Ngày 25/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đến dự và có bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 của ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay, cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang trong tiến trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó có đề cao tính trung thực.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh: P.L) |
Theo ông Nguyễn Văn Nên, đổi mới trước hết là đổi mới về mặt tư duy, phương pháp tiếp cận, dũng cảm thay đổi chính mình từ đội ngũ các cán bộ quản lý cho đến các thầy cô giáo.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Nên, ngành giáo dục thành phố cần quan tâm đến một số vấn đề như là sẽ đổi mới bắt đầu từ đâu, theo hướng nào để thực hiện một cách trung thực.
Để thực hiện được các mục tiêu đó, theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cần phải bắt đầu từ sự gương mẫu của các thầy cô giáo, tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không thành tích ảo.
Cụ thể, cần xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua khen thưởng theo phương châm là nói thật và làm thật, chấm điểm thật, thành tích thật, chủ động truyền thông đến từng gia đình, trường học, giúp phụ huynh nắm rõ thông tin về việc học của các em.
Cũng tại hội nghị này, thông tin về nhiệm vụ của năm học 2022 – 2023 ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, ngành sẽ tiếp tục vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, tiếp tục mở rộng mô hình “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo.
Năm học sắp đến, ngành giáo dục tiếp tục phát triển các kho học liệu số dùng chung toàn ngành, bao gồm bài giảng điện tử, bài giảng trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác, phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiệm vụ năm học mới (ảnh: P.L) |
Đặc biệt, công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, rà soát các điều kiện đầu tư, chính sách thuế, đất đai trong lĩnh vực giáo dục nhằm cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cho các nhà đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo thông tin thông suốt, minh bạch, giải quyết kịp thời những thắc mắc của các nhà đầu tư trong quá trình thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Trước đó, nói về năm học 2021 - 2022, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình hình cơ sở vật chất trường lớp ở nhiều địa phương của thành phố đang gặp khó khăn, do bị áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số trường và phòng học chưa đủ đáp ứng triển khai dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả các học sinh.
Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng gặp khó khăn, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng gặp khó khăn về trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Quá trình xây dựng các trường ngoài công lập nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục gặp nhiều khó khăn, do các địa phương thiếu quỹ đất, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc.
Công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay của thành phố đã có nhiều đổi mới, theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho cơ sở. Hiện thành phố đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, chăm lo cho đời sống của giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.
Thế nhưng, công tác tuyển dụng giáo viên trong năm học 2021 – 2022 thực hiện còn chậm, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên các bộ môn tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật. Tỷ lệ giáo viên/lớp vẫn chưa đủ để đáp ứng theo quy định, nhất là đối với loại hình học tập 2 buổi/ngày.