Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên: Vì sao nhiều thầy cô không đạt?

12/04/2025 06:52
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc thẩm định, chấm điểm xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp nên không phải giáo viên nào cũng đạt.

Thời gian qua, một số thầy cô ở các tỉnh thành có chia sẻ với người viết xung quanh việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Theo đó, giáo viên cho biết dù đủ điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng thầy cô vẫn bị “trượt” khi Sở Nội vụ địa phương tổ chức xét thăng hạng.

Trong số đó, không ít giáo viên lớn tuổi, có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục nhưng vẫn “trượt” khiến thầy cô không khỏi "tâm tư", băn khoăn.

Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông nhận thấy, giáo viên không đạt khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp có nhiều lí do khác nhau.

Trong phạm vi bài viết này, người viết có đôi điều cùng chia sẻ về việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên theo các quy định hiện hành để bạn đọc quan tâm tham khảo.

giao-vien.png

Thứ nhất, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được thực hiện theo đúng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; kế hoạch, quyết định của uỷ ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn liên ngành của Sở Nội vụ - Giáo dục và Đào tạo địa phương.

Trong đó, Công văn số 64/BNV-CCVC ngày 5/1/2024 của Bộ Nội vụ về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức quy định như sau:

"2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4):

- Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%;

- Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%;

- Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%."

Có thể nhận thấy, việc khống chế tỉ lệ khiến giáo viên hạng III khó có cơ hội được xét lên hạng II; giáo viên hạng II khó lên hạng I.

Ví dụ, một trường trung học phổ thông có 100 giáo viên thì số lượng chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương tối đa không quá 10 người.

Đó cũng là lí do nhiều trường có nhiều giáo viên đủ điều kiện được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng chỉ rất ít giáo viên được xét để bảo đảm tỷ lệ theo quy định.

Cùng với đó, việc xác định tỷ lệ còn phải căn cứ vào số lượng giáo viên biên chế hiện có ở các trường, kéo theo những trường đang thiếu giáo viên so với biên chế được giao càng có ít hơn giáo viên được xét thăng hạng.

Ngoài ra, nhiều trường có số giáo viên hạng I, hạng II vượt tỷ lệ quy định cũng tạm thời không được tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Hay nói cách khác, với quy định tỷ lệ phần trăm các hạng chức danh nghề nghiệp thì nhiều giáo viên vẫn phải “xếp hàng” chờ đợi. Điều này khiến nhiều giáo viên đủ điều kiện nhưng không có cơ hội được xét thăng hạng, rất thiệt thòi.

Có thể nhận thấy, đại đa số trường học công lập hiện nay hoạt động được Nhà nước bao cấp về ngân sách, mức độ, tỷ lệ tự chủ tài chính rất thấp (nhóm 4).

Cộng với những quy định cụ thể như đã dẫn ở trên, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng I đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập rõ ràng là khắt khe hơn, khó hơn, nhưng sẽ chọn được đội ngũ thầy cô giáo có chất lượng chuyên môn tốt hơn.

Thứ hai, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông công lập được thực hiện theo Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT.

Theo yêu cầu của Chính phủ, để bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bổ sung một số tiêu chuẩn, điều kiện đáng chú ý như sau:

Về tiêu chuẩn xếp loại chất lượng trong thời gian công tác: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III và tương đương, có 2 năm (đối với mầm non) và 3 năm (đối với phổ thông, dự bị đại học) công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.

Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và tương đương, có 5 năm trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Cần biết thêm, theo Nghị định 48/2023/NĐCP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, giáo viên là viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 20% viên chức hoàn thành nhiệm vụ tương ứng quy định không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.

Thứ ba, khoản 2 Điều 14 (Điều khoản áp dụng) Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định về thành tích trong xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên như sau:

"2. Căn cứ quy định của pháp luật có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng nêu cụ thể các thành tích trong hoạt động nghề nghiệp tại Đề án tổ chức xét thăng hạng để làm căn cứ xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 40 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP."

Dẫn chiếu tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP quy định việc xác định viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng như sau:

"2. Trường hợp cơ quan, đơn vị có số lượng viên chức dự xét thăng hạng nhiều hơn số chỉ tiêu thăng hạng đã được phê duyệt thì việc xác định viên chức trúng tuyển xét thăng hạng thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Viên chức có thành tích cao hơn trong hoạt động nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền công nhận;

b) Viên chức là nữ;

c) Viên chức là người dân tộc thiểu số;

d) Viên chức nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm sinh);

đ) Viên chức có thời gian công tác nhiều hơn."

Trong các thứ tự ưu tiên trên thì quy định "Viên chức có thành tích cao hơn trong hoạt động nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền công nhận" làm cho mức độ cạnh tranh giữa các giáo viên khi xét thăng hạng chức danh càng gay gắt.

Thành tích hoạt động nghề nghiệp của giáo viên có thể liệt kê như: Bằng khen/giấy khen cấp huyện; giáo viên dạy giỏi/chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường/tỉnh; Chiến sĩ thi đua cơ sở/Bộ, ban, ngành, tỉnh/toàn quốc; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động;...

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên