Mới đây, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, có cán bộ, giáo viên của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ được nhận 32 triệu đồng tiền thu nhập tăng thêm của năm 2019, từ các nguồn khác nhau.
Nhiều thầy cô giáo ở địa phương khác rất quan tâm và trông mong sao nhà trường, địa phương của mình cũng được như giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du ở thành phố Hồ Chí Minh.
Các năm trước đây, về khoản thu nhập tăng thêm, tháng lương 13, cán bộ, giáo viên ở nhiều cơ sở giáo dục tại thành phố này thường dẫn đầu cả nước.
Cũng hợp lý thôi, vì đây là một thành phố đông dân nhất cả nước, kinh tế đầu tàu, mức sống và thu nhập khá cao.
Lâu nay, các cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ về tài chính. Dựa vào việc xây dựng dự toán kinh phí của từng đơn vị, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt dự toán kinh phí theo năm, giao trọn gói cho từng đơn vị sử dụng, chi tiêu.
Cuối năm, các thành phần: hiệu trưởng, kế toán và thủ quỹ ngồi lại với nhau tính toán để chốt lại kinh phí đã chi tiêu và kinh phí còn dôi dư, được phép chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giáo viên, người lao động.
Thu nhập tăng thêm cho giáo viên, không để nơi ít nơi nhiều. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Thoibaotaichinhvietnam.vn) |
Kinh phí dôi dư vào cuối năm ít hay nhiều, trước hết phụ thuộc vào “sức khỏe kinh tế”, nguồn thu của địa phương ấy. Nguồn thu nhiều thì ngành giáo dục, các trường được kinh phí tốt. Nguồn thu ít, ngành giáo dục, các trường được kinh phí vừa đủ trang trải chi tiêu, ít dư.
Mặt khác, nó còn phụ thuộc phần lớn vào hiệu trưởng, chủ tài khoản và kế toán của đơn vị.
Gặp hiệu trưởng và kế toán không biết tiết kiệm, chi các khoản khác quá nhiều… thì tất nhiên kinh phí dôi dư cuối năm sẽ còn rất ít…
Số dư ít, chia ra mỗi cán bộ, giáo viên chẳng được bao nhiêu cả, có nơi được vài, ba trăm ngàn, thậm chí có chỗ chả có đồng nào.
Giáo viên trường nhận ít so bì với giáo viên trường nhận nhiều khiến các hiệu trưởng trường dư ít kinh phí cũng ưu tư.
Mặt trái của thưởng Tết cho giáo viên dịp cuối năm |
Có một số hiệu trưởng lại quá tiết kiệm, “keo kiệt” trong các hoạt động, phong trào của nhà trường với mục đích chính để kinh phí cuối năm dôi dư nhiều, chia cho nhiều.
Cán bộ, giáo viên được hưởng lợi, nhận nhiều tiền, trong khi các hoạt động, phong trào cần thiết, bổ ích dành cho học sinh bị cắt giảm, thu hẹp… đáng kể, các em chịu thiệt thòi.
Có thể nói, việc giao tự chủ về tài chính cho các cơ sở giáo dục công lập đang nảy sinh một số vấn đề bất cập ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giáo dục.
Phần lớn các hiệu trưởng chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ tài chính trong trường học, dẫn tới việc chi tiêu, sử dụng tiền bạc khá tùy tiện, mỗi trường một kiểu, một mức khác nhau.
Theo tôi, các địa phương chỉ nên giao tự chủ kinh phí ở các khoản như chi lương, chi các hoạt động… còn riêng khoản thu nhập tăng thêm, lương tháng 13 thì cần có sự thống nhất, đồng bộ ở từng địa bàn.
Giáo viên nơi khó khăn, giáo viên có thành tích cao trong năm được hưởng mức cao hơn giáo viên nơi thuận lợi, giáo viên làm việc bình thường.