Thi trên máy tính là xu thế tất yếu của thời đại
Đề xuất tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính của Bộ Giáo dục và Đào tạo được nhiều chuyên gia, giáo viên hưởng ứng.
Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng: Từ năm 2021 trở đi, nếu duy trì cách thi trên giấy như hiện nay thì đã lạc hậu nên việc tổ chức thi trên máy tính là xu thế tất yếu.
Thi trung học phổ thông sau năm 2020: Căn cơ, chắc chắn nhưng rất khẩn trương |
Điều này xuất phát từ những yêu cầu đổi mới căn cơ trong giáo dục; sự lan tỏa của cuộc cách mạng 4.0 và những gian lận, bê bối trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đòi hỏi cần phải có một hình thức thi minh bạch, công bằng hơn.
Theo kiến giải của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu tổ chức thi trên máy tính, một thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia có thể đăng ký một hay nhiều đợt trong năm;
Kết quả thi của đợt nào cao nhất sẽ dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và có thể cung cấp cho các trường đại học, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh nếu có nhu cầu.
Đánh giá về những ưu điểm của việc tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính, Giáo sư Phạm Tất Dong bày tỏ:
“Hình thức thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính sẽ có nhiều ưu điểm.
Trước hết thí sinh sẽ cảm thấy việc học nhẹ nhàng hơn; kiến thức cũng như kỹ năng của thí sinh sẽ được kiểm tra toàn diện hơn.
Nhưng để làm được cần phải có sự chuẩn bị, trong đó quan trọng nhất là chuẩn bị ngân hàng câu hỏi.
Nếu đã thống nhất hướng đi thì nên bắt tay ngay vào thực hiện chứ không nên chỉ bàn rồi nước đến chân mới nhảy”.
Đề xuất thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính được nhiều chuyên gia đồng tình (Ảnh:L.T) |
Đồng tình với phân tích của Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định:
"Ưu điểm của thi trên máy tính là có kết quả tức thì, có thể tổ chức thành nhiều đợt trong một năm, không phải tổ chức hội đồng thi rườm rà, phức tạp từ đó có thể hạn chế tiêu cực trong thi cử".
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng: Thi trên máy tính với nhiều đợt sẽ giảm bớt các tiêu cực trong thi cử, đảm bảo khách quan, chấm dứt tình trạng chấm lỏng, chấm chặt như thời chấm bằng tay.
Dưới góc độ của giáo viên, nhiều thầy cô cũng lên tiếng ủng hộ hình thức thi trên máy tính.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa cho rằng: Thi trên máy tính là sự đổi mới, tiến bộ. Không thể nói ra rả về cách mạng 4.0 mà thí sinh hằng năm vẫn thi trên giấy.
Về nguyên lý việc thi trên máy tính cũng sẽ hạn chế tác động của con người từ đó hạn chế được tiêu cực trong thi cử.
Cần có lộ trình cụ thể và truyền thông mạnh mẽ trước khi thực hiện (Ảnh:D.H) |
Cô Vũ Thị Hoài (Nam Định) bộc bạch: “Việc thi Trung học Phổ thông Quốc gia trên máy tính chúng tôi rất ủng hộ.
Vì điều này sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian cũng như công sức dành cho các giáo viên.
Đặc biệt khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu thực hiện hình thức coi thi chéo, chấm chéo giữa các địa phương. Điều này khiến cho giáo viên chúng tôi phải mất nhiều công sức, thời gian hơn.
Bên cạnh đó theo tôi nghĩ cũng phải tiến tới áp dụng khoa học công nghệ vào trong giáo dục để bắt kịp các quốc gia khác.
Việc dùng máy móc để chấm cũng đảm bảo khách quan hơn so với chấm tay”.
Cần có lộ trình cụ thể, đề xuất thí điểm trước khi triển khai đại trà
Bên cạnh những ưu điểm đã phân tích ở trên, hình thức thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính cũng bộc lộ nhiều nhược điểm có thể dự đoán từ trước.
Trước tiên, việc tổ chức thi trên máy tính sẽ xảy ra những lo ngại về cơ sở vật chất không đồng đều, trình độ không tương xứng giữa các địa phương.
Phương án thi trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020 sẽ như thế nào? |
Cô Phạm Thái Lê, giáo viên môn Ngữ Văn trường Marie Curie, cho rằng: Trước khi áp dụng chính sách vào trong cuộc sống cần phải có quá trình thí điểm, gắn liền với thực tiễn.
Cô Lê nói: “Theo tôi trước khi tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia trên máy tính cần phải thí điểm tại một số các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Từ đấy, thông qua quá trình thực tiễn chúng ta mới có thể đánh giá tính hiệu quả rồi nhân rộng ra các địa phương khác.
Bởi, tại nhiều địa phương học sinh vẫn chưa làm quen 100% với việc sử dụng máy tính, điều này sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các em.
Bên cạnh đó đối với giáo viên cũng cần phải thay đổi hệ thống giáo án, thay đổi phương pháp dạy học.
Cho nên, bản thân tôi nghĩ việc thi trên máy tính rất hay nhưng cần có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị.
Ngoài ra trước khi thực hiện cũng cần có những kế hoạch truyền thông sâu rộng để người dân, thí sinh có thể nhận thức được và thực hành được để không bị bỡ ngỡ trước hình thức thi kiểu mới”.
Sự lo ngại của cô Lê không phải không có lý do vì hiện nay trình độ, kỹ năng sử dụng máy tính, cơ sở vật chất giữa các địa phương chưa có sự đồng đều.
Việc tổ chức thi trên máy tính, trong nhất thời sẽ gây khó khăn cho đội ngũ giáo viên, học sinh tại các vùng kinh tế khó khăn, miền núi, hải đảo.
Chuyên gia cho rằng: Cần phải có lộ trình thực hiện và thí điểm hình thức thi trên máy tính trước khi áp dụng đại trà (Ảnh:T.L) |
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng nói: “Đối với các thí sinh ở thành phố do được sử dụng máy tính thường xuyên nên việc thao tác và thực hành sẽ đơn giản hơn, nhanh hơn so với các em ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn.
Cùng với đó, số lượng máy tính hiện nay khó đáp ứng nhu cầu tổ chức thi. Chưa kể trong quá trình tổ chức thi máy tính bị trục trặc sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý, quyền lợi của các thí sinh.
Nếu cả nước có hàng chục nghìn phòng thi thì sẽ phải thêm rất nhiều người trực phần mềm thi, yêu cầu về chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin của giám thị cũng phải cao hơn”.
Bên cạnh yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất, một yếu tố được nhiều chuyên gia, giáo viên bày tỏ lo lắng đó là yếu tố con người.
Việc sử dụng hình thức thi trên máy tính có hạn chế được những tiêu cực trong kỳ thi Quốc gia (Ảnh:V.N) |
Thầy Vũ Khắc Ngọc băn khoăn: “Công nghệ cũng do con người làm ra và vận hành.
Do đó chứng nào con người vẫn còn bị chi phối với các yếu tố tiền bạc, quyền lực, quan hệ…thì gian lận vẫn có thể xảy ra”.
Với những khó khăn nêu trên, theo nhiều chuyên gia này, trước khi tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia bằng hình thức thi máy tính theo hướng đại trà cần thí điểm, tổng kết và xây dựng lộ trình phù hợp.
Như vậy, việc đổi mới thi trên máy tính là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thời đại, nhưng xem ra Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có rất nhiều việc phải làm trước khi triển khai đại trà trên cả nước.