Thiếu GV, Yên Bái phối hợp với đại học vùng mở lớp sư phạm tiếng Anh "tại chỗ"

30/08/2023 11:19
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thiếu giáo viên Tiếng Anh, Yên Bái phối hợp với Đại học Thái Nguyên mở lớp Sư phạm Tiếng Anh tại tỉnh để bổ sung nguồn tuyển.

Trước thềm năm học mới 2023-2024, các địa phương đang khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ. Thiếu giáo viên hiện vẫn đang là khó khăn chung của toàn ngành giáo dục, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học ở vùng khó.

Bên cạnh cử giáo viên biệt phái để khắc phục tạm thời khó khăn trước mắt, các địa phương cũng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Đức Lương - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái) đã chia sẻ một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và đảm bảo chế độ cho giáo viên biệt phái.

Cả huyện chỉ có 01 giáo viên Tiếng Anh dạy cấp tiểu học

Theo đó, ông Phạm Đức Lương cho biết: “Sau ba năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; về cơ bản, Yên Bái thực hiện tốt công tác chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất, sách, thiết bị, đảm bảo các điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình.

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị đội ngũ gặp những khó khăn như nhiều địa phương trong cả nước; đặc biệt là việc bố trí, sắp xếp đội ngũ để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành hiện có 13.210 người; trong đó có 1.176 cán bộ quản lý, 11.050 giáo viên (mầm non 3.476; tiểu học: 3.716; trung học cơ sở: 2.684; trung học phổ thông: 1.174 người), 885 nhân viên và 99 hợp đồng lao động).

Tỉ lệ giáo viên so với định mức đạt 84,2% (mầm non đạt 84,9; tiểu học đạt 85,0%; trung học cơ sở đạt 81,1%; trung học phổ thông đạt 84,7%).

So với nhu cầu, Yên Bái thiếu 2.079 giáo viên (mầm non thiếu 640, tiểu học thiếu 609, trung học cơ sở thiếu 632, trung học phổ thông thiếu 198); hai huyện có tỉ lệ giáo viên thấp nhất tỉnh là Trạm Tấu đạt 75,5%, Mù Cang Chải đạt 75,6%.

Ông Phạm Đức Lương - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Ông Phạm Đức Lương - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Đặc biệt, yêu cầu bố trí giáo viên môn Tiếng Anh để triển khai dạy học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; toàn tỉnh thiếu 274 người (tiểu học thiếu 148; trung học cơ sở thiếu 87; trung học phổ thông thiếu 39); cá biệt như huyện Mù Cang Chải, hiện chỉ có 01 giáo viên Tiếng Anh dạy cấp tiểu học”.

“Để khắc phục tình trạng trên, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã tăng cường việc sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên hợp lý, hiệu quả, đảm bảo dạy hết môn, dạy đầy đủ chương trình, nhất là đối với môn Tiếng Anh.

Cụ thể: Các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động thực hiện điều động, phân công, bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp, liên xã; biệt phái hỗ trợ các trường thiếu giáo viên; ưu tiên bố trí tối đa định mức giáo viên giảng dạy ở những môn thiếu giáo viên, nhất là môn Tiếng Anh” - ông Phạm Đức Lương cho biết thêm.

Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã tăng cường việc sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên hợp lý, hiệu quả, đảm bảo dạy hết môn, dạy đầy đủ chương trình, nhất là đối với môn Tiếng Anh. Ảnh: NVCC.

Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã tăng cường việc sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên hợp lý, hiệu quả, đảm bảo dạy hết môn, dạy đầy đủ chương trình, nhất là đối với môn Tiếng Anh. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ cụ thể hơn về tình hình biệt phái giáo viên trên địa bàn tỉnh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái) thông tin: “Năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024, tỉnh biệt phái 15 giáo viên môn Tiếng Anh từ khu vực thành phố, thị xã lên hỗ trợ cho huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải; đối với các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch biệt phái, bố trí dạy liên trường, liên cấp, liên xã trên 300 lượt giáo viên trong năm học.

Đối với biệt phái dạy liên trường, thực hiện biệt phái liên tục trong năm học, bố trí một giáo viên có thể dạy học ở hai đến ba trường trong địa bàn gần.

Đối với biệt phái tới các trường ở xa, thực hiện biệt phái tối thiểu 1 kỳ học, nhiều nhất là 2 năm học liên tục.

Giáo viên biệt phái được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách ở đơn vị được biệt phái đến theo quy định. Về khoảng cách, giáo viên biệt phái trong khối huyện có khoảng cách tới trường biệt phái từ 8 đến 15 km, xa nhất khoảng 30 đến 50km; biệt phái giữa các huyện, khối trực thuộc Sở khoảng 30 đến 40km, xa nhất đến trên 200km.

Khi thực hiện biệt phái, phần lớn giáo viên sẵn sàng khắc phục khó khăn, nhận nhiệm vụ, chia sẻ, hỗ trợ cho các trường vùng cao, vùng khó khăn còn thiếu giáo viên; tận tâm dạy học, hỗ trợ học sinh bán trú, hỗ trợ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vùng cao; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việc biệt phái giáo viên đã góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt về đội ngũ giáo viên còn thiếu theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường vùng cao, hoàn thành chương trình theo quy định.

Các thầy cô giáo được biệt phái là những giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng và giàu kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu giảng dạy đã phát huy hết khả năng, năng lực sở trường, kinh nghiệm chuyên môn để góp sức cùng với nhà trường - nơi được phân công đến giảng dạy nâng cao chất lượng giáo dục”.

Lãnh đạo thành phố Yên Bái tổ chức gặp mặt giáo viên đi biệt phái. Ảnh: NVCC.

Lãnh đạo thành phố Yên Bái tổ chức gặp mặt giáo viên đi biệt phái. Ảnh: NVCC.

Phối hợp với Đại học Thái Nguyên mở lớp sư phạm Tiếng Anh

Theo ông Phạm Đức Lương, do số lượng giáo viên hiện nay thiếu nhiều, một số giáo viên biệt phái phải dạy liên cấp, liên trường; đối với môn Tiếng Anh, hệ thống cơ sở vật chất phòng học bộ môn, đường truyền Internet còn chưa đảm bảo nên cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong việc dạy học trực tuyến.

Giáo viên đang ở trường gần nhà, nay biệt phái thì phải đi làm xa hơn, thậm chí không thể đi về được trong ngày; một số trường không có phòng ở công vụ, giáo viên phải ở trọ làm phát sinh chi phí đi lại, sinh hoạt khi phải đi biệt phái.

“Chính vì vậy, xác định biệt phái giáo viên là việc làm thường xuyên và còn diễn ra trong nhiều năm học tới; ngành giáo dục đã phối hợp tốt với các ngành, các địa phương chỉ đạo việc quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các thầy cô được biệt phái khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, thực hiện tuyển dụng giáo viên hằng năm, liên tục để có thể tuyển dụng được số lượng giáo viên nhiều nhất. Ban hành chính sách thu hút vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đối với người có trình độ đại học sư phạm Tiếng Anh, Tin học được tuyển dụng vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 100 triệu đồng/giáo viên được tuyển dụng.

Bên cạnh đó, phối hợp với Đại học Thái Nguyên mở lớp đại học sư phạm Tiếng Anh tại tỉnh với số lượng 34 học viên; năm học này tiếp tục tuyển sinh bổ sung từ nguồn tuyển là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông từ các trường dân tộc nội trú, trường thuộc địa bàn vùng cao để chủ động nguồn bổ sung giáo viên Tiếng Anh trong thời gian tới” - ông Lương chia sẻ thêm.

Lễ khai giảng lớp Sư phạm Tiếng Anh tại tỉnh Yên Bái vào tháng 2/2023. Ảnh: NVCC.

Lễ khai giảng lớp Sư phạm Tiếng Anh tại tỉnh Yên Bái vào tháng 2/2023. Ảnh: NVCC.

Từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn, ông Phạm Đức Lương bày tỏ: “Đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục giao bổ sung biên chế cho ngành giáo dục nói chung, giáo dục tỉnh Yên Bái nói riêng để có đủ biên chế thực hiện nhiệm vụ (hiện nay, Yên Bái mới được giao khoảng 91% theo định mức).

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm trong quá trình học tập; tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách ưu tiên thu hút, hỗ trợ cho sinh viên sư phạm khi được tuyển dụng vào công tác tại vùng khó khăn”.

Ngân Chi