận được với cô Chi, trò chuyện, gần gũi với người bạn lớn tuổi này.

Chính nhờ vậy mà chỗ nào giáo viên giảng nhanh quá, ghi bài chưa kịp, cô Chi đã được các bạn trẻ giúp đỡ. Ngược lại, có những kiến thức nào bạn cùng lớp chưa hiểu, cô Chi cũng nhiệt tình chia sẻ, chỉ lại cho các bạn.

Nhiều năm trôi qua, nhờ sự ham học hỏi, cầu tiến của mình, cô Ngô Thị Kim Chi quyết không bỏ cuộc, luôn đạt danh hiệu Học viên giỏi suốt 6 năm qua tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, vào năm học lớp 9 và lớp 12, cô Chi còn đạt giải Nhì và Ba môn Địa lý tại kỳ thi Học viên giỏi cấp thành phố dành cho hệ giáo dục thường xuyên.

Cô Ngô Thị Kim Chi và thầy giáo chủ nhiệm trao đổi bài học trong lớp (ảnh: VD)

Cô Ngô Thị Kim Chi và thầy giáo chủ nhiệm trao đổi bài học trong lớp (ảnh: VD)

Một thành tích rất xuất sắc, và có nằm mơ cô cũng không nghĩ được sẽ có ngày mình lại có một thành tích học tập tốt đến như vậy.

Già rồi còn đi học làm gì?

Đó là câu mọi người thường nói với cô. Con đường tiếp thu tri thức vốn chẳng một tí nào dễ dàng, với người trẻ đã khó, người già lại càng khó thêm gấp bội phần, do có thêm những lời nói ra vào của người đời, và những cản trở về mặt sức khỏe, lại càng thử thách tinh thần học tập của người phụ nữ ham học này.

Cô Ngô Thị Kim Chi nói, trong các môn học của hệ giáo dục thường xuyên, cô ngại nhất là 3 môn Toán, Vật lý, Hóa học do có nhiều công thức, lại còn phải linh hoạt áp dụng vào các bài tập.

Biết mình đã lớn tuổi, nên lúc nào cô Chi cũng tự nhủ mình cần cố gắng gấp nhiều lần những bạn học cùng lớp. Cô dành nhiều thời gian làm bài tập, ôn lại kiến thức. Chỗ nào chưa hiểu, cô hỏi lại ngay thầy cô, bạn bè học cùng lớp.

Đến trường học dù đã 64 tuổi, cô Kim Chi được các thành viên trong gia đình ủng hộ hết mình, nhưng hàng xóm láng giềng luôn “lời ra, tiếng vào”.

Cô Kim Chi vẫn chăm chỉ đến lớp ôn tập khi kỳ thi tốt nghiệp đã cận kề (ảnh: VD)

Cô Kim Chi vẫn chăm chỉ đến lớp ôn tập khi kỳ thi tốt nghiệp đã cận kề (ảnh: VD)

Thậm chí, có lần thì một người bạn đã đặt thẳng vấn đề với cô Chi: “Già rồi còn đi học để làm gì?” đã được cô Ngộ Thị Kim Chi đáp ngay: “Học là để biết thêm nhiều kiến thức, hiểu biết rộng hơn”.

Trải nghiệm nhớ mãi: Học cùng trường với cháu nội

Một trải nghiệm mà cô Ngô Thị Kim Chi có thể nhớ mãi, không thể nào quên, đó là việc được học cùng trường với cháu nội của mình.

Vào năm 2016, khi Trường trung học cơ sở Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), nơi cháu nội của cô Chi đang theo học phải xây dựng lại, học sinh của trường này phải học tạm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quận 7.

Và thế là cả bà và cháu nội phải học chung cùng một trường. Cứ tưởng rằng cả bà và cháu khi đó sẽ rất vui, nhưng không phải như thế. Có một số người bạn của cháu cô Chi khi biết tin này đã cười, do bà đã lớn tuổi rồi mà vẫn phải đi học.

Thương cháu vì chưa hiểu câu chuyện, sợ cháu của mình ngại, nên lúc đó, cô Chi đã dặn cháu của mình rằng khi gặp nhau trên trường, con không cần chào hay nhìn bà đâu.

Trải qua một thời gian ngắn, khi biết được câu chuyện này, thầy cô Trường trung học cơ sở Huỳnh Tấn Phát đã chia sẻ tấm gương ham học của cô Chi, để cho các bạn học sinh của trường noi theo.

Thái độ của bạn cháu cô Chi đã thay đổi theo hướng tích cực hơn, và cháu của cô Chi luôn tự hào vì có một người bà ham học đến như thế.

Thấm thoát mà 7 năm học đã trôi qua, chỉ còn vài tuần nữa thôi, cô Ngô Thị Kim Chi sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh, một kỳ thi quan trọng trên con đường học vấn của cô Chi.

Nếu điểm số đạt như mong muốn, cô Chi vẫn mong muốn được học và hoàn thành chương trình cử nhân sư phạm, với ước muốn sẽ mở một lớp học miễn phí dành cho trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong khu phố của mình, chia sẻ những kiến thức mà mình biết được.

Việt Dũng