LTS: Chia sẻ niềm tự hào với ngôn ngữ của dân tộc, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương tin tưởng rằng tiếng Việt sẽ tìm được vị trí của mình trong thế giới phẳng toàn cầu này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trong tháng 12/2016, Hội nghị Quốc tế về Việt Nam Học tổ chức tại Hà Nội đã mang đến rất nhiều đề tài thú vị cho tất cả 500 nhà nghiên cứu tham dự [1].
Một trong những đề tài đó là dạy tiếng Việt cho con em người Việt và người nước ngoài, ở ngoài Việt Nam.
Những bài trình bày, những chia sẻ đầy tâm huyết chân thành của những người con Việt Nam và những nhà nghiên cứu nước ngoài yêu Việt Nam thật sâu sắc. Tôi tự hào khi tiếng Việt được lan tỏa trên khắp nẻo đường thế giới.
Khi nghe về đề tài này, câu hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi…/ À à ơi, tiếng ru muôn đời…” (Phạm Duy) cứ ngân nga mãi trong tâm trí tôi.
Đúng là không gì giữ được hồn dân tộc, giữ được những văn hóa dân tộc bằng chính ngôn ngữ tiếng Việt của cha ông.
Làng vùng cao. Nhiếp ảnh Nguyễn Đức Tường |
Trong một thế giới toàn cầu, chúng ta hiện sống dưới những tác động mạnh mẽ từ các ngôn ngữ phổ biến, nhiều tiện lợi khi sử dụng và sự pha lẫn đa ngữ trong đời sống giao thương quốc tế và trên một mặt phẳng Internet.
Việc định vị được những giá trị “độc đáo”, mang lịch sử hàng trăm năm của tiếng Việt, hoàn thiện việc dạy và học tiếng Việt theo phương thức hiện đại là một công việc không dễ dàng.
Nói đến dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài, như tôi có chia sẻ ở Hội nghị, cá nhân tôi biết ơn nước Mỹ, nhân dân Mỹ và các nhà giáo Mỹ (gồm rất nhiều nhà giáo Mỹ gốc Việt) đã vì người Mỹ gốc Việt, vì lợi ích lâu dài và đa dạng của nước Mỹ, vì tiếng Việt, dành nhiều ngân sách để tìm hiểu tiếng Việt, lịch sử tiếng Việt, dạy tiếng Việt từ cấp 1 tại các trường học khu vực có nhiều người Việt sinh sống (các bang California, Texas, New York, Washington) [2].
Các nhà giáo hay Giáo sư gốc Việt thường vẫn nói tiếng Việt rất trôi chảy, và làm việc nghiêm túc nhằm tìm kiếm các phương pháp dạy tiếng Việt hiệu quả cho lớp người học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ 2 ở Mỹ.
Câu chuyện kết nối về giáo trình, chương trình dạy-học, và đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt giữa đại học Việt Nam, giáo viên Việt Nam với các chương trình, tổ chức dạy tiếng Việt ở nước ngoài đã được ghi nhận tại Hội nghị để tìm kiếm cách hợp tác hiệu quả trong tương lai gần.
Tôi hy vọng và có niềm tin mãnh liệt rằng sẽ không chỉ có ở Mỹ, mà ở nhiều nước khác, tiếng Việt sẽ tìm được vị trí của mình, cùng với sự phát triển đa dạng người Việt và người gốc Việt, vì sự ghi nhận ngôn ngữ như một phần của văn hóa dân tộc, và vì rằng “Tiếng ta còn, Nước ta còn” (Phạm Quỳnh) [3].
Tài liệu tham khảo:
[1] Hội thảo Việt nam học Quốc tế http://icvs2016.vnu.edu.vn/home/
[2] http://english.vietnamnet.vn/fms/education/71901/teaching-and-learning-vietnamese-in-the-us.html; http://ed.fullerton.edu/vietnamese/; http://articles.latimes.com/2000/aug/06/books/bk-65299; http://www.nabe.org/BilingualEducation; http://www.latimes.com/local/california/la-me-vietnamese-school-20150828-story.html; http://www.aisdvietdl.org/
[3] Phạm Quỳnh, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_Qu%E1%BB%B3nh