LTS: Tiếp tục phân tích nguyên nhân để tìm giải pháp xóa bệnh dối trá trong giáo dục, nhất là tình trạng học sinh bị đẩy lên lớp, cô giáo Thuận Phương gửi đến bài viết mới.
Tác giả làm rõ những chỉ tiêu áp đặt trong Thông tư 36/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô giáo Thuận Phương tin rằng chính các chỉ tiêu này đang tước đoạt quyền lưu ban của học sinh gặp khó khăn trong học tập.
Xin trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi!
Ngày 5/1/2018 chúng tôi có bài viết: "Hai không" trong giáo dục vì đâu sớm nở tối tàn, bệnh ngày thêm nặng? đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Chúng tôi đã phân tích tư duy và phương pháp chỉ đạo áp đặt chỉ tiêu phản khoa học xuống cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT về các chỉ tiêu của 3 dạng trường (mức tối thiểu, chuẩn mức độ 1 và chuẩn mức độ 2).
Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục phân tích một thông tư khác cũng góp phần không nhỏ vào việc tạo ra bệnh dối trá trong giáo dục.
Nó đã tước quyền lưu ban của trẻ gặp khó khăn trong học tập để tạo nên hiện tượng "bị đẩy lên lớp" mà Bộ gọi là "ngồi nhầm lớp".
Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến làm đẹp con số hơn là chất lượng thật sự
Năm học 2007-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị giao ban với các giám đốc các sở giáo dục và đào tạo ngày 7- 3 tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 31/7/2006 Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi, tặng quà cho các thầy giáo Đoàn Dụng (Quảng Ngãi - phải), Đỗ Việt Khoa (Hà Tây - giữa) và Đức Vịnh (An Giang) - những người đã dũng cảm chống tiêu cực trong thi cử. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ. |
Hội nghị nhằm tìm biện pháp giải quyết thực trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” qua cầu truyền hình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó công bố những con số mà “khiến nhiều người phải giật mình và buồn cho một nền giáo dục yếu kém” theo mô tả của Báo Người lao động:
Cấp tiểu học có hơn 417.000 học sinh trên tổng số 7,31 triệu học sinh thuộc diện yếu kém (chiếm 5,7%);
Cấp trung học cơ sở có 1,02 triệu/6,06 triệu học sinh yếu kém (chiếm 16,9%);
Cấp trung học phổ thông có 694.000/2,99 triệu học sinh yếu kém (chiếm 23,16%).
Khi đó Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Chúng ta làm sao có thể yên tâm, hài lòng với những con số nhức nhối này.”
[1]
Chúng tôi cho rằng, bi kịch của nền giáo dục nằm ở chỗ các nhà quản lý giáo dục, chính quyền các cấp và dư luận xã hội nói chung thích con số đẹp hơn là chất lượng thực.
Họ không chấp nhận thực tế luôn luôn có em giỏi mặt này kém mặt khác, mà chỉ thích những con số tròn trịa và lý tưởng trong các báo cáo, cho dù thực tế khác rất xa.
Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã từng có nghiên cứu kết luận:
Trên thế giới, nước nào cũng có 15-25% trẻ em gặp khó khăn trong học tập. Ở Việt Nam 20-30% trẻ em vào lớp 1 khó thích nghi với học tập, trong số đó có 10-15% chậm phát triển ranh giới.
So với con số này, những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo từ 10 năm trước còn "đẹp" hơn rất nhiều, có gì phải "nhức nhối" như thày Bộ trưởng?
Những con số bình thường này có gì mà “khiến nhiều người phải giật mình và buồn cho một nền giáo dục yếu kém” như mô tả của truyền thông?
Cải cách giáo dục ngoạn mục của Campuchia bắt đầu từ thi thật |
Chúng tôi lo, buồn khi nhận thấy, giáo dục phổ thông Campuchia có thể vượt chúng ta rất xa, khi ngành giáo dục và xã hội đất nước Chùa Tháp chấp nhận tỉ lệ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ đạt 26,7% khi xiết chặt thi cử năm 2014.
Họ không tìm cách làm đẹp con số, mà học sinh tự thấy phải học hành nghiêm túc chứ không thể lớt phớt, không thể mong cầu vận may, không thể trông chờ chạy chọt như trước được nữa.
Chính vì thế các giải pháp Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chỉ để giải quyết những con số trong báo cáo, mà thực tế tình trạng sáng lớp 6 chiều lớp 1 không thể giải quyết được.
Kể từ hội nghị đó đến nay đã 10 năm trôi qua, nếu nhìn vào các bảng báo cáo tổng kết từ cấp phòng, cấp sở đến cấp Bộ, ta sẽ thấy rằng chất lượng giáo dục cứ năm sau cao hơn năm trước, và tình trạng học sinh bị đẩy lên lớp (Bộ gọi là “ngồi nhầm lớp”) cũng giảm đáng kể.
Điều này luôn được khẳng định trong các báo cáo tổng kết của các cấp.
Cụ thể trong bản báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục chúng ta dễ dàng bắt gặp dòng chữ: “Chất lượng giáo dục năm học 2016 - 2017 tiếp tục nâng lên và duy trì vững chắc". Ví dụ ở bậc tiểu học:
Nếu so với số liệu của 10 năm về trước, tỉ lệ học sinh yếu kém bậc tiểu học đã giảm đáng kể. Từ 5,7% yếu kém năm 2007 đến nay chỉ còn 1.42%.
Bao giờ cũng thế, chất lượng học sinh khá giỏi năm sau sẽ cao hơn năm trước, học sinh yếu kém năm sau thấp hơn năm trước.
Những số liện này, chỉ là hiển hiện trên giấy tờ, trong các bản báo cáo tổng kết, trong các bản thành tích thi đua của giáo viên, của trường và của phòng, sở.
Còn thực tế chất lượng bên ngoài thì sao? Chưa bao giờ tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp đáng báo động như bây giờ.
Có điều, ngành giáo dục đã chủ động xóa bỏ công cụ đánh giá chất lượng giáo dục truyền thống và thay thế bằng một công cụ mới mỹ miều hơn, êm tai hơn và xa vời thực tế:
Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT đánh giá học sinh tiểu học. Cho dù Bộ đã điều chỉnh thông tư này sau rất nhiều ý kiến phản đối từ cơ sở, nhưng về cơ bản vẫn giữ định hướng thay chấm điểm bằng nhận xét.
Thông tư này chỉ đạo giáo viên cấp tiểu học không chấm điểm, mà đánh giá bằng nhận xét “vì sự tiến bộ của học sinh”, không xếp loại giỏi, khá, trung bình, yếu, kém, mà có 3 mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành.
Vin vào lý do phổ cập, ngành giáo dục thực hiện chính sách bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, bỏ thi tuyển sinh vào lớp 6, bỏ thi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Và khi công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, người ta còn định bỏ thi tốt nghiệp cấp học này.
Bệnh giả dối trong giáo dục ở ngay đây, ai nào dám bỏ? |
Nếu đề xuất ấy trót lọt, coi như công cụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông bị xóa sổ và thay bằng màn hồ sơ sổ sách đẹp như tranh, nhưng học sinh lên đại học rồi mới thấy chất lượng: bỏ học như ngả rạ vì không theo nổi!
Tình trạng học sinh bị đẩy lên lớp cho dù không biết đọc, không biết viết hoặc rất khó khăn khi đọc viết tiếng Việt chỉ thỉnh thoảng bị lộ ra do gia đình bức xúc, đòi quyền lưu ban cho con em mình không được và tìm đến truyền thông.
Ngoài thực tế, tình trạng học sinh Bộ gọi là “ngồi nhầm lớp” gần như ở trường nào cũng có.
Một nghịch lý càng trường chuẩn quốc gia tỉ lệ học sinh ngồi nhầm lớp càng đông.
Ngoài Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT mà chúng tôi đã phân tích trong các bài trước, bài viết này chúng tôi xin mổ xẻ một văn bản khác dẫn đến tình trạng đáng buồn của giáo dục ngày nay.
Hy vọng chúng tôi góp tiếng nói nhỏ bé để cùng ngành giáo dục và xã hội nhìn nhận đúng vấn đề, tìm ra đúng giải pháp;
Và các nhà quản lý không còn thi nhau đá trách nhiệm sang giáo viên trực tiếp giảng dạy, như chúng tôi đã chỉ ra trong bài trước, "Hai không" trong giáo dục vì đâu sớm nở tối tàn, bệnh ngày thêm nặng?
Bởi chúng tôi nhận thấy, chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng từ lâu, tụt hậu ngay cả khi so với Campuchia đã rất hiện hữu.
Thông tư số: 36/2009/TT-BGDĐT tước bỏ quyền được lưu ban của trẻ
Một trong những Thông tư làm tăng tỷ lệ học sinh ngồi nhầm lớp đó chính là Thông tư số: 36/2009/TT-BGDĐT ban hành quy định kiểm tra, công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Ảnh minh họa. Ngày 12/7/2017, đại diện đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ký kết biên bản kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. nguồn: haiduong.edu.vn. |
Có thể nói kể từ khi xuất hiện của Thông tư số: 36/2009/TT-BGDĐT thì ngành giáo dục của chúng ta như được bước sang một trang mới. Có điều mới nhưng không sáng mà nhuốm màu u tối kể từ những ngày ấy.
Trong Thông tư 36/2009/TT-BGDĐT, có 3 mức để công nhận phổ cập giáo dục và phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Thông tư quy định mức tối thiểu , mức độ 1 và mức độ 2. Mỗi mức độ quy định được tăng lên mỗi cấp.
Ví như trẻ em phải hoàn thành chương trình tiểu học ở độ tuổi 15 (mức độ 1 và 2 số tuổi quy định đã giảm xuống 11 tuổi).
Với kiểu quy định cứng ngắc này, học sinh chỉ được quyền ở lại lớp 1 năm (từ khi có quy định về phổ cập thì ở lại lớp phải gọi là được “quyền” đối với các em gặp khó khăn trong học tập, mà giáo viên, cha mẹ học sinh phải đấu tranh lắm, may ra mới được thực hiện).
Ví như một học sinh 6 tuổi vào lớp 1, bình thường các em sẽ hoàn thành chương trình tiểu học năm 10 tuổi. Thế nhưng vì học kém em phải ở lại lớp 1 năm nữa, em sẽ hoàn thành chương trình tiểu học vào năm 11 tuổi (vẫn trong quy định).
Thế nhưng học sinh này sẽ không còn cơ hội ở lại lớp bất kì lần nào nữa dù cho em học yếu đến cỡ nào.
Trước sức ép của nhà trường vì sợ mất chuẩn, giáo viên cứ phải đẩy trò lên mỗi năm một lớp và học đến lớp 5 em vừa 11 tuổi cho đúng quy định.
Vì thế, không ít trường hợp phụ huynh phải chạy theo thầy cô năn nỉ “cho con tôi được ở lại lớp”. Hay chính nhà trường phải biến học sinh bình thường thành học sinh khuyết tật như báo chí đã từng nêu trước đây.
Vì sự khống chế này, có những trường hợp học sinh do nhà quá nghèo phải bôn ba làm ăn nay đây mai đó cùng ba mẹ. Đến lúc muốn đi học thì em chẳng thể vào học ở một ngôi trường nào vì vướng tuổi.
Ảnh chụp màn hình bài báo của Báo Tiền Phong. |
Ví như học sinh này 8 tuổi xin vào lớp 1, hoàn thành chương trình tiểu học (không bị lưu ban) cũng đã 12 tuổi vượt quá số tuổi quy định (trường xây dựng chuẩn phổ cập mức 1 và 2) theo Thông tư 36.
Đã có khá nhiều học sinh cứ bị trường này đẩy qua, trường kia đẩy lại và cuối cùng gia đình em đành chấp nhận cho em ở nhà chỉ vì vướng vào quy định này.
Thông tư quy định đơn vị cơ sở (mức chuẩn tối thiểu) được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học phải có 80% (miền núi 70%) trở lên số trẻ em trong độ tuổi 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học.
Công nhận chuẩn phổ cập mức độ 1 phải có 80% trở lên số trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, số trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi còn lại đang học các lớp tiểu học.
Công nhận chuẩn phổ cập mức độ 2 phải có 90% trở lên số trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, số trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi còn lại đang học các lớp tiểu học;
Vì những áp đặt chỉ tiêu như thế, khá nhiều trường ở nhiều địa phương không thể hoàn thành và sợ liên lụy đến nhiều cấp khác nên sinh ra làm láo, làm ma.
Điều phi lý nhất là một trường học ở vùng dân cư ấy dân trí thấp hơn một số trường học khác. Nay được đầu tư cho ít cơ sở vật chất và lên chuẩn thì lập tức mọi chỉ tiêu cũng phải lên ngay.
Nếu mức tối thiểu quy định có 80% số trẻ em trong độ tuổi 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học thì nay phải tăng lên 90% trở lên số trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học.
Số phần trăm này được tính cho cả 5 năm. Bởi thế, học sinh không thể lưu ban nhiều (cả số lượng và số lần là thế).
Chúng tôi đã từng chứng kiến cứ vào thời điểm cuối năm khi giáo viên báo cáo những học sinh có nguy cơ lưu ban thì ban giám hiệu đã phải rất đau đầu tính toán.
Họ phải cân nhắc xem nếu cho em này ở lại, có ảnh hưởng gì đến chỉ tiêu về hiệu quả đào tạo 5 năm hay về độ tuổi hoàn thành chương trình tiểu học hay không?
Ban giám hiệu phải tính toán xem năm học này, trường mình chỉ được phép lưu ban mấy học sinh?…mà không cần biết các em đang rất cần được học lại vì quá yếu.
Không chỉ quy định từng cá nhân, từng trường mà từng cấp như xã, phường, huyện thị, tỉnh cũng có mối quan hệ đan xen và chịu trách nhiệm lẫn nhau.
Đơn vị cấp huyện, đơn vị cấp tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 phải có 90% trở lên số đơn vị cơ sở được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; số đơn vị cơ sở còn lại phải đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học.
Đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 phải có 90% trở lên số đơn vị cơ sở được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; số đơn vị cơ sở còn lại phải đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1;
Đơn vị cấp tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 phải đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 và có 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2…
Khá nhiều hiệu trưởng nói rằng: “Không hoàn thành chỉ tiêu giá chỉ có trường mình chịu trách nhiệm hoặc không xét thi đua còn được. Nay vì mình mà xã, huyện, tỉnh bị vạ lây thì không ai dám”.
Thế nên để trường được công nhận phổ cập đặc biệt là phổ cập đúng độ tuổi nhiều trường học, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang làm dối để hợp thức hóa các chỉ tiêu.
Nguyên nhân để học sinh ngồi nhầm lớp là do chỉ tiêu quy định phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.
Vì thế nếu thật sự Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn xóa bỏ tình trạng Bộ gọi là “học sinh ngồi nhầm lớp” thì trước hết xin được xóa bỏ những chỉ tiêu được quy định trong Thông tư 36/2009/TT-BGDĐT.
Bởi đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho giáo viên không dám đánh giá thật năng lực học tập của học sinh mình. Nhà trường không dám để các em lưu ban mà bằng mọi cách hợp thức hóa hồ sơ để các em lên lớp.