Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2 đã góp phần giảm những áp lực học thêm không cần thiết, đang dần đi vào nền nếp, hiệu quả.
Qua tình hình thực tế tại các địa phương thời gian qua sau khi Thông tư 29 có hiệu lực cho thấy tính đúng đắn, kịp thời, hợp tình và hợp lý mà nó mang lại, bước đầu học sinh có giảm học thêm, học sinh tích cực hơn, môi trường giáo dục bớt bất công hơn, còn rất ít trường hợp giáo viên chính khóa ép học sinh học thêm thu tiền.

Những băn khoăn về dạy thêm của Thông tư 29 đến giai đoạn này đã được giải quyết
Sau khi Thông tư 29 được ban hành, đa số cán bộ, giáo viên và nhân dân đồng thuận cao, bước đầu việc dạy thêm có nhiều chuyển biến tích cực.
So với Thông tư 17 về dạy thêm trước đây, Thông tư 29 có nhiều điểm mới nhưng qua lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện của chuyên gia, nhà giáo cả nước, có một số ý kiến băn khoăn về Thông tư 29 gồm:
Theo quy định, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy ở trường, giáo viên không được dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền. Thông tư 17 trước đây quy định giáo viên chính khóa được dạy thêm thu tiền nếu được hiệu trưởng đồng ý.
Quy định hiệu trưởng đồng ý thì giáo viên được dạy thêm học sinh chính khóa của Thông tư 17 trước đây gây ra nhiều hệ lụy, làm khó cho hiệu trưởng, nếu không cho giáo viên dạy chính khóa thì gây bức xúc, mất đoàn kết, giáo viên mâu thuẫn lãnh đạo, nếu cho dạy thêm học sinh chính khóa thì khó quản lý, giáo viên chính khóa dạy qua loa trên lớp, kéo học sinh ra ngoài dạy thêm thu tiền, gây nhiều bức xúc.
Do đó, Thông tư 29 không cho dạy thêm chính khóa là vô cùng đúng đắn, sau một thời gian có hiệu lực đã cho thấy tính đúng đắn của việc cấm dạy thêm học sinh chính khóa thu tiền, quy định này rất hợp lý, cần được thực hiện nghiêm.
Nội dung thứ hai được phản biện nhiều nhất là quy định trong trường học, quy định chỉ cho phép các trường được tổ chức dạy thêm, học thêm không thu tiền với 3 nhóm đối tượng là học sinh yếu kém, học sinh giỏi và học sinh cuối cấp ôn thi tuyển sinh.
Khi có giáo viên dạy ôn tuyển sinh 10, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, theo quy định, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy ở trường.
Việc dạy ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 có thể vào dịp hè là thời gian nghỉ của giáo viên, nhưng có thể sẽ không được thu tiền nên gây nhiều ý kiến trái chiều, băn khoăn.
Tuy nhiên, băn khoăn trên sẽ không còn khi giáo viên dạy cho học sinh ôn tuyển sinh 10, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay ôn tập cho học sinh chưa đạt sẽ được quy đổi thành tiết dạy để giảm định mức tiết dạy hoặc nếu vượt định mức năm học để được tính tăng giờ tại Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT.
Tại điểm d khoản 1 Điều 13 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy:
“1. Quy đổi 01 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) bằng 01 tiết định mức đối với các hoạt động chuyên môn sau:
d) Dạy học sinh ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo quy định…”
Còn tại khoản 3 Điều 13 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định:
“3. Giáo viên tham gia dạy phụ đạo cho học sinh hoặc dạy thêm cho học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, thì 01 tiết dạy trực tiếp được quy đổi tối đa không quá 1,5 tiết định mức. Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào quy mô tổ chức của lớp phụ đạo hoặc lớp học thêm, năng lực của học sinh trong lớp phụ đạo hoặc lớp học thêm để xác định cụ thể việc quy đổi tiết dạy theo quy định sau khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng trường.”
Như vậy từ ngày 22/04/2025, giáo viên tham gia dạy thêm cho học sinh để ôn thi sẽ được quy định định mức tiết dạy, cụ thể 01 tiết dạy thêm được quy đổi tối đa không quá 1,5 tiết định mức.
Do đó, sau khi Thông tư 05 ra đời và có hiệu lực từ 22/4 tới thì người viết cho rằng, không còn điều gì vướng mắc trong quy định về dạy thêm, học thêm của Thông tư 29. Vấn đề chỉ là kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm do dạy thêm để có môi trường giáo dục tốt lên, công bằng hơn.
Vẫn còn nhiều kiểu lách luật dạy thêm, dạy chui trái phép
Tuy vậy, dù Thông tư 29 có hiệu lực từ 14/2, nhưng đến thời điểm hiện nay, ngoài một số địa phương quyết liệt ngăn chặn dạy thêm trái phép, người viết qua tìm hiểu vẫn còn nhiều kiểu “lách luật” dạy thêm trái phép như:
Giáo viên tiểu học dạy thêm kiểu chăm trẻ, trả bài, dạy văn hay chữ tốt, dạy kỹ năng sống, toán tư duy, viết chữ đẹp,…thực chất cũng là dạy thêm kiến thức văn hóa thu tiền.
Giáo viên dạy học sinh chính khóa nhưng với hình thức miễn phí, không thu tiền mặt từng ngày hay theo tháng mà thu vào dịp cuối năm bằng hiện vật hoặc thông qua hình thức tặng quà,…
Giáo viên dạy chính khóa, mướn giáo viên khác dạy thêm học sinh của mình, thực chất là đổi lớp cho nhau nhưng giáo viên chính khóa vẫn là người trực tiếp gởi tài liệu ôn tập, đề kiểm tra, và vẫn còn tình trạng o ép để học sinh chính khóa học thêm với giáo viên khác.
Ví dụ, giáo viên A dạy lớp 9/1 nhưng mướn giáo viên B đang dạy lớp 9/2 dạy thêm học sinh lớp 9/1 nhưng vẫn chịu trách nhiệm chính và dùng mọi cách để học sinh phải học thêm với giáo viên B dạy lớp 9/2, còn về học phí thì thỏa luận và chia nhau để cả 2 đều hưởng lợi, cũng có thể giáo viên B sẽ o ép học sinh 9/2 học thêm giáo viên A.
Còn một kiểu dạy thêm trái quy định là giáo viên có nhà cửa kín đáo, “kín cổng cao tường” sẽ mở cửa thu nhận học sinh học thêm, sau khi đủ học sinh sẽ khóa cửa nhiều lớp, có bảo vệ, camera an ninh,…biết là vi phạm dạy thêm nhưng khó xử lý, khó xâm nhập nhà với nhiều lớp bảo vệ,…
Các đoàn kiểm tra dạy thêm học thêm hiện nay do Phòng/Sở Giáo dục thành lập khi kiểm tra chủ yếu báo trước nên những người dạy thêm đã cho học sinh nghỉ nên khi đoàn kiểm tra đến đều không phát hiện sai phạm nhưng khi đoàn kiểm tra rời đi thì tình trạng dạy thêm trái phép lại tái diễn, phức tạp.
Vì nguồn thu béo bở từ dạy thêm mà một số giáo viên sẳn sàng dùng mọi cách để dạy chui, dạy trái phép, “lách luật” để dạy thêm để lại hình ảnh vô cùng xấu xí, phản cảm. Rất mong các địa phương nên xử lý nghiêm minh việc vi phạm dạy thêm học thêm.
Từng bước nghiên cứu quy định giáo viên công lập (viên chức) chỉ được dạy thêm ngoài giờ hành chính để phù hợp quy định về làm việc, nghỉ ngơi, làm thêm, giáo viên tập trung vào giảng dạy trên lớp, nghiên cứu nâng cao chất lượng giảng dạy, hạn chế tối đa dạy thêm, học thêm trái quy định.
Người viết mong rằng phải xử lý nghiêm, phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương nếu trên địa bàn tình trạng dạy thêm trái phép nhiều hoặc thiếu kiểm tra, giám sát, việc thanh tra dạy thêm nên thực hiện đột xuất, không thông báo trước và mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung việc xử lý hành chính, kỷ luật nghiêm giáo viên dạy thêm trái phép để mọi người có ý thức tốt và không dám vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm của Thông tư 29.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.