Xây dựng nhà công vụ cho GV: Hiệu trưởng thấy rất cần nhưng để làm không dễ

11/07/2023 06:38
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo trường học vùng sâu, vùng xa cho rằng, quỹ đất hạn hẹp và vốn đầu tư xây dựng nhiều là khó khăn nếu xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

Vừa qua, Chính phủ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật.

Theo đó, trong nội dung tờ trình xây dựng Luật Nhà giáo có đề cập đến các chính sách về đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo có nêu về giải pháp thực hiện chính sách bằng cách luật hóa những nội dung như bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; Bổ sung quy định về chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Và trong đó, việc bổ sung quy định về điều kiện, quy trình về chính sách nhà ở, nhà công vụ đối với nhà giáo, đã thu hút được sự quan tâm của những giáo viên vùng cao.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một số trường vùng cao về việc triển khai nhà công vụ cho giáo viên để có thêm thông tin góp ý cho quá trình xây dựng chính sách hiệu quả hơn.

Cô giáo Đường Thị Xuân (Hiệu trưởng trường Mầm non Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang) cho biết, hiện nay nhà trường vẫn chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở, nên nhiều người vẫn phải "bon chen" trong các khu nhà trọ chật chội, thiếu thốn điều kiện sinh hoạt.

Về giải pháp xây dựng bổ sung nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cô Đường Thị Xuân hoàn toàn tán thành, bởi trong số tổng 17 giáo viên của nhà trường, chỉ có 4 giáo viên có nhà riêng. Vì vậy, nếu có nhà công vụ sẽ giúp cho nhiều giáo viên bớt đi phần nào về kinh tế, điều kiện sinh hoạt tiện nghi, đầy đủ hơn.

Một điểm trường của trường Mầm non Đường Thượng và ngoài cùng bên phải là căn phòng lưu trú dành cho giáo viên. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Một điểm trường của trường Mầm non Đường Thượng và ngoài cùng bên phải là căn phòng lưu trú dành cho giáo viên. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Cô Đường Thị Xuân chia sẻ, đơn vị có 9 điểm trường (gồm 8 điểm trường lẻ và điểm trường trung tâm), các giáo viên trong trường hầu hết đều quê ở nơi khác đến và tạm trú tại trung tâm xã Đường Thượng.

"Tại các điểm trường, có phòng lưu trú diện tích khoảng hơn chục mét vuông để các nữ giáo viên ở, nhưng nơi đây không gần chợ, trạm y tế... Để thuận tiện cho việc sinh hoạt, các giáo viên chọn trung tâm xã thuê phòng trọ, một phòng rộng khoảng 20m2 với giá khoảng 600 nghìn đồng/tháng, không có đầy đủ nội thất. Từ trung tâm xã xuống điểm trường, nơi xa nhất là 6km”, cô Xuân nói.

Tuy nhiên, nữ Hiệu trưởng trường Mầm non Đường Thượng nhận định, nếu xây nhà công vụ cho giáo viên, nhà trường hiện nay cũng không còn quỹ đất. Trước khó khăn này, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng.

“Trước kia, khối trường tiểu học, trung học cơ sở ở địa phương được xây dựng trước và có nhà công vụ, còn trường mầm non xây sau thì không có. Hiện nay, nay tại điểm trường chính rộng khoảng hơn 1000m2, còn điểm trường lẻ nơi rộng nhất chỉ hơn 200m2, việc quy hoạch trường hơi hẹp…”, cô Xuân nói.

Một khu nhà công vụ của giáo viên. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Một khu nhà công vụ của giáo viên. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Thầy Nguyễn Bá Ngọc (Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – Trung học cơ sở Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Yên Bái) cho biết, đơn vị là trường bán trú, nên học sinh sinh hoạt và học tập tại trường, còn thầy cô được ở nhà công vụ để quản lý các em.

“Song song với việc xây dựng nhà ở cho học sinh, là xây nhà công vụ cho giáo viên. Vì vậy, nhà công vụ dành cho trường bán trú không phải là mới”, thầy Ngọc cho hay.

Theo vị lãnh đạo nhà trường, việc xây dựng nhà công vụ cần phải chú ý để không lãng phí.

Như với thầy cô ở xa quê lên vùng cao công tác, không có nhà cửa, họ sẽ phù hợp với nhà ở công vụ. Tuy nhiên, số lượng trường hợp này không nhiều, với những trường hợp còn lại đã có nhà riêng và chỉ ở nhà công vụ vào buổi trưa là lãng phí, chưa sử dụng hết công năng.

Khi xây dựng một căn nhà công vụ trên vùng cao không đơn giản chút nào. Đó là việc nhà trường không có quỹ đất, chi phí xây dựng nhà ở vùng cao đắt đỏ… Việc vận chuyển vật liệu, tiền công thuê thợ cũng cao, chi phí sẽ bị đội lên rất nhiều.

“Ngay như trường của tôi đang thiếu quỹ đất nhưng không thể xin mở rộng xây nhà bán trú cho học sinh ở”, thầy Ngọc chia sẻ.

Nhà công vụ Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học – trung học cơ sở Tà Xi Láng được xây dựng đến nay cũng đã hơn 10 năm, gồm có 10 phòng ở, mỗi phòng rộng 24m2 đủ cho hai người ở.

Theo thầy Ngọc, nhà trường có 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có nhiều người đã mua đất, định cư tại địa phương. Vì vậy, phòng ở nhà công vụ vẫn còn rộng rãi.

Nếu giáo viên lấy chồng hoặc vợ ở trong trường nhưng chưa có nhà riêng sẽ được nhà trường tạo điều kiện bố trí riêng cho một phòng. Bên cạnh đó, có những hợp đặc biệt vẫn được tạo điều kiện.

Công tác trong ngành đến nay cũng đã được 20 năm nay, thầy Ngọc cho biết, từ khi thầy rời quê hương Ninh Bình lên nơi đây giảng dạy, khi xưa nhà công vụ là nhà gỗ và sau đó là nhà tầng. Trên địa bàn xã có 10/12 xã thuộc vùng cao, hầu hết các thầy cô cũng có nhà riêng ở thị trấn.

“Vì vậy, theo tôi bổ sung nhà công vụ trong quy định của Luật Nhà giáo cần tính toán để tránh lãng phí, hiệu quả sử dụng cao", thầy Ngọc nói.

Bài viết tham khảo:

1:https://baochinhphu.vn/quy-dinh-moi-ve-tieu-chuan-dinh-muc-nha-o-cong-vu-102220218173230604.htm

Mạnh Đoàn