Vì dạy con học mà hai vợ chồng đồng nghiệp của tôi đã cãi nhau biết bao lần.
Người vợ thấy con học hành chểnh mảng nên la “Học như con thì sau này có bốc mắm mà ăn”.
Xã hội đang dần có những góc nhìn khác về văn bằng, chứng chỉ. ảnh minh họa: vov. |
Người chồng lại có quan điểm khác, con học đến đâu là tùy sức mà không có ép buộc.
Nhiều khi bức xúc khi thấy vợ luôn tạo áp lực cho con, anh chồng nói rằng học giỏi như tôi với bà mà suốt đời cũng chỉ là giáo viên quèn ăn mấy đồng lương nên nghèo rớt mùng tơi cả đời.
Nhìn xem cán bộ huyện mình có ông bà nào học đại học chính quy mà bây giờ họ cũng là ông nọ bà kia, một bước xe, nhà cao cửa rộng, con cái du học nước này nước kia?
Mỗi lần nghe chồng nói thế, cô vợ mới chịu im vì những điều anh chồng dẫn chứng chẳng sai vào đâu được.
Tiến lên bằng những văn bằng tại chức
Có thể điểm danh những vị cán bộ chủ chốt huyện tôi hiện nay như Phó chủ tịch huyện,
Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường,
Trưởng Ban thanh tra Nhân dân, Trưởng phòng tổ chức Thị Ủy, thấp hơn nữa là gần như các Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp xã...
Nếu lật lại lịch sử học tập của họ, thì ôi thôi! Nhiều người phải thốt lên chẳng còn gì để nói.
Có giáo viên trước đây là thầy cô giáo của những vị cán bộ này cho biết họ học vào dạng “dốt đặc cán mai, dài cán thuổng”.
Vì thế nên phải nghỉ học giữa chừng.
Có người nghỉ học từ năm lớp 9, người nghỉ học vào lớp 10, người lết đén lớp 12 nhưng thi rớt tốt nghiệp.
Mà khi ấy cả trường chỉ rớt tốp nghiệp có 5 người.
Thầy hiệu trưởng còn nói, mấy bạn rớt tốt nghiệp là cực kỳ dốt, dốt đến mức có bài làm sẵn để trước mặt còn không biết chép.
Thời ấy, thi tốt nghiệp, giáo viên còn giải sẵn bài đưa cho phục vụ mang vào phòng thi, giám thị còn canh thanh tra cho học sinh chép bài nên ai rớt tốt nghiệp mới bị cười nhạo như vậy.
Thế mà, nhờ người là con cán bộ, người gia đình có mối quan hệ rộng, người có tiền... nên ai nấy đều xin vào làm chân “điếu đóm” cấp xã và bắt đầu đi học bổ túc.
Nói là học chứ đến lớp bữa đực bữa cái, sau vài năm cũng có tẩm bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa.
Họ bắt đầu đăng kí học đại học tại chức, từ xa với những ngành đang "hot" như Kinh tế, Luật...
Họ làm thân, lấy lòng những thầy cô giảng viên, lấy lý do bận công việc nên chỉ cần có mặt ở vài thời điểm kiểm tra, thi học phần, thi hết môn... Thậm chí có người còn chẳng xuất hiện bao giờ vì đã thuê người học thi hộ.
Có người từng bật mí cho chúng tôi, khi quen thân thầy cô, chỉ cần đưa số điện thoại, khi nào thi hết học phần thầy gọi ra làm bài cho hợp lệ là xong.
Và chỉ 2 năm sau đó, họ cũng áo mũ cân đai, ngẩng cao đầu lên bục nhận bằng đại học với niềm tự hào, mãn nguyện.
Mặc dù tấm bằng này được phủ bằng tiền và những mối quan hệ quen biết.
Con đường công danh cứ rộng mở
Có tấm bằng tại chức trong tay, họ bắt đầu được cơ cấu vào nguồn, được đề bạt, thăng chức, nắm toàn chức vụ quan trọng ở huyện.
Ngược lại, những bạn bè cùng trang lứa học khá giỏi, mài đũng quần hàng chục năm nữa trên ghế nhà trường.
Đến khi ra trường lại trở thành cu li cho chính các bạn đã từng không thể theo nổi chương trình ở mức thấp nhất của lớp khi ấy.
Giá như không có những kiểu học tắt, học như không học như thế thì nhiều sinh viên giỏi, học chính quy không bị “cướp” chỗ làm như thế này.
Người giỏi mất chỗ làm, người dở nắm toàn chức vụ chủ chốt.
Thế nên huyện tôi dù được đánh giá là có "thiên thời địa lợi" khi được thiên nhiên ưu đãi ban tặng không chỉ "rừng vàng" mà cả "biển bạc".
Vậy mà bao năm nay, kinh tế của địa phương vẫn cứ ì ạch như thế.
Ngày ấy, tấm bằng đại học chính quy và tấm bằng tại chức còn ghi rõ ràng hai loại hình đào tạo mà vẫn thế.
Nay, lại có quy định không phân biết các loại văn bằng thì chẳng biết sẽ thế nào đây?