Thủ tục xét thăng hạng GV trường nghề nhiều khâu, vô vàn thủ tục hành chính

28/04/2025 06:32
Mạnh Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo lãnh đạo trường nghề, trước những khó khăn hiện nay, cần nghiên cứu tới những chính sách đặc thù trong xét thăng hạng giáo viên trường nghề.

Hiện nay, giáo viên trường nghề vẫn gặp khó khăn trong quá trình xét thăng hạng. Bởi việc xét duyệt đòi hỏi chứng chỉ kỹ năng nghề, bồi dưỡng chức danh cùng quy trình đánh giá nhiều khâu, phức tạp. Điều này không chỉ tác động tới tinh thần, sự cống hiến, mà còn ảnh hưởng tới thu nhập của giáo viên.

Trước tình trạng trên, lãnh đạo trường nghề đã có những đánh giá về việc xét thăng hạng giáo viên, đồng thời đưa ra một số góp ý, kiến nghị.

Thủ tục xét thăng hạng còn nhiều khâu, quy định chưa linh hoạt

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Cao Văn Thích - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang cho rằng, việc xét thăng hạng cho giáo viên trường nghề đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn hóa đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo động lực phát triển cho bản thân nhà giáo.

Thứ nhất, việc xét thăng hạng yêu cầu giáo viên phải nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy và cập nhật kiến thức mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, giúp thúc đẩy tự học và nâng cao trình độ. Bởi để đáp ứng các tiêu chuẩn thăng hạng, giáo viên cần không ngừng học tập, cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề và tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn.

Thứ ba, tạo động lực cho nhà giáo phấn đấu trong công tác giảng dạy, nghiên cứu và tham gia các hoạt động chuyên môn, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đội ngũ.

Thứ tư, ghi nhận sự cống hiến cho giáo viên bởi từ quá trình nỗ lực, kinh nghiệm và những đóng góp của nhà giáo vào sự phát triển của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

sv-truong-nghe-an-giang-2735-4163.jpg
Học sinh Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang trong tiết học thực hành. Ảnh: NTCC.

Tuy nhiên, quy trình xét thăng hạng còn gặp một số khó khăn đối với giáo viên trường nghề, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Ví như, một số tiêu chí, quy định khó áp dụng với giáo viên dạy nghề thực hành và chưa thực sự linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, giáo viên nghề tại các trường trọng điểm (thành phố, khu công nghiệp) dễ đạt chuẩn hơn vùng nông thôn dẫn đến chênh lệch trong thăng hạng giữa các vùng, miền. Ngoài ra, quy trình xét thăng hạng đòi hỏi nhiều hồ sơ, giấy tờ và các chứng chỉ liên quan, gây khó khăn cho giáo viên trong việc chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ.

Cũng theo thầy Thích, việc chuyển giao cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp tạo cơ hội để thống nhất các quy định, tiêu chuẩn về đội ngũ nhà giáo trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp. Điều này có thể dẫn đến sự công nhận tương đương và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên trường nghề.

Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp có sự đa dạng về ngành nghề đào tạo, trình độ và đối tượng học viên. Việc áp dụng một bộ tiêu chuẩn chung khó bao quát hết các đặc thù của trường nghề, dẫn đến những khó khăn trong việc đánh giá khách quan và toàn diện năng lực của giáo viên ở các lĩnh vực khác nhau, ảnh hưởng đến việc xét thăng hạng.

Còn theo thầy Kiều Ngọc Lễ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang (Hà Giang), quá trình xét thăng hạng giáo viên trường nghề hiện nay còn phức tạp, kéo dài do phải trải qua nhiều khâu trung gian và thủ tục hành hành chính. Mặc dù giáo viên đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn, tiêu chí để được đánh giá thăng hạng, nhưng quy trình thực hiện xét thăng hạng lại không đơn giản.

Cụ thể, sau khi xác định cá nhân đủ điều kiện để xét thăng hạng, nhà trường hoặc đơn vị công tác phải lập danh sách, hoàn thiện hồ sơ và gửi lên cơ quan quản lý là Sở chủ quản. Tiếp theo, hồ sơ cần được chuyển tiếp sang Sở Nội vụ để thẩm định,…Sau khi thẩm định, hồ sơ sẽ quay trở lại cơ quan chủ quản để ban hành quyết định thăng hạng chính thức. Điều này dẫn đến tình trạng việc thăng hạng vốn mang lại ý nghĩa tích cực, ghi nhận năng lực, sự cống hiến của giáo viên lại trở nên thiếu tính kịp thời, ảnh hưởng tới tâm lý của giáo viên.

Ngoài ra, việc xác định theo vị trí công việc hiện tại của giáo viên cũng là một khó khăn trong xét thăng hạng giáo viên trường nghề, bởi giáo viên hiện vẫn bị ràng buộc bởi tỷ lệ phần trăm theo từng vị trí công việc. Ví dụ, giáo viên dù đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết để được đánh giá từ hạng III lên hạng II, bao gồm các minh chứng, trình độ chuyên môn, nhưng vẫn không được thăng hạng do vị trí làm việc không nằm trong nhóm đối tượng được xét thăng hạng.

Thầy Kiều Ngọc Lễ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang (Hà Giang). Ảnh website trường

Thầy Kiều Ngọc Lễ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang (Hà Giang). Ảnh website trường

Thầy Lễ cũng cho rằng, việc xét thăng hạng theo vị trí việc làm trong là một rào cản cần được gỡ bỏ, không nên khống chế theo tỷ lệ. Từ đó, mở rộng cơ hội cho giáo viên được thăng hạng đúng theo năng lực thực sự, cải thiện thu nhập và tạo động lực để đội ngũ giáo viên tiếp tục cống hiến và nâng cao trình độ chuyên môn.

Đồng thời, khi giáo viên được thăng hạng phù hợp và xứng đáng, chất lượng nguồn nhân lực trong cơ sở giáo dục cũng sẽ được cải thiện. Đây là yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang (Hà Giang) nhấn mạnh: “Để gỡ khó trong việc xét thăng hạng giáo viên trường nghề, cần phải điều chỉnh cơ chế đánh giá thăng hạng theo hướng đơn giản và công bằng hơn. Trong đó, cần rút gọn và đơn giản hóa các quy trình thủ tục hành chính, tránh tình trạng hồ sơ phải qua quá nhiều khâu xác định vị trí để ra quyết định cuối cùng. Việc xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân trong quá trình xét duyệt sẽ giúp rút ngắn thời gian và nâng cao tính phù hợp trong việc thăng hạng cho giáo viên.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh cơ chế xét thăng hạng theo vị trí công việc. Cụ thể, không nên chỉ căn cứ vào vị trí để quyết định có được thăng hạng hay không. Thay vào đó, nếu một giáo viên đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chuyên môn, có năng lực thực tiễn và hoàn thiện hồ sơ hợp lệ thì cần phải được xem xét công bằng.

Đặc biệt, so với giáo dục ở các cấp học phổ thông, giáo viên trường nghề gặp nhiều khó khăn hơn, bởi ngoài dạy lý thuyết, giáo viên cũng được yêu cầu cả kỹ năng chuyên môn và năng lực thực hành. Chính vì vậy, cần có những chế độ ưu tiên hoặc nghiên cứu các chính sách đặc thù trong trong việc xét thăng hạng đối với giáo viên trường nghề để đảm bảo quyền lợi và ghi nhận đúng những đóng góp của đội ngũ này trong hệ thống giáo dục”, thầy Lễ bày tỏ.

Cần những hướng dẫn chi tiết, phù hợp với đặc thù giáo dục nghề nghiệp

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Văn Mễ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cũng cho rằng, một trong những khó khăn trong việc thăng hạng giáo viên trường nghề hiện nay là thủ tục thăng hạng giáo dục cho học viên trường nghề còn phức tạp và chưa cụ thể.

“Việc xét thăng hạng yêu cầu giáo viên phải chuẩn bị rất nhiều hồ sơ, giấy tờ và các loại chứng chỉ liên quan. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể rõ ràng cùng các chuẩn chung, nên giáo viên trường nghề còn gặp khó trong thủ tục để được xét thăng hạng. Do đó, khi các đơn vị đào tạo có nhu cầu xây dựng hoặc đề xuất thăng hạng, thì thường rơi vào những khó khăn, khúc mắc chưa thể giải quyết”, thầy Mễ bày tỏ.

nguyễn văn mễ.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Văn Mễ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: NVCC.

Cũng theo thầy Mễ, với những khó khăn trên, việc xét thăng hạng giáo viên trường nghề đã dẫn đến tỷ lệ giáo viên được thăng hạng trong các trường nghề chưa cao. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập, mà còn tác động đến tinh thần cống hiến và cơ hội phát triển nghề nghiệp của giáo viên. Bởi trên thực tế, nhiều giáo viên đã cống hiến nhiều năm, có thâm niên nhưng gặp khó trong xét thăng hạng, dẫn đến không thể cải thiện thu nhập hay vị trí nghề nghiệp của mình.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cũng cho rằng, để gỡ khó trong việc xét thăng hạng giáo viên trường nghề, cần sớm điều chỉnh, hoàn thiện thể chế và chính sách dành cho giáo viên trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi đó, để việc xét thăng hạng giáo viên trường nghề hiệu quả hơn, thầy Cao Văn Thích cho rằng: “Trước hết, cần có hướng dẫn chi tiết cho trường nghề, chẳng hạn như ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá các minh chứng thực tiễn, phù hợp với đặc thù của giáo dục nghề nghiệp, giúp các trường nghề áp dụng thống nhất và hiệu quả. Cùng với đó, cần xem xét giảm bớt các yêu cầu giấy tờ không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục và tập trung vào đánh giá thực chất năng lực, hiệu quả công việc của giáo viên. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn thăng hạng chi tiết hơn, có tính đến đặc thù của từng nhóm ngành nghề, lĩnh vực đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nhằm cụ thể hóa tiêu chuẩn theo từng nhóm ngành nghề”.

Mạnh Dũng