Thủ khoa kép Trường ĐH Y Dược: Hiện tại, tất cả mới chỉ là khởi đầu!

25/11/2022 06:30
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trịnh Hữu Chín (sinh năm 1998), vừa là thủ khoa đầu vào, vừa là thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Với điểm học tập toàn khóa theo thang GPA là 3.59/4.0; theo niên chế là 8.49/10; điểm rèn luyện loại xuất sắc, Trịnh Hữu Chín (sinh năm 1998), sinh viên ngành Y đa khoa đã trở thành thủ khoa đầu ra năm 2022 của Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trước đó, Chín từng là thủ khoa đầu vào khóa QH.2016.Y. Nam thủ khoa cũng từng nhận nhiều giấy khen, bằng khen như: bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 năm 2021; giải nhì vòng sơ khảo Hội đồng Y học; giải khuyến khích Poster, Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ Trường Đại học Y Dược năm 2022...

Trịnh Hữu Chín xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Trịnh Hữu Chín xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Đặc biệt, mới đây, Chín cũng là 1 trong số 98 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thủ đô Hà Nội năm 2022 được tuyên dương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Không ngừng cố gắng, nỗ lực

Chia sẻ về cảm xúc của bản thân khi đạt danh hiệu thủ khoa đầu ra của trường, Chín cho biết: “Em rất vui và hạnh phúc, cảm thấy bản thân thật sự may mắn vì trong suốt những năm tháng sinh viên luôn có thầy cô, gia đình, bạn bè bên cạnh động viên, ủng hộ. Em cũng biết, thành tích hiện tại mới chỉ là sự khởi đầu của chặng đường đầy chông gai và thử thách trong tương lai. Bản thân em phải cố gắng và nỗ lực hơn nữa”.

Trước đó, Chín là cựu học sinh chuyên Tin của Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Thay vì như nhiều bạn bè học cùng chọn các ngành liên quan đến công nghệ thông tin thì Chín lại chọn y khoa.

Nam thủ khoa cho biết, bản thân sớm nhận thức được rằng nghề y là một nghề cao quý và ý nghĩa. Học ngành y và trở thành bác sĩ sẽ có chuyên môn, kiến thức để giúp cuộc sống mọi người tốt hơn, hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.

Đồng thời, học tốt y cũng giúp bản thân tự chăm lo cho sức khỏe của chính mình và gia đình. Vì vậy, từ năm lớp 11, Chín đã có ý định học y, đây cũng là ngành đặt nguyện vọng đầu tiên và duy nhất của nam thủ khoa khi đăng ký xét tuyển đại học.

“Qua 6 năm học, em cảm thấy ngành Y đa khoa yêu cầu cao về kiến thức lẫn thực hành, đòi hỏi sự chăm chỉ, thái độ nghiêm túc và cẩn thận. Việc sáng học thực hành tại bệnh viện, chiều học lý thuyết tại trường, rồi tối lại đi trực ở bệnh viện khiến em cảm nhận rõ ràng hơn sự vất vả và hi sinh của các cán bộ, nhân viên trong ngành y tế.

Đồng thời, trong khoảng thời gian thực hành, chứng kiến sức khỏe của người bệnh tốt lên từng ngày, em cảm thấy rất vui, có thêm động lực để tiếp tục cố gắng, cảm thấy sự lựa chọn theo con đường y học là đúng đắn”, Chín tâm sự.

Từ khi học lớp 11, Lê Hữu Chín (ở giữa hàng thứ hai) đã nuôi ước mơ học y, trở thành bác sĩ. Ảnh: NVCC

Từ khi học lớp 11, Lê Hữu Chín (ở giữa hàng thứ hai) đã nuôi ước mơ học y, trở thành bác sĩ. Ảnh: NVCC

Để đạt được kết quả cao trong học tập, Chín cho biết, bản thân luôn dành một khoảng thời gian nhất định trước mỗi buổi giảng để ôn tập kiến thức cũ và đọc trước kiến thức mới. Trên lớp, em luôn tập trung lắng nghe và ghi chép lý thuyết đầy đủ, để khi đến bệnh viện thực hành có thể đối chiếu, so sánh và áp dụng những kiến thức học được đối với từng bệnh nhân.

Như vậy, một bài học Chín đã học được rất nhiều lần. Ngoài việc tập trung học trên lớp và ở bệnh viện, nam thủ khoa cũng thường tranh thủ những khoảng thời gian khác để học như thời gian di chuyển bằng xe buýt hay thời gian trống giữa các tiết học,…

Bên cạnh việc có thành tích học tập đáng nể, Chín cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và từng đi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập.

Những hoạt động đó giúp nam thủ khoa trưởng thành hơn, giảm bớt căng thẳng trong việc học, tạo dựng những mối quan hệ mới, rèn luyện nhiều kỹ năng mềm cần thiết khác trong cuộc sống. Tuy nhiên, Chín cũng lưu ý, các bạn sinh viên cũng nên cân đối giữa việc học và các hoạt động khác để tránh quá tải.

“Sinh viên ngành y thi cử rất căng thẳng, do đó nên các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa thường tránh tổ chức vào khoảng thời gian thi”, Chín nói.

Từng lo lắng vì sợ ra trường không đúng hạn

Trong 6 năm học đại học, Chín cho hay, thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 là khoảng thời gian học tập khó khăn nhất của em. Việc phải học trực tuyến, không được đến bệnh viện khiến quá trình học bị gián đoạn rất nhiều.

“Lúc đó, không chỉ em mà tất cả các bạn sinh viên trong trường đều mang tâm trạng lo lắng sẽ ra trường chậm trễ. Vì sinh viên ngành y khi tốt nghiệp sẽ phải học lên bậc tiếp theo mới có chứng chỉ hành nghề nên giãn cách, học trực tuyến ảnh hưởng rất lớn đến quá trình, kế hoạch học tập tiếp theo của em.

Chưa kể, học trực tuyến đồng nghĩa với việc không được thực hành, mà trong y khoa, thực hành là khâu bắt buộc, vô cùng quan trọng. Thông thường, khi đi thực hành, em có thể hỏi bệnh nhân về các triệu chứng rồi đưa ra các chẩn đoán khác nhau, được áp dụng lý thuyết để tìm ra nguồn gốc vấn đề. Điều này khi học trực tuyến, em không thự hiện được. Lúc đó, để khắc phục, em thường xuyên lên Youtube xem các bài giảng và cách khám bệnh để học hỏi thêm.

Đó cũng là khoảng thời gian em đọc sách nhiều hơn, chăm nghiên cứu các tài liệu trên mạng, nghe các bài giảng được ghi lại và tích cực trao đổi với thầy cô qua các buổi giảng trực tuyến. Nhờ vậy, khi hết giãn cách xã hội, được trở lại bệnh viện học tập, em dễ dàng bắt kịp chương trình học”, Chín tâm sự.

Lê Hữu Chín (ngoài cùng bên phải hàng đầu tiên) cùng các thầy cô bộ môn và sinh viên trong lớp khi đi thực tập. Ảnh: NVCC

Lê Hữu Chín (ngoài cùng bên phải hàng đầu tiên) cùng các thầy cô bộ môn và sinh viên trong lớp khi đi thực tập. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về kỷ niệm ý nghĩa nhất khi là sinh viên, Chín cho biết, đó là được tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Công việc của Chín và các bạn sinh viên ngành y khi đó là đi lấy mẫu xét nghiệm của người dân trong quận Cầu Giấy.

“Tham gia chống dịch, ngoài khó khăn về mặt chuyên môn, xử lý tình huống thì em cũng gặp khá nhiều vất vả lúc mặc bộ đồ bảo hộ của nhân viên y tế. Những hôm thời tiết oi bức, nóng nực, mặc bộ đồ bảo hộ trong một thời gian dài rất khó chịu, em có thể nhìn rõ mồ hôi đọng trong bộ đồ đó.

Tuy vất vả nhưng bù lại chúng em luôn được các y bác sĩ của Bệnh viện E quan tâm, dạy dỗ, chỉ đạo sát sao về công tác phòng chống dịch. Từ trải nghiệm thực tế quý giá (trong 3 tuần) này, em đã học được rất nhiều kiến thức bổ ích về dịch bệnh Covid-19, các loại vaccine, quy trình lấy mẫu xét nghiệm, mặc đồ bảo hộ…

Qua công tác phòng chống dịch, em cũng hiểu thêm về các hậu quả mà dịch bệnh mang lại và vai trò của y tế dự phòng”, nam thủ khoa nói.

Hiện tại, Chín đang ôn thi để theo học chương trình đào tạo sau đại học của Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau khi học xong, Chín dự định sẽ đi làm tại một bệnh viện để được cống hiến cho ngành y và giúp được nhiều người.

Anh Trang