LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của tác giả Phan Tuyết, cô đề cập tới vấn đề việc làm sau khi có bằng đại học chính quy và bằng tại chức thông qua câu chuyện mà cô trực tiếp là người nghe được.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tình cờ, tôi gặp cậu bạn cùng lớp ngày xưa, hai đứa ngồi hàn huyên đủ thứ chuyện.
Trước đây, khi còn học học phổ thông, Dũng đã nổi tiếng thông minh, hoạt bát.
Vào đại học cũng thuộc trường tốp đầu nên tôi cứ nghĩ cậu bạn mình phải thành đạt lắm.
Thấy Dũng nói hiện mình chỉ là phó phòng kinh tế ở ủy ban, công việc buồn và vô cùng nhàm chán.
Bất ngờ Dũng hỏi tôi: “Cậu còn nhớ thằng Hùng lé không? Thằng đó thế mà son, hiện đã là chủ tịch huyện rồi đấy”.
Tôi quay sang đáp: “Hùng lé nào? Phải Trần Hùng lớp A1 không? Người ta giỏi thế là chủ tịch huyện có gì lạ?”.
Chuyện đi học tại chức, tôi nghe nhiều người kể “gian nan việc học thì ít mà gian nan việc kiếm tiền để chi phí, đắp đổi thì nhiều”. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Bất ngờ Dũng gằn giọng: “Giỏi cái nỗi gì, giỏi như nó thì thiên hạ giỏi hết. Học vào dạng đội sổ, thi trầy trật mãi không đỗ nổi vào trường cấp 3, mới xin vào xã làm chân điếu đóm, sai vặt.
Thế rồi nó đi học bổ túc 2 năm ba lớp, tốt nghiệp cấp ba trước mình. Đi học tại chức, học trung rồi cao cấp này nọ nên thăng tiến vù vù. Ngày mình đang học năm cuối đại học, nó đã là phó chủ tịch xã rồi đấy”.
Bất chợt Dũng dừng lại giải thích cho tôi: “Không phải Trần Hùng đâu, là Hùng lé ngồi chung bàn với cậu đấy”.
Giờ thì tôi đã nhận ra cậu Hùng lé, một học sinh cá biệt lớp tôi năm nào. Quả đúng như Dũng nói, cậu ta chuyên nhìn bài tôi mới có thể mỗi năm lên một lớp. Bù lại, bố cậu ấy làm to nên đời mới hanh thông như thế.
Vì sao cả danh tiếng, chất lượng đào tạo tại chức đều bị chê là kém?(GDVN) - Các nhà quản lý Giáo dục thừa biết chất lượng đào tạo hệ tại chức từ lâu đã tụt dốc nhưng vẫn cố tình phớt lờ, cho mở lớp tràn lan vì gắn với lợi ích! |
Khi thấy tôi đã nhận ra nhân vật cần nói, Dũng nói tiếp: “Mà chẳng riêng gì nó, quan chức cấp xã phường quê tôi chẳng có lấy một ông học chính quy đàng hoàng. Sang nhất là có bằng 12 còn nhiều người chỉ vừa học xong lớp 9.
Xin vào xã làm hợp đồng, tranh thủ ngày cuối tuần đi học bổ túc lấy bằng 12.
Vài năm sau, được cử đi học tại chức một chuyên ngành, rồi học trung, cao cấp…thế là bằng cấp đầy mình.
Chẳng bù cho mình, mòn ghế nhà trường, ra trường trầy trật xin việc, khi tạm thời ổn định thì các bạn đã ông này bà kia hết rồi”.
Chuyện đi học tại chức, tôi nghe nhiều người kể “gian nan việc học thì ít mà gian nan việc kiếm tiền để chi phí, đắp đổi thì nhiều”.
Có người thẳng thắn: “Một lớp tại chức học với nhau có đủ các ngành nghề nhưng chủ yếu đều là người nhà nước.
Bởi thế, việc quy định đóng quỹ lớp, tiền ngoại giao với thầy cũng chóng mặt. Nhiều người làm ở các lĩnh vực thu nhập tốt, họ chẳng tiếc gì việc đóng góp. Thế nên mấy anh cán bộ xã quèn như tụi mình theo cũng đuối”.
Tại chức – chính quy, ai hơn ai?(GDVN) - Ở ta, người học tại chức phần nhiều là học sinh vừa tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thành phần con ông cháu cha, lắm bạc, nhiều tiền. |
Thôi thì đủ các khoản tiền “ngoại giao” được gọi thành tên như tiền bồi dưỡng cho thầy cô, tiền gặp mặt hàng tuần, tiền tàu xe đi lại, tiền bồi dưỡng thi hết môn, tiền quà lưu niệm khi kết thúc khóa học…
Không ít các giảng viên đã tiết lộ: “Đi dạy tại chức ở các tỉnh tuy có xa thật nhưng bù lại, được học viên chăm sóc rất chu đáo, thu nhập cao nên cũng rất hứng thú”.
Đổi lại, học viên được dễ dãi hơn trong việc đánh giá điểm số như cho đề cương ngắn, giới hạn đề ôn tập, coi thi dễ dàng, không siết chặt việc điểm danh mỗi buổi học.
Điều này vô cùng quan trọng, bởi không ít các cán bộ trong thời gian đi học vẫn còn đương nhiệm nên thường xuyên vắng mặt. Cũng có không ít người thuê người đi học hộ, có người được giáo viên chủ động du di nên chỉ những lúc thi mới phải có mặt.
Không những thế, đầu vào những lớp học tại chức thấp, cùng với cách học như thế, liệu kiến thức vào đầu học viên có được bao nhiêu?
Chưa nói đến việc nhà nước phải tốn một khoản tiền không nhỏ cho việc các công chức, viên chức đi học. Thời gian những cán bộ này bận học, công việc ở nhiệm sở bị đình trệ, gác lại chẳng ai làm.
Chúng ta thử xem, nếu như các xã, phường tuyển những cán bộ đã tốt nghiệp đại học thì nhà nước liệu có mất tiền bỏ ra để đào tạo thêm cho một số cán bộ như thế này không?
Xóa bỏ hệ đại học tại chức cũng là xóa bỏ cơ hội cho một số con ông cháu cha học dốt nhưng muốn tiến thân bằng con đường quan chức.
Tạo cơ hội cho những sinh viên học chính quy ra trường có việc làm. Góp phần giảm cho ngân sách nhà nước một số tiền không nhỏ.
Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, ký ức và cách hành văn của riêng tác giả.