Thực nghiệm 25 em trường điểm, thực dạy 50 em trường thường thiếu đủ thứ

20/04/2022 09:10
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên đã tham gia dự giờ tiết dạy thực nghiệm chia sẻ, thực tế có việc chọn trường, chọn lớp, chọn những nội dung học sinh đã học rồi để dạy thực nghiệm.

Ngay sau khi bài viết “Dạy thực nghiệm sách giáo khoa mới có tính chất biểu diễn không?” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 17/4, tác giả bài viết đã nhận được chia sẻ của một giáo viên từng tham gia dự giờ một tiết dạy thực nghiệm.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Tiết dạy trơn tru, hoàn hảo đến từng chi tiết

Cô H. (đề nghị không nêu tên) nói rằng, mình may mắn được có tên trong danh sách giáo viên dự giờ một tiết dạy thực nghiệm môn Âm nhạc lớp 1.

Cô cho biết, mọi thứ trong tiết học đều suôn sẻ, gần như người dự không có gì để góp ý. Tiết dạy nhận được rất nhiều lời khen từ người dự vì quá hoàn hảo. Nào là, học sinh tiếp thu bài tốt, năng động, sáng tạo. Nào là, tiết dạy sinh động, sáng tạo, đã phát huy được năng lực, phẩm chất của từng học sinh.

Tiết dạy tốt, học sinh tiếp thu bài tốt thì đương nhiên bộ sách sẽ được đánh giá là hiệu quả, là rất phù hợp với các em.

Khác với những lời khen, cô giáo H. nói mình đã lên tiếng phản đối tiết dạy thực nghiệm kiểu này vì thiếu tính thực tế, không mang tính phổ quát nên khi áp dụng vào giảng dạy thực tế sẽ không thể đạt được như tiết dạy thực nghiệm.

Tổ chức tiết dạy thực nghiệm chưa thật sự hợp lý

Thứ nhất, nơi được chọn để dạy thực nghiệm là một trường điểm của địa phương (thuộc khu vực thành phố). Phòng học của trường rất đầy đủ tiện nghi, có máy tính, bảng tương tác dạy học sử dụng bằng cảm ứng, có hệ thống loa, âm thanh chuẩn, có đàn dạy nhạc đạt chuẩn.

Trong khi ngoài thực tế, những trường học có đầy đủ tiện nghi như thế không nhiều.

Thứ hai, bài dạy thuộc chủ đề 1, kiến thức dạy từ đầu năm của tuần 1. Thế nhưng, nhà trường lại thực hiện dạy thực nghiệm vào cuối tháng 5 khi học sinh đã học gần hết chương trình.

Nghĩa là, tiết dạy thực nghiệm là dạy lại bài học mà các em đã được học từ đầu năm. Hơn nữa, trình độ của các em lớp 1 ở thời điểm cuối tháng 5, gần tương đương với học sinh lớp 2 nhưng vẫn được học lại bài đã học từ đầu năm lớp 1.

Cô H. nhấn mạnh, đúng cái bài học này mà dạy ngay tuần đầu tiên của năm học, chắc chắn học sinh sẽ rất khó theo kịp vì bài quá dài, các em lại chưa biết mặt chữ nên rất khó khăn cho việc thuộc lời bài hát.

Thứ ba, sĩ số học sinh trong tiết dạy dự giờ hôm ấy chỉ có 25 em/lớp, trong khi sĩ số học sinh ở của trường ở mức 45 đến 50 em/lớp. Và, nhiều trường học khác trong vùng, sĩ số học sinh còn cao hơn thế nữa.

Từ việc phản ánh của giáo viên đã tham gia dự giờ tiết dạy thực nghiệm đã cho thấy một thực tế, có việc chọn trường, chọn lớp, chọn những nội dung học sinh đã học rồi để dạy thực nghiệm. Và như thế, việc dạy thực nghiệm sách giáo khoa chương trình mới trở thành hình thức, dạy cho có để hợp thức hóa quy trình.

Muốn phản ánh chân thực nhất, cần thay đổi cách tổ chức dạy thực nghiệm bằng cách, bốc thăm ngẫu nhiên trường học, lớp học sẽ tổ chức dạy thực nghiệm (bốc thăm lớp dạy trước 1 buổi để tránh việc giáo viên "gà bài", dạy trước).

Dạy thực nghiệm ở tuần nào, dạy ngay bài ở thời điểm đó. Sĩ số học sinh trong lớp dạy thực nghiệm phải được giữ nguyên như hiện trạng.

Khi không có sự xáo trộn về sĩ số học sinh (trong lớp sẽ có đủ các đối tượng học sinh yếu, kém, trung bình và khá, giỏi), khi học sinh cả lớp không bị "gà bài", "mớm bài" trước, khi giáo viên không được dạy đi dạy lại bài sẽ dạy thì sẽ đánh giá chính xác kiến thức trong sách giáo khoa nặng hay nhẹ? Có phù hợp với các em hay không?

Từ đó, mới đánh giá đúng chất lượng của từng bộ sách giáo khoa để các tác giả, các nhà xuất bản có sự điều chỉnh phù hợp hơn với trình độ học sinh cũng như giúp cho các trường học có được sự lựa chọn sách một cách chính xác nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên