Ngày 15/4, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, Trường Trung học phổ thông Đông Đô và Trung tâm sáng tạo Việt đã tổ chức Tọa đàm: Thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 – góc nhìn từ cơ sở.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ chia sẻ tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Kim Ngọc |
Chương trình có sự tham dự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Phó Giáo sư Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên Giáo Trung ương, Thành viên Ban phát triển chương trình môn học Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Phó Giáo sư Tô Bá Trượng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục; Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo – Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Sáng tạo Việt; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam; Tiến sĩ Võ Thế Quân – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Trung học phổ thông Đông Đô cùng nhiều chuyên gia giáo dục, lãnh đạo một số trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội; các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, Phó Giáo sư Tô Bá Trượng, Tiến sĩ Võ Thế Quân chủ trì tọa đàm.
Phát triển khai mạc tọa đàm, Phó Giáo sư Tô Bá Trượng cho biết, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Xã hội đều quan tâm và kỳ vọng kỳ thi này sẽ kế thừa được kết quả của những giai đoạn trước, đảm bảo phân cấp phân quyền, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở, việc tổ chức thi gọn nhẹ hơn, tăng cường hiệu quả và đánh giá được năng lực học sinh tốt hơn.
Tọa đàm sẽ là cơ hội để những nhà quản lý giáo dục, các thầy cô, phụ huynh và học sinh cùng trao đổi về các vấn đề thực tiễn việc tổ chức thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhận diện được những khó khăn và tìm được những giải pháp hợp lý, đáp ứng đổi mới chương trình, sách giáo khoa và đạt được các mục tiêu giáo dục.
Tiến sĩ Võ Thế Quân – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Trung học phổ thông Đông Đô. Ảnh: Kim Ngọc |
Theo Tiến sĩ Võ Thế Quân, việc lựa chọn môn học và lựa chọn các cụm chuyên đề dẫn tới chương trình học tập của học sinh rất đa dạng. Đây chính là mục đích của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp tương lai trong xã hội. Đây cũng chính là điểm mới nổi bật nhất của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vì vậy, việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có nhiều khó khăn, phải huy động lớn nguồn lực xã hội, từ nhân lực, vật lực, tài lực, thời gian. Đồng thời phải huy động nhiều lực lượng tham gia.
Tiến sĩ Võ Thế Quân cho rằng, cần bám sát tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong Nghị quyết 29 có nêu: Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.
Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, là cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp trung học phổ thông.
Đổi mới phương pháp tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta cần đổi mới hình thức, cách thức tổ chức thi, cách ra đề thi để đạt được mục tiêu đặt ra.
Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng, thi cử phải đánh giá được năng lực học sinh. Ảnh: Kim Ngọc |
Giáo sư Đinh Quang Báo nhận định, thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều phải đánh giá được năng lực học sinh, dù là môn học bắt buộc hay môn học lựa chọn.
Thầy Báo khẳng định việc quan trọng của tổ chức thi tốt nghiệp trong giai đoạn hiện nay, nhưng điều quan trọng vẫn là đánh giá được năng lực học sinh, muốn vậy, phải có sự đổi mới trong cách ra đề thi.
Phó Giáo sư Nghiêm Đình Vỳ khẳng định sự cần thiết của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ảnh: Kim Ngọc |
Phó Giáo sư Nghiêm Đình Vỳ khẳng định, chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuyển đổi từ nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực người học. Theo đó, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là điều quan trọng, vì có thi thì người học mới học một cách thực chất. Việc tổ chức thi cũng đảm bảo đánh giá học sinh một cách công khai, rõ ràng, minh bạch.
Đánh giá người học để biết kết quả của đào tạo
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết, cần phải có tư duy đột phá trong đổi mới giáo dục cũng như đổi mới thi cử.
Mục tiêu của chúng ta phải thực hiện theo Nghị quyết 29, để làm được thì chúng ta cần phải thay đổi.
Cần phải đánh giá được phẩm chất năng lực học sinh, để xem kết quả đào tạo của mình như thế nào. Hiện nay, đánh giá người học chưa thực sự đầy đủ, chưa bám vào mục tiêu đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm trao đổi bàn về vấn đề đánh giá người học. Ảnh: Kim Ngọc |
“Ở nhiều nước, học sinh trung học phải có 80 giờ hoạt động thực tiễn và có chứng nhận, chứng chỉ, học sinh phải biết đem tri thức, hiểu biết của mình giải quyết các vấn đề xã hội.
Chúng ta có hoạt động giáo dục trải nghiệm và hướng nghiệp nhưng quản lý chưa tốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có đánh giá làm sao để học sinh học tập và vận dụng vào thực tế.
Muốn "học thật, thi thật, chất lượng thật", và muốn đánh giá đúng học sinh, là phải giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tất cả các nhà trường.
Nếu học không có đánh giá, không thi kiểm tra nghiêm túc sẽ không có kết quả. Nếu học sinh không coi trọng việc học của mình, không lấy kết quả đánh giá học tập mà chỉ học hình thức, thì sẽ không bao giờ có kết quả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xem xét lại, có một phương án tổng thể để giải quyết làm sao đánh giá được phẩm chất, năng lực học sinh, và để học sinh tiến bộ, chứ không phải chỉ quan trọng thi bao nhiêu điểm.
Phải tạo ra văn hóa tự học, tự phát triển ở học sinh, để học sinh tự tạo ra giá trị của mình. Gốc rễ của giáo dục là phải phát huy được khả năng tiềm ẩn của mỗi học sinh, và để các em tự quyết định lấy cuộc đời của mình”, thầy Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Theo Thạc sĩ Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề cập tới 4 thành tố: mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá. Tuy nhiên, đánh giá lại chỉ được đề cập rất ít và chưa thật sự đầy đủ.
Thầy Đặng Tự Ân cho rằng, thi cử phải giảm nhẹ áp lực cho người học. Ảnh: Kim Ngọc |
Thi tốt nghiệp phải giảm nhẹ áp lực cho người học và giảm được áp lực về kinh tế cho xã hội.
Áp lực với người học xuất phát từ cách thi, cách thức tổ chức dạy học của các trường. Việc này cần giải quyết tận gốc.
Các nước thuộc khu vực châu Á thường thi theo truyền thống. Còn các nước ở Tây Âu, họ có cách thi giống nhau, chú trọng đánh giá sự phát triển bản thân cá nhân học sinh.
Thầy Đặng Tự Ân cho rằng, thi tốt nghiệp trung học phổ thông tuyển sinh đại học nên điều chỉnh theo hai hướng nhằm giảm kỳ thi và giảm áp lực cho học sinh, xã hội. Có thể thi tốt nghiệp theo phương thức đánh giá năng lực.
Tiến sĩ Trần Bá Trình - Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc đánh giá học sinh như thế nào rất quan trọng. Đề thi, các câu hỏi thi không nặng kiến thức, theo hướng tinh giản nhưng phải thiết thực, gắn với kinh nghiệm, trải nghiệm sống của học sinh và có ứng dụng trong thực tiễn.
Bên cạnh tri thức kinh nghiệm khoa học gắn với môn học thì có những kiến thức, thông tin cập nhật, hiện đại trong thời đại ngày nay. Dù thi tốt nghiệp hay thi tuyển sinh, cần phải kiểm tra được các kiến thức kết lõi đó.
Đề thi những năm tiếp theo cần phải đánh giá học sinh được ở mức cao hơn, đó là khả năng sử dụng các kiến thức cốt lõi, để lập luận, phân tích, đánh giá và giải quyết các vấn đề, mang tính sáng tạo. Đây vừa là tiêu chí để dạy học vừa là tiêu chí để đánh giá.
Điều này cũng đặt ra thách thức cho những người biên soạn đề thi.
Thầy Trình cho rằng, để kiểm tra được khả năng lập luận, phân tích, đánh giá và khả năng sáng tạo của học sinh thì trong đề thi cần thiết phải có câu hỏi tự luận.
Nhà giáo Nguyễn Quốc Bình cho rằng, giai đoạn hiện nay phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và từng bước nâng mức thang đánh giá. Ảnh: Kim Ngọc |
Nhà giáo Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho rằng, năm 2025 là kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì cấu trúc đề thi, thang đánh giá (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) phải ở mức độ vừa phải. Đến năm 2028, khi có lứa học sinh học đầu tiên học theo chương trình mới từ bậc trung học cơ sở, lúc đó chúng ta mới tăng dần mức độ với các phần thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Đến năm 2030, khi có học sinh tiếp cận chương trình mới từ bậc tiểu học thì chúng ta càng nâng mức thang đánh giá này.
Bên cạnh đó, cần phải có đề thi tự luận ở bên trong đề thi, để đánh giá được toàn diện học sinh theo đúng mục tiêu đề ra,
Về việc tổ chức thi, trong giai đoạn hiện nay tổ chức thi là cần thiết, nhưng đến một lúc nào đó có thể giao cho các địa phương với bộ tiêu chí chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trên cơ sở đó, các tỉnh sẽ có sự lựa chọn, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của địa phương mình.