LTS: Trao đổi về việc có học sinh dốt hay không, thầy giáo Tùng Sơn cho rằng việc tồn tại học sinh dốt là một quy luật tự nhiên như một phép biện chứng khách quan.
Theo đó, thầy giáo Tùng Sơn cũng chỉ ra hai kiểu học sinh dốt cơ bản và hướng dẫn giáo dục hai đối tượng học sinh này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 26/3, thầy giáo Trần Trí Dũng khẳng định không có học sinh dốt.
Tôi thì khác vì tôi cho rằng cách nói “Trên đời này không có ai dốt, chỉ tại người đó chưa giỏi mà thôi” là cách nói mang tính động viên, khích lệ và không thật lòng. Chứ thực ra, có học sinh dốt là một tồn tại khách quan.
Có cao, có thấp, có dốt, có giỏi là sự hài hòa của tạo hóa
Trong tự nhiên, bao giờ cũng có cao, có thấp, có dài, có ngắn, có nông, có sâu,… Những sự vật có những đặc điểm đối lập nhau đó luôn tồn tại cùng nhau để hỗ trợ nhau, bổ sung nhau để làm nên sự hài hòa của tạo hóa.
Cụ thể, có sông ngắn, sông dài nhưng sông dài có thể do nhiều sông ngắn đổ về tạo nên. Tương tự, núi cũng có ngọn cao, ngọn thấp… Quy luật này đã học qua trường lớp thì ai cũng biết.
Việc có học sinh giỏi và học sinh dốt là một tồn tại khách quan. (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn) |
Và con người không là ngoại lệ của quy luật đó. Có thông minh và có ngu đần. Có nhanh ý và có chậm hiểu. Chính Giáo sư Nguyễn Lân dũng đã nói trong bài “Không có gen thông minh” rằng “Các cháu rất sáng dạ.” Như vậy chẳng phải là có kẻ tối dạ ư?
Trở lại với vấn đề học sinh. Theo diễn giải trên, tất yếu phải có học sinh dốt và có học sinh giỏi.
Có hai kiểu dốt cơ bản
Đúng là dốt thì cũng có “dăm bảy đường”. Nhưng chung quy lại thì có hai kiểu dốt học cơ bản (Ở đây ta không nói đến học sinh khuyết tật). Sau đây chúng ta cùng phân tích.
Kiểu thứ nhất là học dốt do không có khả năng học
Đây là nói những học sinh không hề khuyết tật nhưng rất chậm tiếp thu. Những học sinh này không có thầy nào dạy được thành học sinh trung bình, khá chứ chưa nói đến giỏi.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Giáo dục bắt đầu từ gia đình, không có gen thông minh |
Mặt mũi các con rất sáng sủa, xinh xắn nhưng học thì rất khó nhọc.
Trong thực tế, đã có trường hợp vì học sinh đó lưu ban nhiều năm nên giáo viên buộc phải vận động gia đình đưa vào diện khuyết tật để được lên lớp.
Dẫu biết việc đó là sai nhưng gia đình đồng ý vì không lẽ cứ để con học đi học lại một lớp.
Những học sinh dốt kiểu này, không một phép màu nào có thể giúp cho tính toán thông thạo.
Học là một hoạt động đặc thù. Ta có thể ví, học sinh dốt kiểu này giống như những người có giọng hát khó nghe có luyện kiểu gì đi nữa cũng không thể hát cho dễ nghe được.
Kiểu thứ hai là học dốt do lười học hoặc gia đình nghèo khó
Đây là những con người có trí tuệ bình thường, thậm chí có người rất thông minh. Song họ lại học dốt. Ở lớp họ không chú tâm vào bài học và không hiểu bài. Về nhà lại lười biếng hoặc phải làm lụng kiếm sống nên học hành sa sút.
Những học sinh này dốt nhưng dạy họ không khó chịu như kiểu dốt thứ nhất nói trên. Nếu uốn nắn được họ sớm thì họ có thể sẽ học giỏi. Nhưng nếu để mất gốc, tức là học lên các lớp bậc Trung học mà vẫn lười thì không thể gỡ lại được nữa.
Nét nổi bật của những học sinh này là sách vở lôi thôi, nhòe bẩn, dụng cụ học tập luôn thiếu. Dạy những học sinh này, rất cần sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh với giáo viên.
Tôi có anh bạn bằng tuổi, đánh cờ tướng rất giỏi nhưng học thì không biết gì cả. Năm lớp 1 anh cũng học tốt như các bạn, sau anh lười học thành thói quen. Tới năm lớp 7 anh lưu ban nên chán và bỏ học.
Dốt có theo gen không?
Thú thực tôi không có cơ sở khoa học nào để nói về vấn đề này.
Nhưng qua kinh nghiệm nhiều năm dạy học, tôi hoàn toàn tin rằng kiểu dốt thứ nhất (dốt do không có khả năng học) hoàn toàn giống bố mẹ.
Còn kiểu dốt thứ hai (dốt do lười và nghèo khó) thì không có tính di truyền.
Nói về kiểu dốt thứ nhất, tôi đã gặp nhiều trường hợp mà khi phàn nàn với đồng nghiệp, mấy cô cao tuổi bảo: “Trước đây bố mẹ nó cũng dốt lắm!”.
Khi vào nghề được một số năm, tôi có dạy chính con của một số bạn bè. Quả đúng là những người bạn tôi trước đây học kém thì nay con họ cũng vậy.
Trong thực tế, có nhiều thầy cô đã từng dạy cả bố mẹ và các con của một gia đình. Các cô cũng có nhận định như vậy.
Cũng có trường hợp, bố học dốt, mẹ học giỏi, hai con, đứa giống mẹ thì sáng dạ, học hiểu bài. Còn đứa giống bố thì nói mãi chẳng hiểu gì.
Sang kiểu học dốt thứ hai, những người này nhiều người có con học giỏi. Chính bản thân tôi đã rất hay nói đùa với anh bạn mà hồi nhỏ hay đi đánh giậm với tôi: “Sao trước ông học dốt thế mà con gái ông học giỏi, đỗ Đại học Y …”
Trong thực tế, nhiều giáo sư, tiến sĩ hiện nay đều xuất thân từ nhà nghèo, bố mẹ thất học.
Như vậy thì, tôi không phải là nhà khoa học nên tôi không dám nói là dốt có gen không, nhưng tôi hoàn toàn khẳng định rất nhiều người học dốt lại sinh ra con cái học dốt.
“Không có học sinh dốt chỉ có học sinh chưa biết học giỏi” là cách nói không thật lòng
Nó cũng giống như câu nói “Không có người phụ nữ xấu mà chỉ có người phụ nữ chưa biết làm đẹp mà thôi”.
Trời đất có con người, đương nhiên có kẻ xấu, người đẹp. Nếu anh quan niệm như vậy, tại sao khi chọn vợ anh vẫn đặt vấn đề hình thức thậm chí lên hàng đầu.
Tại sao anh không cưới một cô gái xấu nhất làng rồi về anh bảo cô ấy biết cách làm cho mình đẹp lên.
Rõ ràng đây là cách nói để động viên, khích lệ. Khách quan mà nói, như trên đã dẫn giải, con người cũng là một sinh vật trong giới tự nhiên, ắt có xấu, có đẹp. Thế mới có câu “Trời phú…” là như vậy.
Hình như cũng quan niệm có đẹp có xấu nên cụ Nam Cao mới phác ra cô Thị Nở “xấu ma chê quỷ hờn…”
Cách nói trên đây còn có vẻ không thật lòng.
Suy luận theo chiều đó, ta thấy, nói không có học sinh dốt cũng là cách nói mang tính giáo dục để động viên, chứ kì thực ra người nói chưa hẳn đã nghĩ như vậy.
Dạy học sinh dốt như thế nào?
Tất cả phải xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu trẻ. Với kiểu dốt do lười học thì dễ, giáo viên nhiệt tình là ắt có kết quả.
Có nên dùng đòn roi với học trò? |
Nhưng với kiểu dốt như bẩm sinh nói trên thì rất khó nhọc. Chúng ta thực sự phải coi con người khác cũng như con mình thì mới dạy được những học sinh này đủ điều kiện lên lớp.
Dạy học sinh này, người nóng tính dễ ra đòn với trẻ nên khó thành công. Từ trong suy nghĩ, ta không được phân biệt đối xử mà phải luôn có những câu khen.
Sự động viên, khích lệ luôn làm những học sinh này vui mà học.
Về mặt kiến thức, các thầy cô hãy chấp nhận mục tiêu đạt được cho những học sinh này chỉ là đọc được, viết được và làm được những con tính đơn giản.
Nói cách khác, cố gắng giúp các em đạt yêu cầu về kiến thức và kĩ năng ở mức tối thiểu. Được như vậy đã là thành công rồi.
Trong giờ học, hãy giảm bài tập và tuyệt đối không ép các em học nhiều. Sai lầm nhất trong vấn đề này là cứ tưởng học nhiều là được nhiều nên không ít thầy cô ép các em làm nhiều bài tập khiến các em chán nản.
Có điều nữa xin nói thêm, nghề dạy học cho thấy, những học sinh mà bị coi là dốt đó rất nhớ thầy cô. Tuy họ không đóng góp được nhiều cho xã hội nhưng tình cảm thầy trò trong họ luôn sâu nặng, lâu dài.
Lời kết: Tranh luận có học sinh dốt hay không cũng là một đề tài hay cho người dạy học. Quan niệm đúng sẽ có phương pháp đúng. Với tôi, môi trường học tập luôn có học sinh dốt và tôi coi đó là quy luật tự nhiên như một phép biện chứng khách quan.