Sáng ngày 6/6, hơn 96.300 thí sinh lớp 9 tại Thành phố Hồ Chí Minh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập bước vào ngày thi đầu tiên, với môn Ngữ văn. Thời gian làm bài là 120 phút.
Thí sinh cảm thấy nhẹ nhàng với đề Ngữ văn
Tại điểm thi Trường trung học cơ sở Nguyễn Du, Quận 1, hơn 10h, khi kết thúc giờ làm bài, các thí sinh bước ra với trạng thái thở phào nhẹ nhõm, vì nội dung của đề nằm trong chương trình ôn tập, mà cũng không quá khó như dự đoán ban đầu của các em.
“Em thấy đề khá dễ. Nếu học sinh chịu khó học bài, biết vận dụng kiến thức thì sẽ được 7 điểm” – Nguyễn Mỹ Tiên, học sinh Trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, Quận 1 bày tỏ.
Thí sinh Hồng Tâm Nghi (học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Quận 1) cho hay, đề môn Ngữ văn sáng hôm nay không có gì bất ngờ, hay gây khó khăn cho học sinh làm bài, vì cấu trúc đề rất quen thuộc với học sinh lớp 9 trong quá trình học và ôn tập.
Thí sinh ở điểm thi Trường Nguyễn Khuyến trước giờ làm bài môn Ngữ văn (ảnh: P.L) |
Theo em Nghi, đề nhẹ nhàng. Em làm bài tốt. Với câu nghị luận xã hội, em có nhiều thông tin và ví dụ thực tế để đưa vào bài viết. Đề thi như vậy, Nghi tự tin có thể lấy được 8 điểm.
Trong khi đó, thí sinh Trần Minh Tuấn (học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Du, Quận 1) đánh giá: Câu nghị luận xã hội yêu cầu nêu góc nhìn về việc nuôi dưỡng những suy nghĩ tốt đẹp, gần gũi với lứa tuổi học sinh.
Học sinh sẽ có thể tự do suy nghĩ, thể hiện qua cách viết với đề Ngữ văn như sáng ngày hôm nay.
Đề thi có cấu trúc quen thuộc
Thạc sĩ Phan Thế Hoài – giáo viên Văn Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân cho rằng, đề thi tuyển sinh môn Ngữ văn năm nay của thành phố có cấu trúc quen thuộc, đó là đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Đáng chú ý, câu đọc hiểu cho ngữ liệu là một bức thư, người gửi là cô giáo em và yêu cầu thí sinh trả lời 4 câu hỏi được thiết lập theo ma trận đề là nhận biết, thông hiểu và vận dụng.
Theo Thạc sĩ Phan Thế Hoài, thầy rất tâm đắc ngữ liệu trong phần đọc hiểu vì lá thư được viết từ “cô giáo em” với nội dung đong đầy yêu thương khi bàn về tuổi trẻ giàu suy nghĩ về cuộc sống xung quanh và những người thân yêu.
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn, trang 1 (ảnh: P.L) |
Tuy vậy, các em thường giấu kín tâm tư của mình, mà không thổ lộ với ai. Vậy nên tuổi trẻ cần chia sẻ bằng cách nói ra để bày tỏ cảm xúc, tâm trạng để bộc lộ cái tôi.
Cùng với đó, ngữ liệu rất phù hợp với tâm lý của tuổi 15, giúp học sinh có hứng thú khi làm bài. Học sinh dễ dàng đạt được từ 2,5 đến 3 điểm cho phần đọc hiểu.
Với câu nghị luận xã hội là một đề rất mở, được tích hợp từ ngữ liệu của phần đọc hiểu và ý thơ của nhà thơ Lê Minh Quốc. Từ đó, học sinh bàn về nhan đề: Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời. Học sinh khá giỏi có thể thỏa sức sáng tạo theo quan điểm của bản thân, học sinh trung bình cũng có thể làm được những yêu cầu cơ bản của đề.
Với câu nghị luận văn học, học sinh có hai sự lựa chọn. Đề 1 bàn về tình yêu nước của con người Việt Nam qua một khổ thơ, đoạn thơ. Học sinh có thể lựa chọn tác phẩm trong hoặc ngoài chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9. Đây là yêu cầu nghị luận quen thuộc, học sinh đã được làm quen nhiều qua 4 năm bậc trung học cơ sở, nên các em chắc cũng không gặp khó khăn khi làm bài.
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn, trang 2 (ảnh: P.L) |
Đề 2 cũng là một câu hỏi có độ mở cao. Đó là học sinh gửi bài viết về câu lạc bộ theo yêu cầu, chọn tác phẩm về đề tài gia đình và viết bài văn nghị luận trình bày về tình cảm gia đình.
Quan trọng hơn, qua đó, học sinh chia sẻ về cách bản thân trò chuyện, thấu hiểu tác phẩm đó.
Nhìn chung, câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học vừa phù hợp với cả chương trình cũ lẫn chương trình mới. Học sinh không thể “học tủ” hay “học vẹt”, học theo văn mẫu mà phải hiểu đề để làm bài thi, từ trải nghiệm và tri thức vốn có của bản thân.
Thầy Phan Thế Hoài khẳng định, với đề thi Ngữ văn này, học sinh lớp 9 của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không khó khăn lắm để lấy điểm 7.
Cán bộ hỗ trợ viết bài cho thí sinh
Tại điểm thi Trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, Quận 10 (điểm thi lớp 10 chuyên), có một thí sinh là em Lê Hoàng Long (học sinh Trường trung học cơ sở Châu Văn Liêm) bị phẫu thuật nối gân cơ cẳng.
Thí sinh này không thể viết được bài môn Ngữ văn, nên cần có cán bộ coi thi viết hộ.
Theo ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ coi thi viết hộ phải là giáo viên không đúng với môn thi của thí sinh làm.
Thí sinh Long và cán bộ hỗ trợ ghi bài, có thiết bị ghi hình ghi âm giám sát (ảnh: P.L) |
Trong phòng thi này, điểm thi bố trí sẵn camera giám sát, thiết bị ghi âm để ghi lại quá trình nói, viết bài hộ cho thí sinh từ cán bộ coi thi.
Thí sinh Long được bố trí thi ở phòng thi dự phòng, đầy đủ hai cán bộ coi thi và cán bộ giám sát phòng thi ở bên ngoài đầy đủ, như mọi phòng thi bình thường khác.
Thầy Phạm Thanh Yên – Điểm trưởng điểm thi Trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến cho biết, điểm thi có 581 thí sinh với 25 phòng thi. Trong sáng hôm nay vắng 2 em.
Điểm thi tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học sinh làm bài, nhất là đối với em thí sinh không thể viết bài.