Ngày 17/5 vừa qua, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội có văn bản số 1676 về việc hướng dẫn thực hiện đánh giá bằng nhận xét theo Thông tư số 26. Điều này nhằm giảm tải áp lực cho giáo viên bộ môn.
Theo cô L., một nữ giáo viên dạy môn Hóa và là lãnh đạo một trường Trung học cơ sở thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) cho hay, cách đây ít ngày, đơn vị nhận được văn bản của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội về việc triển khai đánh giá nhận xét theo Thông tư 26.
Ảnh: Văn bản Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hà Nội gửi các Phòng, Hiệu trường trường trung học phổ thông. |
Theo đó, văn bản cho phép việc bỏ phần nhận xét vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh và Học bạ học sinh.
Đồng thời, giáo viên thực hiện theo Thông tư 26 là chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), Học bạ học sinh.
Việc đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học, hoạt động giáo dục theo quy định được giáo viên bộ môn thực hiện trong quá trình dạy học và ghi vào Sổ đánh giá theo dõi học sinh (sổ cá nhân của giáo viên).
Nữ giáo viên cho hay, dù có chỉ đạo như vậy nhưng trường cô đang giảng dạy vẫn sẽ triển khai nhận xét đối với các em khối 9 vì đã có điểm các môn học, còn đối với các em khối 6,7,8 thì có thể nhà trường sẽ dừng.
Cô L. chia sẻ, hiện tại, việc đánh giá nhận xét và điểm trung bình môn học của học sinh được tích hợp vào phần mềm cơ sở của Bộ giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, có bất cập là khoảng một, hai năm vẫn có yêu cầu nhận xét vào sổ điểm viết tay dù đã nhập trên phần mềm, gây rắc rối cho giáo viên.
“Chúng tôi cũng thắc mắc là có sổ điểm trên phần mềm rồi thì tại sao lại phải nhận xét cả sổ điểm viết tay nữa”, nữ giáo viên chia sẻ và cho biết, tại đơn vị cô giảng dạy không thực hiện việc sổ điểm viết tay.
Tuy nhiên, việc nhận xét vào phần mềm gây khá nhiều khó khăn đối với những giáo viên dạy các môn phụ như môn Giáo dục công dân, Âm nhạc, mỹ thuật.
Cô L. lấy ví dụ, đối với giáo viên môn Toán dạy 4 tiết/tuần thì dạy một lớp học là đủ, trong khi đó đối với giáo viên dạy môn Giáo dục công dân thì phải dạy 4 lớp học mới đủ 4 tiết.
Đến hết học kì, giáo viên dạy Giáo dục công dân vừa phải nhập điểm lên dữ liệu hệ thống, vừa phải đánh giá nhận xét học sinh tại các lớp học.
“Đối với giáo viên dạy môn phụ ở ngoại thành thì lớp học ít, còn ở nội thành, số lớp học nhiều, học sinh đông, gây quá tải cho giáo viên. Bên cạnh đó, lương của họ cũng ít hơn giáo viên dạy môn chính. Tôi được biết, vì vậy nhiều giáo viên cũng đã có ý kiến việc này lên Bộ Giáo dục và đào tạo”, cô L. cho biết.
Nữ giáo viên này cho hay, việc Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội chỉ đạo việc thực hiện Thông tư 26 thì điều này giúp giảm áp lực công việc cho giáo viên bộ môn.
Theo một nam giáo viên chủ nhiệm tại bậc Trung học cơ sở, thì hiện có những môn như Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật là những môn mà học sinh được đánh giá nhận xét, còn môn phụ khác như Giáo dục công dân thì vừa phải tính điểm vừa phải đánh giá nhận xét.
Theo nam giáo viên này, anh mong sao lãnh đạo cấp Bộ, ngành có biện pháp giảm tải sổ sách cho giáo viên để họ tập trung vào chuyên môn dạy học cho học sinh.
Trái ngược với những giáo viên ở cấp Trung học cơ sở trên, cô L.K.O giáo viên môn Sử tại trường Trung học phổ thông thuộc quận Hoàng Mai cho hay, từ trước đến nay, những giáo viên bộ môn như cô chưa từng phải thực việc việc đánh giá bằng nhận xét đối với học sinh.
Cô O. chia sẻ, tại trường cô thực hiện việc đánh giá học sinh thường xuyên (thường xuyên, giữa kì và cuối kì) và được tính bằng đầu điểm.
“Ngày xưa có hình thức kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút và làm bài 1 tiết 45 phút nhưng giờ trường tôi không còn hình thức này nữa. Thay vào đó là hình thức đánh giá học sinh thường xuyên qua thực hành… hay giữa kì, cuối kì và được tính bằng đầu điểm”, cô O. chia sẻ.