Thưa cô, đố cô biết, nhà em nuôi mấy con bò ạ?

02/11/2018 10:41
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Nóng nảy là bản năng, kìm hãm là bản lĩnh. Miệt thị học trò tiểu học, để lại vết sẹo trong tâm hồn các em.

LTS: Chia sẻ câu chuyện mà mình từng chứng kiến, thầy giáo Sơn Quang Huyến mong rằng các giáo viên sẽ rút ra được bài học và chú trọng đến cách ứng xử với học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhân đọc bài “Thầy cô đừng buông lời miệt thị học trò của mình, tội lắm!” đăng trên báo Giaoduc.net.vn, ngày 30/10/2018, tôi rất sẻ chia với tâm tư của tác giả, tôi kể câu chuyện mà mình đã từng chứng kiến, để đồng nghiệp rút kinh nghiệm.

Cô giáo dạy Hóa học nọ, hay “nặng lời” với học sinh, được bản thân tôi nhiều lần nhắc nhở, góp ý chân thành, nhưng “chứng nào tật đó”.

Cô hay nổi cáu, chửi học trò (tôi không muốn ghi, nhưng vì nội dung câu chuyện, nên đành trích lại) khi các em không học bài cũ hay không giải được bài tập đơn giản: Ăn gì mà … như bò thế v.v...

Cứ thế, em học tốt, bỗng trở nên “ngu theo”, cứ đến giờ Hóa, nhiều em trốn tiết; khi được hỏi, các em bảo “không muốn ngồi trong lớp để nghe cô giáo hát”.

Muốn thắp lên ngọn lửa trong trái tim học trò, mỗi nhà giáo hãy thắp ngọn lửa yêu thương trong trái tim mình trước. Ảnh mang tính minh hoạ: TTXVN
Muốn thắp lên ngọn lửa trong trái tim học trò, mỗi nhà giáo hãy thắp ngọn lửa yêu thương trong trái tim mình trước. Ảnh mang tính minh hoạ: TTXVN

Một lần, cô gọi học sinh H. lên bảng, H. không học bài, cô lại hát bài… Cô “hát” xong, H. từ tốn xin phép cô:

- Thưa cô, em nghe nói cô giỏi lắm, em xin hỏi cô một câu, được không ạ?

- Anh cứ hỏi đi, tôi trả lời cho anh xem!

- Câu này em hỏi các bạn trong lớp, ai cũng trả lời được, sợ cô không trả lời được, các bạn lại nói cô … hơn bò, vì cô hay nói các bạn … như bò ạ.

Cô giáo mặt đỏ, tai tía, giận lắm, nhưng H. rất từ tốn, hòa nhã, nên cô nói:

- Anh cứ hỏi!

- Thưa cô, đố cô biết, nhà em nuôi mấy con bò ạ?

Thưa cô, đố cô biết, nhà em nuôi mấy con bò ạ? ảnh 2Tạm đình chỉ công tác thầy giáo xông vào trường học đánh vợ và đồng nghiệp

Cô giáo “chết đứng”, không trả lời được. Cả lớp im phắc, không một tiếng động, chờ cơn thịnh nộ của cô.

Cô giáo bỗng dưng “xụi lơ” trên bục giảng, báo hại chúng tôi, nháo nhào đưa đi cấp cứu. (Làm sao mà cô biết được, ngay cả nhà H. ở đâu còn không biết nữa là!).

Chồng cô là bộ đội, cô sinh ra hai đứa con tật nguyền.

Ngày đó, chưa có thông tin gì về chất chất độc da cam, miệng thế gian đồn thổi biết bao điều ác ý. Chính vì vậy, cô đến lớp, mang theo cả “bầu trời tức tối” lên bục giảng. 

Sau vụ này, cô xin chuyển trường. Chia tay các lớp, cô đã nói “cô sai rồi, nhờ các em, cô sửa được rồi. Cô miệt thị các em là cô đang miệt thị chính mình”.

Viết câu chuyện này, cùng sẻ chia với các bạn, tôi có theo dõi tiếp, cô giáo đến trường mới đã thay đổi hẳn, tôi mừng cho cô và cho cả chính mình.

Nóng nảy là bản năng, kìm hãm là bản lĩnh. Miệt thị học trò tiểu học, để lại vết sẹo trong tâm hồn các em.

Với học trò Trung học phổ thông, nhiều khi giáo viên nhận được những phản ứng thái quá, như chửi lại giáo viên, đánh giáo viên… người thiệt thòi nhiều nhất lại là nhà giáo.

Thưa cô, đố cô biết, nhà em nuôi mấy con bò ạ? ảnh 3Yêu cầu 100% trường học phải xây dựng bộ Quy tắc văn hóa ứng xử

Đời học sinh, mong sao được gặp thầy cô giáo giỏi cả chuyên môn lẫn nghiệp vụ.

Do dốt, chưa biết, mới đi học; không có học trò dốt, không có học trò hư, chỉ có giáo viên chưa biết cách gợi mở năng lực, chưa tìm ra phương pháp dạy học phù hợp.

Cuộc sống nhà giáo còn khó khăn, thế nhưng, đi dạy phải quẳng hết bên ngoài cổng trường.

Có như thế, nhà giáo mới vào được “thế giới riêng của học trò”, thắp lên ước mơ, hoài bão, khát vọng đẹp trong đó.

Xúc phạm người khác, xúc phạm chính mình; miệt thị học trò, miệt thị chính mình. Chỉ có tôn trọng, sẻ chia, yêu thương mới là cầu nối tri thức, cầu nối trái tim; xóa đi dốt nát, thắp sáng tương lai, mở đường hạnh phúc.

Muốn thắp lên ngọn lửa trong trái tim học trò, mỗi nhà giáo hãy thắp ngọn lửa yêu thương trong trái tim mình trước! Ngọn lửa yêu thương của thầy cô giáo, nâng bước, chắp cánh mọi học sinh trên đường đời.

Học trò có thể chưa một lần khấu đầu trước nhà giáo dành yêu thương cho nó; thế nhưng, yêu thương đó, đang được sẻ chia trên đường đời; đó là hạnh phúc nhất của nhà giáo.

Sơn Quang Huyến