LTS: Chia sẻ về đức tin của người làm giáo dục, tác giả Lê Quốc Chơn đã có bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Giáo dục là cả quá trình thực hiện để giúp cho con người phát triển hoàn chỉnh nhất có thể. Và sự phát triển này hướng đến việc tạo ra sự hạnh phúc, sự thỏa mãn trong cuộc đời của người học.
Đó là việc khó làm và chúng ta cũng không có công thức chung hoàn hảo nào để thực hiện. Vì vậy chúng ta vừa làm vừa mò mẫm, vừa học hỏi.
Đức tin trong giáo dục (Ảnh minh họa: http://www.qtv.vn). |
Vì vậy để làm giáo dục, người làm cần phải có những đức tin sau đây:
Thứ nhất: Con người sinh ra là tự do
Chỉ có tự do con người mới can đảm lựa chọn cuộc đời mà họ tin là tốt nhất và lựa chọn hình thức học tập, rèn luyện phù hợp với bản thân họ bất chấp các rào cản, áp đặt đến từ người khác, đến từ xã hội.
Chỉ có niềm tin này mới không biến người học thành công cụ cho xã hội. Mà từ đó người làm giáo dục sẽ làm mọi điều có thể để giúp mỗi người học phát triển theo lựa chọn riêng của họ để sống tốt nhất.
Thứ hai: Con người có tiềm năng vô cùng lớn và khả năng học của con người là vô hạn
Chỉ có niềm tin này người làm giáo dục mới giúp người học phát triển được một cách kiên trì và bền bỉ bất chấp các khó khăn trong quá trình thực hiện. Nếu không có niềm tin này thì hoạt động giáo dục là vô nghĩa.
Thứ ba: Mỗi người là duy nhất và họ có xu hướng phát triển khác nhau, khả năng cũng khác nhau
Khi có niềm tin này, người làm giáo dục sẽ không áp đặt cách học, cách đánh giá giống nhau cho nhiều người khác nhau.
Và người làm giáo dục không đánh đồng kết quả học tập với tài năng và giá trị riêng của người học.
Với niềm tin này, người làm giáo dục sẽ cố gắng tạo ra các môi trường giáo dục khác nhau, hình thức dạy và đánh giá khác nhau giúp người học phát triển.
Môi trường giáo dục được xây dựng để phù hợp hơn với người học chứ không phải ép người học đi vào khuôn phép đã có trước – theo ý của người làm giáo dục.
Môi trường giáo dục phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu phát triển của người học.
Thứ tư: Vũ trụ là vô cùng to lớn và hiểu biết của chúng ta về con người, về vũ trụ là rất giới hạn
Khi đó người làm giáo dục sẽ thừa nhận các sai lầm có thể xảy ra trong giáo dục và thừa nhận rằng họ chưa biết làm cách nào tốt hơn.
Và chỉ khi thừa nhận điều này người làm giáo dục mới cởi mở với mọi cơ hội giáo dục có thể có để tạo ra môi trường giáo dục mới tốt hơn cho người học.
Người học sẽ cởi mở với các ý tưởng khác nhau ngay cả trong việc xây dựng xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức giáo dục.
Thứ năm: Thời gian sống của mỗi người là giới hạn (ngắn ngủi) – vì vậy không thể lãng phí
Với niềm tin này người làm giáo dục sẽ rất cẩn thận với các chính sách, các hình thức tổ chức dạy học, chương trình học để không làm tổn hại về thời gian sống đến người học.
Người làm giáo dục sẽ luôn trằn trọc suy nghĩ để làm sao tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho người học phát triển, và làm cho quãng thời gian học tập trở thành một trải nghiệm sống lý thú, giàu có và ý nghĩa cho cuộc đời.
Môi trường giáo dục không nên là nơi tạo ra thêm áp lực cho cuộc sống cho học sinh và cho cả phụ huynh.
Thứ sáu: Con người sống phụ thuộc lẫn nhau
Với niềm tin này sẽ giúp cho người làm giáo dục tạo ra môi trường học thân thiện và hợp tác cùng phát triển.
Niềm tin này được xem như một điều tự nhiên trong cuộc sống con người chứ không phải đạo đức giả tạo.
Người học sẽ có tự nhiên phát triển tinh thần tích cực xây dựng xã hội, sống tử tế với người khác và chịu trách nhiệm với việc mình làm.
Làm giáo dục phải có đức tin. Đức tin rằng nếu chúng ta làm tốt nhất, mọi người đi học đều sẽ sống hạnh phúc trong tương lai.
Vì hiểu biết của chúng ta về con người cũng rất giới hạn nên chúng ta sẽ mắc sai lầm, và việc chúng ta làm rất có thể không thật sự tốt nhất cho người học vì vậy chúng ta sẽ không áp đặt lên người khác mà sẽ cởi mở cho các thay đổi có thể có.
Tất nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng ta luôn cần sự phản hồi (feedback) nhanh nhất từ kết quả thực hiện, từ quy trình thực hiện để điều chỉnh và cải thiện liên tục.
Nhưng sự điều chỉnh, cải thiện cần được thực hiện cẩn thận để không làm tổn hại đến người học, đến phụ huynh của học sinh. Giáo dục là để mang đến hạnh phúc cho con người.