Thư gửi Chị - Một người mẹ có con học dốt

13/03/2017 06:52
Jenna An
(GDVN) - Mỗi đứa trẻ được sinh ra, đều có những năng lực, tiềm năng và cách cảm thụ cuộc sống rất khác nhau. Học tập cũng vậy.

LTS: Đồng cảm với tâm sự của một người mẹ, một nhà giáo có con học dốt, tác giả Jenna An chia sẻ tuổi thơ học hành của mình và những tấm gương tài năng không được công nhận trên lớp học.

Qua đó, tác giả mong muốn các bà mẹ hãy hiểu con mình hơn để luôn động viên, khuyến khích con phát triển theo năng khiếu của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Hôm nay, tôi đọc được bài của một người mẹ, một nhà giáo viết về một người con học dốt [1].  

Tôi không rõ, liệu thư này tôi nên viết cho chị với tư cách là người mẹ với người mẹ, hay là nhà giáo với nhà giáo.  

Chắc tôi xin phép được viết thư gửi chị với tư cách người mẹ, điều này có lẽ giúp tôi dễ trải lòng hơn.

Tôi là một đứa trẻ sinh thiếu tháng. Và trước khi sinh tôi, mẹ tôi đã bị mất máu. Khi nhỏ, tôi bé như cái phích, rất dễ ốm và khá nhạy cảm. 

Lớn lên đôi chút, tôi vẫn khòng khèo, và thật lòng, lúc nào cũng yếu ớt, cả về thể chất và tinh thần.  

Không rõ do bố mẹ thương tôi hay cũng biết tôi là vậy, họ để tôi được tự do khám phá, tự do là “tôi” trong căn nhà bé xíu được cơ quan phân, mà phần lớn chỉ để chứa sách. 

Năm lên lớp vỡ lòng, do nghĩ lớp vỡ lòng và lớp cuối của nhà trẻ không khác gì nhau, và cũng do hoàn cảnh gia đình, tôi được đi học khá sớm.  

Trong lớp học, tôi là học sinh duy nhất luôn không biết gì. Lên đến lớp 3, vở viết của tôi vẫn là những nét viết nguệch ngoạc, dăm ba chữ, dăm ba số, với những lời bình của cô giáo: “Về nhà, nhớ tập viết thêm nhé. Có tiến bộ”.  

Hoàn toàn ngược lại với những gì được gọi là học văn hóa, tôi lại rất khá ở mục hát hò, nhảy múa, đọc sách, chơi violin và mơ mộng.   

Hãy luôn động viên khuyến khích trẻ theo đuổi hình mẫu yêu thích. (Ảnh vui trên trang atchuup.com)
Hãy luôn động viên khuyến khích trẻ theo đuổi hình mẫu yêu thích. (Ảnh vui trên trang atchuup.com)

Mẹ tôi không hiểu sao đã dạy tôi yêu thích hát múa thay vì dạy tôi viết chữ đẹp hơn.  

Bố tôi ngày ngày chở con từ Bách khoa lên Nhà thiếu nhi Hà Nội để tập múa vũ bale, hát với đội hát của nhà thiếu nhi, thay vì ông phải dạy tôi làm toán tốt hơn.  

Thời nghèo khó, cả khu tập thể sống thân tình, những đêm mất điện, tôi và nhóm bạn lại trèo lên bể nước gần nhà, nằm đếm sao và tôi luôn được tín nhiệm kể chuyện cho lũ trẻ con trong xóm.  

Chúng yêu tôi vì tôi đọc nhiều chuyện, tất cả các thể loại và biết chịu khó đọc để kể chuyện, để mơ mộng và chia sẻ những giấc mơ về những khoảng trời đâu đó trong câu chuyện tôi đã đọc.  

Sau này lớn lên, tôi vẫn luôn là học sinh “không giỏi”, và bản thân tôi không phiền vì sự dại khờ, dốt nát của mình.  

Không phải vì tôi không coi trọng danh hiệu xuất sắc, nhưng nhờ đọc sách, nhờ tình yêu thương của bố mẹ, tôi yêu giá trị thật của con người tôi hơn bất kỳ danh hiệu gì. 

May mắn thay, bố mẹ tôi không đau khổ, không buồn phiền gì khi đi họp phụ huynh, con mình không bao giờ được nêu tên học sinh xuất sắc. Chắc có lẽ nhà tôi “dốt” có gen!

Cuộc sống trưởng thành của tôi, cho đến nay đã nửa đời cùng với một đời của ông bà, một đời của bố mẹ đã cho tôi thấy được giá trị con người không nằm ở việc bạn học dốt hay giỏi.  

Đó chỉ là một cách “đo lường” sai về nhân cách, về năng lực, về tiềm năng, về giá trị của từng cá nhân. Theo tôi và như được nghiên cứu hàng chục năm nay của Hiệp hội Nghiên cứu giáo dục Mỹ, không có trẻ em nào dốt cả!

Nếu không tin, xin chị hãy xem video clip với tiêu đề “Mỗi đứa trẻ cần có một Anh Hùng” mà cô giáo Rita Pierson [2] nói chuyện dưới đây nhé.  Đây là một chia sẻ của cô giáo làm tôi rất cảm động.

Theo Rita chia sẻ, chúng ta đã nói nhiều đến việc dạy dỗ học sinh hay như trong trường hợp của chị, là dạy con học các môn học mà trường học đề ra, nhưng tất cả chúng ta rất ít khi nói đến khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc đời này, đó là sự thương yêu và xây dựng quan hệ để hiểu cách giúp đỡ nhau.  

Ảnh chụp màn hình Cô Rita Pierson trong clip trên Youtube.
Ảnh chụp màn hình Cô Rita Pierson trong clip trên Youtube.

Rita đã nói đến một ví dụ ấn tượng khi cô phải dạy những học sinh rất rất kém so với yêu cầu của lớp học mà các em phải học.  

Khi làm kiểm tra, hầu hết đều điểm F (điểm kém nhất trong hệ thống điểm của Mỹ), nhưng cô vẫn vẽ vào bài kiểm tra một hình “mặt cười” để động viên học sinh.  

Hàng ngày, cô luôn ca ngợi và nhấn mạnh việc các học sinh của cô là những học sinh tuyệt vời, hãy cố gắng từ việc hiểu và làm đúng được 1 câu trong bài kiểm tra, rồi dần dần làm đúng dần lên từ 2 câu hay 3 và lên 6 – 7 câu đúng…

Mỗi đứa trẻ được sinh ra, đều có những năng lực, tiềm năng và cách cảm thụ cuộc sống rất khác nhau. Học tập cũng vậy.

Chúng ta nghĩ rằng chỉ những đứa trẻ học giỏi hay học khá trong những chương trình đang dạy ở nhà trường mới là bình thường và sẽ có cuộc sống ổn ư? Hoàn toàn không chính xác và điều này đã được minh chứng trong lịch sử. 

Albert Einstein, nhà vật lý vĩ đại của mọi thời đại là một đứa bé chậm nói và có người đã gọi ông là “Thằng đần”. Ông hay cãi thầy, phát ngôn những câu mà không ai hiểu gì và đến cuối năm trung học, ông đã bị đuổi học [3].

Edison, nhà bác học vĩ đại đã từng được coi là trẻ “tự kỷ” và không thể dạy được.  

Hiệu trưởng trường Edison học nhận xét về nhà phát minh vĩ đại là: "... trò T. Edison, con trai ông, là một trò dốt, lười và hư. Tốt nhất là nên cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi thấy rằng trò ấy có học nữa thì sau này cũng không nên trò trống gì... " [3]

Beethoven, nhà soạn nhạc vĩ đại đã từng phải tự học do gia cảnh nghèo khó và do không ai chịu nhận vào học. 

Bất chấp số phận đầy dông bão, nhạc sỹ vĩ đại, mặc dù là người khiếm thính, vẫn sáng tác những bản giao hưởng có giá trị cho nhân loại đến bây giờ.

Nhà soạn nhạc nổi tiếng Beethoven từng không được đi học. (Ảnh: allmusic.com)
Nhà soạn nhạc nổi tiếng Beethoven từng không được đi học. (Ảnh: allmusic.com)

Vậy, có phiền gì đâu, nếu tôi, con tôi, con chị có đôi chút chưa “học” được, chưa cảm thụ được một số kiến thức nào đó, dù là Toán, Văn hay bất kỳ môn học nào? 

Cháu vẫn có thể là một đứa trẻ có tài năng đang cần sự kiên nhẫn và gợi mở từ cha mẹ, từ thầy cô.

Như chị có chia sẻ trong thư, là dù cháu học chậm và không nhớ, điều đó không làm giảm tình cảm giữa cháu với bố mẹ.  

Theo tôi, chị là người hạnh phúc, bởi vì nếu có lúc nào đó, chị vào thăm các em trẻ bị bệnh bại não, bị tật bẩm sinh, chị sẽ hiểu con chị đã là một báu vật với chị, với tư cách là một người mẹ.

Việc học tập, cách dạy trẻ con học tập và tổ chức thi cử đánh giá học tập, thực lòng chia sẻ, hiện đang được đánh giá lại bởi các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục.  

Sau hơn hai thập kỷ nỗ lực dạy và học theo kiểu “vẹt”, học để thi cử, rất nhiều nhà giáo và phụ huynh đã thấu hiểu nỗi khổ của một xã hội mà toàn “vẹt” hoặc chỉ biết học để thi, thi xong rồi quên gần hết!  

Thư gửi Chị - Một người mẹ có con học dốt ảnh 4

Kiến thức và kỹ năng sống, cái nào quan trọng hơn?

Điều này thực ra là phi giáo dục, nếu xét về bản chất giáo dục là “quá trình tìm hiểu kiến thức và cách thức ứng dụng sáng tạo vào cuộc sống”.  

Do vậy, cá nhân tôi tin con chị chỉ đang ở trạng thái “ngừng” – không tiếp nhận những kiến thức nhồi vào cháu theo cách mà cháu chưa tiếp nhận được.  

Có lẽ cần tìm cách khác, và nếu chưa thành công, lại phải tìm cách khác nữa, cho đến khi nào cháu cảm thấy thích học.

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy học sinh chỉ thích học khi cháu có được một ai đó yêu thương tha thiết, thấu hiểu và luôn động viên để phấn đấu trở thành một mẫu người nào mà cháu mơ ước. 

Có thể, biết đâu cháu học toán kém, nhưng cháu lại yêu âm nhạc… Cuộc sống không thể ai cũng tài, ai cũng giỏi, và ai cũng giỏi tất cả mọi thứ được.  

Tôi mong anh chị hãy kiên nhẫn yêu thương, kiên nhẫn tìm hiểu cháu thực sự thích gì, cháu có phản ứng tích cực với những cách tiếp cận nào, rồi mình tìm ra cách cho con học. 

Tôi cũng mong anh chị và cháu hãy cùng đọc một số cuốn truyện thời ấu thơ của tôi “Tô-tô-chan, cô bé ngồi bên cửa sổ” [4], hay cuốn “Những tấm lòng cao cả”, “Pip-pi tất dài”, “Cánh buồm đỏ thắm”…

Tất cả đều rất hữu ích cho chúng ta, những người làm cha mẹ, và cho cả con cái chúng ta, để chúng hiểu rằng, nếu chúng có khác biệt đôi chút với những đứa trẻ khác, mọi sự cũng hết sức thú vị.

Tôi vẫn luôn nói với con tôi, như bà ngoại đã nói với tôi: “Chúng ta có cuộc đời đủ ngắn để sống, đủ dài để phấn đấu. Nếu trong cuộc đời này, dù có đi chậm vài bước, mà chúng ta vẫn đi theo con đường đúng, còn hơn đi nhanh mà phải tìm con đường khác để đi lại từ đầu”. 

Tôi chúc chị và con chị mọi sự an lành. Hãy tin vào cháu, tin vào sự khờ dại mà ai cũng có một thời như vậy.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://danviet.vn/gia-dinh/con-gai-toi-hoc-qua-dot-751484.html

[2] https://www.youtube.com/watch?v=SFnMTHhKdkw

[3] http://khoahoc.tv/thoi-tho-au-cua-nhung-thien-tai-vi-dai-33319

[4] https://gacsach.com/doc-sach-truc-tuyen/59297/totto-chan-co-be-ben-cua-so-full-tetsuko-kuroyanagi.html; https://vi.wikipedia.org/wiki/Totto-chan:_C%C3%B4_b%C3%A9_b%C3%AAn_c%E1%BB%ADa_s%E1%BB%95

Jenna An