Thu tiền dịch vụ liên lạc điện tử rốt ráo, GV cập nhật ra sao lại ít quan tâm

06/10/2023 06:37
Lê Văn Minh
GDVN- Nếu nhà trường không kiểm soát chặt chẽ, giáo viên vào điểm, nhận xét phẩm chất, năng lực của học sinh quá chậm thì nó không phát huy được tác dụng.

Đầu năm học, từ cấp tiểu học cho đến trung học phổ thông hiện nay gần như trường nào cũng triển khai thực hiện dịch vụ tin nhắn, điểm điện tử đến phụ huynh học sinh. Mặc dù dịch vụ này không phải là bắt buộc nhưng thông thường các phụ huynh học sinh trong trường đều sử dụng dịch vụ này.

Có điều, không phải nhà trường, giáo viên nào cũng nhập điểm thường xuyên, định kỳ đúng quy định nên có những cột điểm mãi cuối học kỳ giáo viên mới vào điểm. Nhận xét thì giáo viên nhập, giáo viên không. Thế nhưng, năm nào phụ huynh cũng phải bỏ ra một số tiền để trả dịch vụ.

Ảnh minh hoạ: PL

Ảnh minh hoạ: PL

Nếu giáo viên nhập điểm trễ, sử dụng dịch vụ tin nhắn điện tử cũng bằng không?

Mục đích của dịch vụ tin nhắn, điểm điện tử ở các trường phổ thông là để phụ huynh nắm bắt thông tin học tập của con em mình ở nhà trường. Thỉnh thoảng, giáo viên chủ nhiệm nhắn cho phụ huynh 1 tin thông báo về tình hình lớp học.

Bên cạnh đó, khi sử dụng dịch vụ này, phụ huynh sẽ theo dõi được điểm số thường xuyên, định kỳ, điểm trung bình môn cuối kỳ, cuối năm học; cập nhật được con mình đạt được kết quả học lực, hạnh kiểm (rèn luyện) và danh hiệu học tập trong mỗi học kỳ và xếp hạng mấy về học tập trong lớp.

Việc theo dõi và cập nhật được biết được kết quả học tập của con em mình sẽ giúp cho phụ huynh nhắc nhở hoặc có giải pháp cụ thể để giúp cho con em mình có thể học tập được tốt hơn.

Tuy nhiên, không phải môn học nào cũng được giáo viên cập nhật điểm đầy đủ. Nhiều môn học, cho dù có đến 3-4 cột điểm thường xuyên và 1 cột điểm giữa kỳ nhưng giáo viên dồn lại mãi cuối kỳ mới nhập một thể.

Có lẽ, việc các nhà trường triển khai thực hiện tin nhắn, điểm điện tử lợi ích nhiều nhất thuộc về nhà trường, còn với học sinh thực sự không cần thiết, nếu không nói lãng phí.

Cái lợi là giáo viên bộ môn không phải tính toán điểm thủ công cho học sinh vào dịp cuối học kỳ, cuối năm như trước đây nữa. Tất nhiên, những sai sót (nếu có) cũng hạn chế được ở mức thấp nhất. Khi có điểm thường xuyên, định kỳ, giáo viên nhập điểm vào phần mềm điểm điện tử. Đủ các cột điểm thường xuyên, định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ), phần mềm điểm điện tử sẽ cho ra kết quả trung bình môn của môn học đối với từng học kỳ và cả năm học. Cuối năm, giáo viên không cần phải nhập điểm vào học bạ giấy như trước đây mà nhà trường sẽ in học bạ điện tử, giáo viên bộ môn chỉ ký xác nhận vào ô điểm thuộc môn của mình.

Giáo viên chủ nhiệm, các tổ trưởng chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường cũng dễ dàng lấy kết quả thống kê từ lớp mình, tổ mình đối với từng học sinh, từng giáo viên, từng bộ môn và cho cả lớp, cả tổ và cả trường. Mọi thứ chỉ cần vào các cột thống kê tương ứng, xuất ra để in ấn hoặc tải về để báo cáo cho cấp trên.

Hơn nữa, các nhà mạng chỉ lấy tiền tin nhắn, điểm điện tử của học sinh còn việc sử dụng phần mềm tin nhắn, điểm điện tử của nhà trường, giáo viên thì không mất phí.

Đối với học sinh, thực ra có tin nhắn, điểm điện tử cũng được, mà không có cũng chẳng sao vì tin nhắn hiện nay không mấy khi giáo viên chủ nhiệm nhắn trên phần mềm điện tử vì nó phức tạp và phải qua nhiều thao tác.

Trong khi, số điện thoại, zalo của từng phụ huynh, cả lớp thì giáo viên đều có. Cần liên lạc, nhắn chung, nhắn riêng đều rất thuận lợi và nhanh chóng và phụ huynh đều biết tức thì.

Đối với các lớp học sinh đã lớn, giáo viên bộ môn nào cũng có nhóm với học sinh nên muốn nhắn cho lớp thực hiện công việc gì chỉ một tin nhắn là thông báo rộng rãi. Điểm số thường xuyên, định kỳ thì thực hiện đến đâu, giáo viên trả cho học sinh đến đó, các em có thể lưu bài kiểm tra hoặc ghi chép điểm số của mình sẽ tính ra kết quả cuối kỳ, cuối năm.

Chính vì thế, suy cho cùng tin nhắn điện tử- nếu giáo viên cập nhật điểm kịp thời sẽ giúp cho phụ huynh biết trước, biết đúng số điểm mà con mình đã đạt được trong quá trình học tập. Học sinh nếu bị điểm thấp cũng không thể giấu được phụ huynh vì thầy cô đã nhập, phụ huynh và học sinh chỉ xem mà không thể sửa, xóa được.

Nhưng, nhà trường không kiểm soát chặt chẽ, giáo viên vào điểm, nhận xét phẩm chất, năng lực của học sinh quá chậm thì nó không phát huy được tác dụng.

Tiền tin nhắn, điểm điểm tử có nhiều không?

Tại một số tỉnh vùng Tây Nam Bộ, giá tin nhắn, điểm điện tử mà phụ huynh học sinh các trường phổ thông đang sử dụng phổ biến nhất hiện nay là đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông dao động vào khoảng 70-80 ngàn đồng/ 1 học sinh/ 1 năm học. Cấp tiểu học dao động từ 50-60 ngàn đồng/ 1 học sinh/ 1 năm học.

Lấy một ví dụ nhỏ, nếu trường có 1.000 học sinh, nhà trường thu mỗi học sinh 70 ngàn đồng/ năm sẽ có số tổng là 70 triệu; thu 80 ngàn sẽ là 80 triệu. Cả nước hiện nay có khoảng 18 triệu học sinh phổ thông, số tiền dịch vụ từ tin nhắn, điểm điện tử hàng năm sẽ là một con số rất lớn.

Vì thế, để tin nhắn, điểm điện tử phát huy được hiệu quả mà phụ huynh không thắc mắc thì có lẽ nhà trường cần kiểm tra quá trình vào điểm của giáo viên một cách chặt chẽ.

Đầu năm học, các tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn sẽ lên lịch kiểm tra thường xuyên cụ thể và nhà trường phê duyệt. Nhà trường quy định thời gian vào điểm đối với từng cột điểm thường xuyên và điểm định kỳ. Sau mấy ngày kiểm tra, giáo viên sẽ phải nhập điểm lên phần mềm để phụ huynh biết.

Sử dụng dịch vụ tin nhắn, điểm điện tử là để phụ huynh biết, quản lý về điểm số, nền nếp của học sinh. Vì thế, việc cập nhật thông tin kịp thời là điều mà các nhà trường phải hướng đến.

Nếu nhà trường chỉ sâu sát khi thu tiền tin nhắn, điểm điện tử đầu năm nhưng trong năm học không sâu sát việc nhập điểm của giáo viên thì dịch vụ này sẽ khó phát huy được tác dụng. Lãng phí tiền bạc của phụ huynh. Tiền dịch vụ của 1 phụ huynh thì ít nhưng cộng dồn cả hàng chục triệu phụ huynh sẽ ra một khoản tiền không hề nhỏ trong mỗi năm học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Văn Minh