Ngày 12/4/2019, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Hoa Sen đã cùng đồng tổ chức Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam năm 2019, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đến tham dự diễn đàn quan trọng của ngành du lịch này.
Du lịch khát nhân lực lành nghề
Phát biểu tại diễn đàn, Thạc sĩ Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong vòng 3 năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng nhanh, từ 10 triệu lượt khách đến vào năm 2016 đến 15,5 triệu lượt khách đến vào năm 2018.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019 (ảnh: P.L) |
Cùng với dòng chảy này, thành phố có 5,2 triệu lượt khách đến thăm vào năm 2016 đã tăng lên 7,5 triệu lượt khách vào năm 2018. Năm nay, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa.
Việc tăng trưởng nhanh vừa là tín hiệu tốt, vừa đặt ra cho ngành du lịch nhiều thách thức trong công tác quản lý.
Thạc sĩ Bùi Tá Hoàng Vũ dẫn chứng, trong tổng số hơn 5.400 hướng dẫn viên du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh được cấp thẻ hành nghề, rất nhiều hướng dẫn viên chưa đạt chuẩn về ngoại ngữ, nhất là đối với các ngôn ngữ Nhật, Hàn, Nga, Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại diễn đàn (ảnh: P.L) |
Du khách quốc tế đến từ các quốc gia đến với thành phố đều tăng theo từng năm, thì số lượng hướng dẫn viên quốc tế có đa dạng về ngoại ngữ lại không được tăng tương xứng, tạo ra rào cản lớn cho việc tiếp cận các thị trường tiềm năng cho du lịch của thành phố.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố hiện đang phấn đấu đến năm 2020, du lịch sẽ chiếm khoảng 11% GRDP của thành phố, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội…
Dự tính đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu thuộc nhóm các thành phố có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Ba câu hỏi lớn để phát triển ngành du lịch Việt Nam
Đến tham dự và phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra ba câu hỏi lớn cho hai ngành du lịch và giáo dục, đào tạo để phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Đó là: Nguồn nhân lực mà hai Bộ này phụ trách đã đáp ứng đủ nhu cầu cho du lịch nước nhà hay chưa? Thực sự ngành du lịch có đủ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam và quốc tế tham gia hay không? Các chính sách nghề nghiệp có đủ thu hút?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn (ảnh: CTV) |
Để đưa ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế đột phá, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên 3 chữ C, bao gồm: Con người (nâng cao ý thức, sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch từ người phía người dân), cơ sở hạ tầng (hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng mềm, hạ tầng thông minh như Chính phủ điện tử), chiến lược (có bước đi trước sau).
Kết thúc bài phát biểu của mình tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị, phải xác định được bản chất vấn đề, thì mới có thể tháo gỡ các nút thắt, khó khăn, từ đó xây dựng chiến lược phát triển cho ngành đúng, khả thi, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cả về lượng và chất, để ngành du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình.