Một bộ sách giáo khoa cấp tiểu học có giá trên dưới 200.000 đồng. Nếu cộng luôn bộ sách tiếng Anh (tùy vào từng nhà xuất bản có giá dao động khoảng 150.000 đồng trở xuống) thì một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh có giá khoảng 350.000 đồng.
Thực tế, một số phụ huynh phải bỏ ra số tiền gấp đôi (khoảng 700 đến 800 ngàn đồng) để mua một bộ sách vì có trường đóng gói danh mục sách giáo khoa kèm sách tham khảo, vở bài tập.
Bộ sách giáo khoa cùng vở bài tập lên đến gần 30 cuốn (Ảnh tác giả) |
Nhiều phụ huynh bức xúc đã phản ánh bằng nhiều kênh thông tin: người nhờ báo chí vào cuộc, người đưa lên facebook, hội nhóm, trang cộng đồng, người có ý kiến trực tiếp với hội phụ huynh, với nhà trường…
Tuy nhiên, gần như rất ít hoặc chưa khi nào hiệu trưởng nhà trường nơi bị phản ánh bán sách giáo khoa, kèm sách tham khảo bị khiển trách, bị kỷ luật.
Không phải ai bao che để khỏa lấp sai phạm mà những hiệu trưởng này đều đã chứng minh được họ không hề ép buộc phụ huynh mua những cuốn sách tham khảo, những cuốn vở bài tập ấy. Đăng ký mua sách gì, vở gì, hoàn toàn do phụ huynh tự nguyện.
Về lý, lời biện giải trên của một số hiệu trưởng là đúng. Bởi hiệu trưởng và ngay cả những thầy cô giáo trong những ngôi trường ấy cũng không bao giờ lên tiếng bắt buộc học sinh phải mua trọn bộ (gồm tất cả các sách giáo khoa, sách tham khảo và vở bài tập).
Không nói tiếng bắt buộc nhưng vì sao phụ huynh vẫn tự nguyện đăng ký mua để rồi sau đó thấy quá lãng phí vì nhiều cuốn sách, cuốn vở cả năm không dùng đến?
Người trong nghề như chúng tôi nhìn vào và hiểu ngay đây chính là những “thủ thuật” vừa bán được trọn bộ sách giá cao lại vừa không bị bắt lỗi sai phạm.
“Thủ thuật” để bán được nhiều sách, vở nhưng vẫn vô can
Đầu tiên, nhà trường sẽ phát cho học sinh một phiếu đăng ký đã ghi tên toàn bộ sách giáo khoa, sách tham khảo và vở bài tập của khối lớp ấy. Tờ phiếu còn có thêm 2 cột để phụ huynh ghi "Đồng ý" hoặc "Không đồng ý".
Việc nhà trường phát cho học sinh phiếu đăng ký mua sách giáo khoa mà trong đó có trên 27 loại sách khác nhau.
Một số phụ huynh từng chia sẻ, không thể nắm rõ những cuốn sách, cuốn vở nào cần với các con? Mua ít sợ thiếu nên đành đồng ý đăng ký mua cả bộ cho chắc ăn.
Thế là, nhận phiếu, gần như tất cả phụ huynh đều đánh vào ô "Đồng ý" vì nhiều người không biết cuốn nào cần, cuốn nào không. Nếu không đăng ký mua, lỡ nhà trường học những cuốn sách, cuốn vở đó thì con mình sẽ không có sách, vở để học.
Một lý do quan trọng khác, theo tâm lý của nhiều phụ huynh, nhà trường đã đưa phiếu đăng ký mua sách về thì phần lớn cha mẹ đều đăng ký mua hết. Đã có những phụ huynh tiết lộ với người viết nếu họ không mua cũng ngại với thầy cô.
Mới đây, phụ huynh Trường Tiểu học Trương Định (Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) phàn nàn việc mua sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc” (danh sách bộ sách mà nhà trường thông báo đến phụ huynh có 27 loại sách khác nhau, với tổng giá tiền là 800.000 đồng).
Hiệu trưởng nhà trường đã khẳng định, các loại sách giáo khoa, tài liệu tham khảo trong trường là không bắt buộc mua hết. Quy trình đề xuất, lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, trường đã thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014.
Sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo dùng cho năm học 2022-2023 được thống nhất, đề xuất lựa chọn trong cuộc họp Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo (theo đề xuất của các tổ chuyên môn).
Nhà trường đã công khai các loại sách giáo khoa, tài liệu tham khảo dùng cho năm học 2022-2023 trong phiên họp Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp (diễn ra ngày 10/6/2022). Giáo viên chủ nhiệm cũng đã thông báo đến cha mẹ học sinh của các lớp (phiên họp ngày 12/6/2022).[1]
Nếu nói về lý, những điều mà hiệu trưởng đưa ra hoàn toàn đúng. Vì thế, cũng sẽ không ai bắt lỗi được. Tuy nhiên, lý thì đúng nhưng lại thiếu đi cái tình đối với phụ huynh mà đặc biệt là phụ huynh nghèo.
Giáo viên biết nếu không muốn phụ huynh đăng ký hết chỉ có cách tư vấn cụ thể những cuốn sách nào cần, những cuốn vở bài tập nào không nên mua. Tuy nhiên, sợ lớp mình đăng ký mua ít sẽ bị “hỏi thăm” nên cứ tảng lờ như không biết.
Cách nào để phụ huynh không mua sách, vở để về xếp xó?
Thứ nhất, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, phụ huynh cần yêu cầu nhà trường công bố rộng rãi bộ sách giáo khoa sẽ học, cùng với đó là những cuốn vở bài tập cần thiết sẽ luyện tập củng cố thêm trên lớp để phụ huynh biết.
Thứ hai, cần có cam kết giữa phụ huynh và giáo viên khi mua những cuốn vở bài tập hay sách tham khảo phải được sử dụng triệt để. Bởi, thực tế có những cuốn vở bài tập rất cần thiết cho việc củng cố và rèn luyện kiến thức cho học sinh như vở bài tập toán, vở bài tập Tiếng Việt.
Bên cạnh đó, có rất nhiều cuốn vở bài tập khác lại nhà trường bán nhưng suốt cả năm trời học sinh không sử dụng đến một lần. Khi phụ huynh và nhà trường đã ký cam kết, người viết cho rằng, nhà trường cũng sẽ hạn chế được những cuốn sách tham khảo, cuốn vở bài tập không thật sự cần thiết.
Thứ ba, khi đã công khai sách, vở như thế, phụ huynh cần yêu cầu nhà trường không nên gửi phiếu với quá nhiều loại sách, vở mà chỉ tập trung vào những cuốn sách, cuốn vở thật sự sẽ được sử dụng trên lớp để phụ huynh không nhầm lẫn và đăng ký tràn lan.
Thứ tư, các cơ quan ban ngành ở từng địa phương cần giám sát kỹ việc chào bán sách giáo khoa ở các trường học. Nếu phát hiện trường học nào đưa phiếu đăng ký mua sách, vở tới phụ huynh mà số lượng lên đến vài chục loại, cần có sự thanh kiểm tra kịp thời.
Không thể để trường học dùng "thủ thuật" để nhập nhèm trong việc bán sách thu về lợi nhuận cao mà trách nhiệm lại không phải gánh.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ph-phan-nan-viec-mua-sgk-bia-kem-lac-hieu-truong-tieu-hoc-truong-dinh-noi-gi-post227459.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.