LTS: Trước kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2019 - 2020, tác giả Sông Trà gửi đến độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa kí quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2019 - 2020.
Theo đó, đối với lớp 10 trung học phổ thông không chuyên, sẽ thực hiện thi tuyển 4 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư.
Trong đó, bài thi thứ 4 được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lí.
Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật (thí sinh được đăng ký thứ tiếng Ngoại ngữ khác với thứ tiếng Ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở).
Thí sinh tham gia kì thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: Ngọc Châu/Tiền Phong). |
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố chọn bài thi môn thứ tư vào tháng 3.
Về hình thức thi, các bài thi môn Toán và Ngữ văn làm bài theo hình thức tự luận, thời gian 120 phút/bài thi.
Bài thi môn Ngoại ngữ theo hình thức kết hợp trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài 60 phút; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi, đảm bảo nguyên tắc: 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.
Trước đó, tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018 vừa qua, ở nhiều địa phương đã “nở rộ” lên môn thi thứ 3 với hình thức liên môn, tổ hợp và trắc nghiệm khách quan.
Thành phố Hải Phòng, về bài thi, học sinh làm 3 bài thi là Toán, Ngữ văn và Tổ hợp. Bài thi tổ hợp gồm 2 môn Tiếng Anh và Vật lý. Tiếng Anh thi theo hình thức trắc nghiệm, không có phần tự luận.
Đề thi tổ hợp đã rút bớt 5 môn thi, giảm thời gian làm bài từ 90 phút xuống 60 phút so với phương án ban đầu.
Tuyển sinh vào lớp 10 ở Nghệ An đã tổ chức với các môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, tổ hợp môn Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Pháp), Sinh học và Giáo dục công dân.
Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Nghệ An áp dụng bài thi tổ hợp với hình thức trắc nghiệm.
Để đảm bảo kết quả chính xác và khách quan nhất, bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy.
Còn tỉnh Hưng Yên thì thi ba môn bắt buộc là Toán, Văn và bài thi tổng hợp (gồm tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh).
Theo dự kiến, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm học 2019-2020 cũng sẽ có thêm môn thi tư là môn liên môn/tích hợp cùng với ba môn thi lâu nay: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Nhiều phụ huynh học sinh và một số thầy cô giáo có không ít tâm tư, băn khoăn về việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các địa phương khác thêm môn thi, bài thi trong thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018 và các năm tới.
Thứ nhất, thi thêm môn từ hai môn thành 3, 4 môn/bài tổ hợp, tất yếu sẽ dẫn đến tăng áp lực cho con trẻ, trong khi điều chúng ta hướng đến là làm cho việc thi cử ngày càng nhẹ nhàng, đỡ căng thẳng, tốn kém hơn.
Thứ hai, đến tháng 3, 4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các địa phương mới công bố môn thi thứ 3, 4 theo kiểu “ú tìm” càng khiến tâm lý học sinh thêm nặng nề.
Thứ ba, đây là kỳ thi tuyển sinh mà Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo từng nhấn mạnh, nó chỉ mang ý nghĩa tuyển chọn, không phải đánh giá năng lực toàn diện như kỳ thi trung học cơ sở (trước đây), kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay.
Thứ tư, việc thi nhiều môn cũng không là giải pháp tốt để tránh học tủ, học lệch.
Việc học toàn diện hay nói cách khác là đào tạo một con người toàn diện là khái niệm, là quy chuẩn cần xem lại. Học tất cả các môn với cơ cấu như hiện nay thì không phải là toàn diện.
Chương trình hiện nay chưa có các môn kỹ năng, các môn nghệ thuật, giáo dục thể chất bị xem nhẹ, các môn khoa học quá hàn lâm.
Mặt khác, không thể đòi hỏi người học hứng thú và học tốt tất cả các môn nên cần có môn tự chọn.
Muốn toàn diện thì phải thay đổi từ cơ cấu môn học, giờ học chứ không phải thay đổi thi cử.
Hơn nữa, nhiều năm nay Hà Nội và một số địa phương sử dụng phương thức thi kết hợp xét tuyển dựa vào điểm quy đổi, điểm rèn luyện 4 năm thì đã là một cách để học sinh học toàn diện rồi (nếu các thầy cô dạy học nghiêm túc, không có chuyện làm đẹp học bạ).
Thứ năm, thêm môn thi làm cho tình trạng học dạy thêm tràn lan, trái phép vốn đã phức tạp, nhức nhối lại càng trở nên phức tạp, nhức nhối hơn.
Tuy vậy, phần đông thầy cô giáo trung học cơ sở ở địa phương lại rất đồng tình với phương án thêm môn thi trong tuyển sinh vào lớp 10 của các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Khi xây dựng đề án, kế hoạch cải tiến, đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các nhà quản lý giáo dục tại địa phương có cái lí của mình.
Nhiều trường trung học cơ sở (nói riêng) đã, đang tồn tại, nhiễm nặng tính thực dụng, “có thi mới có học”, “không thi không học” và căn bệnh sính thành tích trầm trọng.
Công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới của tỉnh An Giang |
Từ đó, dẫn đến đánh giá không thực chất, toàn lừa dối lẫn nhau, nhiều em học sinh hời hợt, hạn chế, yếu kém trong kiến thức, kỹ năng tổng hợp, toàn diện.
Hầu hết các trường chỉ chú trọng dạy và học những môn có tổ chức thi và xem nhẹ các môn văn hóa còn lại.
Việc tăng thêm môn thi/bài thi tổ hợp nhằm hướng tới giáo dục toàn diện và kiểm tra kiến thức học sinh một cách tổng thể, để học sinh có một động lực để học, tìm tòi và phát huy khả năng của mình.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thi với môn thi tổ hợp bằng hình thức trắc nghiệm cũng tiệm cận với chương trình giáo dục tổng thể mà Chính phủ đã phê duyệt và gần hơn với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Trả lời phỏng vấn của Báo Lao động số ra gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng lại cho rằng, áp lực không nằm ở việc thi 2 môn hay 4 môn, mà nằm ở cách ra đề thi.
“Quan điểm của tôi là có học thì phải có thi, như vậy mới có kết quả. Dư luận cũng đặt câu hỏi liệu có dẫn đến dạy học thêm tràn lan không, tôi cho rằng, câu chuyện chống dạy học thêm tràn lan là một quá trình và thi cũng là một cách.
Chúng ta hãy thử nhìn xem, với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia khi đổi mới cách thi việc luyện thi, lò luyện không còn nhiều nữa.
Vì thế, cần thiết nghiên cứu cách ra đề thi để có thể giảm áp lực thi. Đề thi cần theo hướng rèn kỹ năng, trí tuệ là chính chứ không phải ra đề thi theo hướng học máy móc, thuộc lòng”.