Hợp tác với doanh nghiệp là cầu nối để nâng cao chất lượng đào tạo SV ngành Dược

19/05/2024 06:12
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Thúc đẩy việc hợp tác với doanh nghiệp, sử dụng thực tế trong giảng dạy,... là những giải pháp được đưa ra nhằm tăng cường khả năng thực hành cho SV ngành Dược.

Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy Dược trong thời kỳ hội nhập” do Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp từ phía các doanh nghiệp cũng như các trường cao đẳng trong đào tạo thực hành ngành Dược.

Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là cầu nối tuyệt vời gắn kết phát triển lực lượng lao động ngành Dược

Theo đó, trình bày tham luận tại hội thảo với chủ đề “Phối kết hợp giữa doanh nghiệp và Nhà trường trong đào tạo thực hành ngành Dược trình độ cao đẳng”, bà Phạm Thanh Lan – Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Tập đoàn MERAP khẳng định, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo thực hành ngành Dược là chiến lược tiên phong và là hoạt động trung tâm của các trường cao đẳng/đại học trong đào tạo ngành Dược, có tầm quan trọng quyết định đến việc đào tạo gắn thực tiễn, “Học đi đôi với Hành – Học thông qua trải nghiệm thực tế”.

CĐYTB1.JPG
Bà Phạm Thanh Lan – Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Tập đoàn MERAP trình bày tham luận tại hội thảo.

Bằng trải nghiệm đóng góp xây dựng chương trình đào tạo hàng năm cho các trường, bà Lan nhận thấy rằng, chuẩn đầu ra cho sinh viên cao đẳng Dược cũng không nằm ngoài 03 trụ chính là kiến thức, kỹ năng, thái độ. Trong đó, sự hợp tác giữa hai bên sẽ tập trung vào phần kỹ năng thực tế cho sinh viên qua các hoạt động chính như hoạt động tham quan nhà máy, tham quan Doanh nghiệp, gia tăng trải nghiệm thực tế cho tân sinh viên; Hoạt động Hợp tác đào tạo – thực hành giữa Nhà Trường và Doanh nghiệp theo kế hoạch đào tạo, phạm vi chuyên môn và theo hợp đồng giữa hai bên; Hoạt động Hợp tác truyền thông thương hiệu nhà tuyển dụng và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường (hai bên ký thỏa thuận MOU);

Hoạt động tổ chức kỳ thực tập sinh và đánh giá xét tốt nghiệp sau thực tập; Hoạt động hợp tác đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng chinh phục nhà tuyển dụng, Career Workshop - Tư vấn Lộ trình phát triển nghề nghiệp ngành Dược cho sinh viên, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường; Hoạt động Hỗ trợ doanh nghiệp đăng tuyển, giới thiệu việc làm và kết nối Sinh viên ngành Dược hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin; Hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Trong đó, hoạt động ký kết hợp đồng hợp tác đào tạo thực hành giữa nhà trường và doanh nghiệp theo kế hoạch đào tạo, phạm vi chuyên môn và theo hợp đồng giữa hai bên; Tổ chức kỳ thực tập sinh, đánh giá xét tốt nghiệp sau thực tập được xem là hoạt động trọng tâm và góp phần vào kết quả rèn luyện của sinh viên ngành Dược gắn với thực tiễn doanh nghiệp.

Nhờ vậy, sinh viên đã được rèn luyện các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ liên quan các vị trí làm việc và thực tiễn (Sản xuất, QA, QC, R&D, … tại môi trường thực hành ở nhà máy); Kỹ năng vận hành trang thiết bị trong dây chuyển sản xuất. Đơn cử như tại Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương hiện đã đầu tư trang thiết bị hiện đại cho sinh viên trong quá trình học tương xứng đối với các doanh nghiệp dược; Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả, Kỹ năng quản lý thời gian, tổ chức sắp xếp công việc,

Bên cạnh đó, sinh viên cũng rèn luyện được tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật và tuân thủ nội quy, quy trình quy định làm việc. Đồng thời, phát huy tinh thần chủ động học hỏi, hợp tác và luôn nghiên cứu – cải tiến - sáng tạo trong công việc.

Có thể thấy rằng, với những thế lợi trên đã thể hiện rõ sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là cầu nối tuyệt vời gắn kết phát triển lực lượng lao động ngành Dược đạt chuẩn đầu ra sau đào tạo và tính ứng dụng thực tiễn của các sinh viên sau khi tốt nghiệp. Và MerapLion cũng là một trong những doanh nghiệp ngành Dược tiên phong và sẵn sàng cho sự hợp tác dài hạn nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Dược.

Bà Lan bày tỏ, hiện MERAP đã có những sản phẩm thể hiện hợp tác giữa các thầy cô của các trường liên kết và đơn vị; các sản phẩm từ những nghiên cứu khoa học của sinh viên,… Với thế mạnh trong việc sản xuất, tiếp thị, phân phối các sản phẩm dược, hiện MERAP cũng đã ký kết hợp tác lâu năm với nhiều trường đào tạo dược trên cả nước như Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương,…

Sử dụng thực tế ảo trong đào tạo ngành Dược

Cũng trình bày tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Dawn Er – Giám đốc chương trình cao đẳng Dược của Trường Khoa học ứng dụng (trực thuộc Trường Republic Polytechnic, Singapore) cho hay, hiện trường đang có các chương trình đào tạo về thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường trong đào tạo Dược tại trường như bao phim và sấy dược phẩm; hệ thống phản ứng sinh học trong sản xuất vaccine; lấy mẫu kiểm soát chất lượng quy trình nén và bao phim.

Theo đó, với các chương trình này, người học có thể tương tác giữa thế giới thực và thế giới số sử dụng qua điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc kính thực tế ảo chuyên dụng. Qua đó, cung cấp cho người học trải nghiệm học tập khi khả năng tiếp cận với nhà máy sản xuất dược phẩm dược phẩm còn hạn chế như kỹ thuật lấy mẫu trong môi trường GMP ảo với môi trường phòng sạch, tài liệu và quy trình vận hành tiêu chuẩn học tập thực tế ảo về việc mặc áo và lấy mẫu; xem xét kích thước để mặc và bỏ đồ bảo hộ, lấy mẫu khô lấy mẫu ướt giống như môi trường GMP thật,…

Singapore.JPG
Tiến sĩ Dawn Er – Giám đốc chương trình cao đẳng Dược của Trường Khoa học ứng dụng (trực thuộc Trường Republic Polytechnic, Singapore) trình bày tham luận tại hội thảo.

Chương trình đào tạo về thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường của trường được thiết kế nhằm mô phỏng sự khám phá thế giới thực, tăng cường sự học hỏi đa giác quan cho người học, từ đó giải quyết vấn đề về tư duy phản biện, đánh giá và tự luận từ kiến thức, có khả năng áp dụng các kiến thức vào thực tế cho người học.

Qua kết quả khảo sát về tác động của thực tế ảo đối với việc học tập cho thấy, đa số sinh viên của trường đều đồng ý rằng thực tế ảo đã thu hút họ tham gia vào quá trình học tập hơn.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Dawn Er cũng đưa ra lưu ý rằng, khi sử dụng thực tế ảo trong đào tạo, cần cân nhắc đến những yếu tố như chương trình có phù hợp với mục tiêu học tập hay không và mô phỏng các tình huống trong thế giới ảo phải thực sự tham gia vào động lực khám phá phương pháp học tập đa giác quan, học tập cá nhân hóa của người học; chương trình cũng cần được cải tiến liên tục

Bên cạnh những tham luận, Hội thảo cũng diễn ra cuộc thảo luận sôi nổi từ đại diện các trường cao đẳng y dược trên cả nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy Dược.

Theo chia sẻ từ Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, để nâng cao chất lượng trong việc đào tạo ngành Dược, đặc biệt là trong bối cảnh từ năm 2025 để có chứng chỉ hành nghề, việc học thế nào và thi thế nào là vấn đề cần phải được quan tâm.

IMG_6046.JPG
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng y dược chủ trì phần thảo luận tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy Dược trong thời kỳ hội nhập”.

Nắm bắt xu hướng là sau này thi chứng chỉ hành nghề sẽ thi theo tình huống thực tế chứ không thi theo lý thuyết, do đó, nhà trường đã có điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng đưa các tình huống, ca bệnh vào giảng dạy và để thực hiện được việc này, bắt buộc phải dạy theo hướng tích hợp.

Đối với sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, toàn bộ kiến thức lý thuyết các em sẽ xem trên hệ thống trực tuyến; còn giảng viên sẽ cùng các em trực tiếp tham gia giải quyết các ca bệnh. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống trực tuyến cũng khó nhưng duy trì còn khó hơn. Cũng theo thầy Sơn, các trường cao đẳng y dược nên xây dựng chương trình đào tạo cho các môn y học cơ sở giống nhau để thuận lợi cho trong việc liên thông giữa các khối ngành với nhau cho các em.

Tại hội thảo, có ý kiến cũng cho rằng, các cơ sở đào tạo phải chú trọng vào việc nâng cao vai trò của người dược sỹ trình độ cao đẳng; chú trọng vào chất lượng đầu ra của các nhà tuyển dụng qua việc tập trung, phát triển các mảng bán thuốc, đào tạo kỹ năng cho trình dược viên như kỹ năng giao tiếp bán hàng cho người học.

IMG_6047.JPG
IMG_6065.JPG
IMG_6055.JPG
Đại diện các trường cao đẳng y dược tham gia thảo luận tại hội thảo.

Phát biểu tổng kết cuộc thảo luận, Tiến sĩ Phạm Văn Tân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội bày tỏ, trước những khó khăn trong công tác đào tạo ngành Dược trình độ cao đẳng, chúng ta cần kiến nghị nhà nước, các cơ quan chủ quản nên quan tâm, đầu tư cho công tác đào tạo ngành Dược nhiều hơn nữa để có được nguồn nhân lực đáp ứng được về nhu cầu chất lượng đầu ra.

Bên cạnh đó, thầy Tân cũng bày tỏ trăn trở về vấn đề Dược sĩ trình độ cao đẳng và Dược sĩ trình độ trung cấp hiện đều xếp vào Dược hạng IV – mã số V.08.08.23.

Cũng theo thầy Tân, cách đây vài năm, trường cũng chưa tuyển sinh được nhiều người học, tuy nhiên sau đó, trường đã sử dụng các giải pháp như giải quyết rất nhanh các nguyện vọng của người học; Xây dựng các bài giảng phù hợp; học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp được giới thiệu việc làm, … Chính những yếu tố đó đã giúp nhà trường tuyển sinh được thuận lợi hơn trong những năm gần đây. Năm vừa qua, số sinh viên ngành Dược của trường cũng cao hơn so với các ngành khác.

Thay mặt ban chủ nhiệm Câu lạc bộ, thầy Tân mong muốn rằng, các trường trong câu lạc bộ sẽ cùng nhau đoàn kết, chia sẻ các thông tin nhằm phát triển công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Dược mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Tường San