"Đại biểu Quốc hội phải thể hiện được trách nhiệm với nhân dân, đất nước"

18/07/2021 07:45
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta mong chờ những người trúng cử vào vị trí Đại biểu Quốc hội, đặc biệt là những nhân sự mới sẽ thể hiện được phẩm hạnh, tài năng.

Chất lượng Đại biểu Quốc hội nâng cao

Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra thành công tốt đẹp cũng là lúc hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp bước vào giai đoạn mới, hứa hẹn sẽ có nhiều đổi mới.

Dự kiến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV sẽ được diễn ra vào ngày 20/7, thảo luận, quyết định về công tác nhân sự và nội dung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên nhiều Đại biểu Quốc hội mới tham gia, mang theo nhiều kỳ vọng nhân dân trao gửi.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII chia sẻ: "Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, đất nước đang khó khăn chống chọi dịch Covid-19, trước thềm kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, đã xảy ra nhiều sự vụ biến động mang tính chất tổn thất, thiệt hại cho đất nước về cả nhân sự và kinh tế. Một trong số đó có trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam vi phạm những quy phạm pháp luật đã bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Trước đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia có nghị quyết không công nhận tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Văn Nam vì kết luận bước đầu cho thấy ông Nam có những dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Phải nói rằng, đây là một sự thật hết sức đau lòng. Khi mà ngay trong Đảng tồn tại một nhân sự sai phạm có tính hệ thống, thời gian diễn ra sai phạm kéo dài trong hai nhiệm kỳ trước và đã suýt nữa trót lọt tại nhiệm kỳ này.

Chính điều đó khiến người dân có quyền nghi ngờ về công tác cán bộ, về quản lý nhà nước, về giám sát và thực thi quyền, nghĩa vụ của Đại biểu Quốc hội mà đất nước, nhân dân, cử tri giao phó".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (Ảnh quochoi.vn)

Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (Ảnh quochoi.vn)

Theo bà Bùi Thị An, những năm gần đây, dù công tác cán bộ bao gồm tuyển mộ, đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm, chú trọng nên phần lớn chất lượng cán bộ được nâng cao.

Chúng ta hoàn thiện công tác cán bộ bằng cách bổ sung, thay đổi về thể chế, chính sách, xuyên suốt những mục tiêu mang tính hệ thống từ trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, ngoài hệ thống, văn bản, sự thống nhất cao về mặt thể chế thì trên thực tế, trong quá trình thực hiện vẫn có nhiều sự việc xảy ra, với những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, mang nhiều tổn thất cho đất nước, cho nhân dân.

Cũng chính vì vậy, với thực tế đang tồn tại, bà Bùi Thị An kỳ vọng rằng: “Sẽ không còn một trường hợp Đại biểu Quốc hội nào trong nhiệm kỳ mới này lặp lại những sai phạm như các vụ việc trước đó, như vụ việc cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Các đồng chí đã được người dân cân nhắc, lựa chọn, gửi gắm niềm tin thì các đồng chí cố gắng làm đúng lời hứa của mình đối với cử tri, đất nước trong quá trình vận động bầu cử của mình trước đó”.

Kinh nghiệm đã từng là Đại biểu Quốc hội uy tín với nhân dân, bà Bùi Thị An luôn quan niệm, đã là đại biểu dân cử, nhân dân đặt niềm tin, kỳ vọng thì luôn luôn có áp lực. Áp lực đó chính mà những mong mỏi thực hiện những điều tốt đẹp hơn cho đời sống nhân dân, cho lợi ích của đất nước.

Chính vì vậy, thẳng thắn, nhìn nhận, đối diện và giải quyết mọi khúc mắc, bất cập cho đời sống nhân dân, đó cũng chính là áp lực của các đại biểu.

Phó Giáo sư Bùi Thị An đã từng chia sẻ, trong quá trình là Đại biểu Quốc hội không ít lần bà gặp những gợi ý của trưởng ngành đề nghị phát biểu nhẹ nhàng hơn, thậm chí là xin không chất vấn.

“Khi chất vấn trên nghị trường cái đầu tiên chính là vấn đề, nội dung chất vấn, đối tượng chất vấn và thời điểm chất vấn cần phải đúng.

Áp lực chất vấn trên nghị trường chắc chắn là có, thậm chí rất căng thẳng. Có đồng chí bộ trưởng, tư lệnh ngành từng nói thẳng với tôi rằng đừng chất vấn họ. Tôi hiểu tâm tư và áp lực họ đang đối diện và rất chia sẻ, tuy nhiên tôi phải lựa chọn lợi ích của nhân dân, đất nước chứ không phải vì một sự nhờ vả, đề nghị nào đó. Hơn nữa, mình chất vấn để nhằm thúc đẩy giải quyết vấn đề chứ không nhằm vào phê phán cá nhân lãnh đạo ngành”, bà An cho hay.

Kế thừa thành tựu và phát triển đất nước trong thời kỳ mới

Là một trong những người thường xuyên có ý kiến đóng góp mạnh mẽ trong công tác cán bộ và phòng chống tham nhũng, lãng phí, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết: "Tôi tham gia công tác tại Quốc hội và đã làm Đại biểu Quốc hội hai khoá nên hiểu rất rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ cần phải làm khi được nhân dân tin tưởng, gửi gắm.

Khi phát biểu thì cần phải thẳng thắn, thấy những tồn tại gây hại cho đất nước, gây hại cho nhân dân thì phải dũng cảm lên tiếng".

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh vietTimes)

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh vietTimes)

Đại biểu Quốc hội là những người được nhân dân, cử tri gửi gắm, kỳ vọng, trực tiếp thảo luận và đưa ra những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, đưa đời sống nhân dân, đất nước ngày càng phát triển.

Ông Lê Như Tiến hy vọng những đại biểu quốc hội mới sẽ là những người rất cầu thị, chịu khó học hỏi, đem lại sức mạnh mới cho Quốc hội, cho nhân dân, cho đất nước.

“Chúng ta mong chờ những người trúng cử vào vị trí Đại biểu Quốc hội khoá mới sẽ thể hiện được năng lực phẩm chất, đạo đức và tài năng, đại diện cho nhân dân.

Nếu trở thành Đại biểu Quốc hội mà không đem lại một bầu không khí mới cho Quốc hội cũng không có những đường lối, giải pháp mới thực hiện được ý chí, nguyện vọng của người dân trong tình hình mới thì không đạt được mục tiêu đề ra”, ông Tiến nhận định.

Theo ông Lê Như Tiến, nói như vậy không có nghĩa đổi mới là bỏ đi những giá trị, kết quả của các Đại biểu Quốc hội các khóa trước, mà phải phát huy, kế thừa những thành tựu, thành quả, để phát huy tốt hơn trong khoá XV.

"Cuộc sống này giống như một dòng chảy không bao giờ ngừng chảy, ngưng tụ. Xã hội ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc tư duy của những người bám sát vào đời sống nhân dân cũng phải thay đổi, phải được định hướng và không ngừng suy nghĩ để phát triển”, ông Tiến chia sẻ.

Với những nhân sự trẻ, nhân sự mới cùng với sự kết tinh của những nhân sự tái cử, nhân sự các khóa trước, ông Lê Như Tiến hy vọng rằng Đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục phát huy thành quả những nhiệm kỳ trước, đồng thời có những dấu ấn mới, sáng kiến mới theo kịp dòng chảy của xã hội, của đất nước và của thế giới.

“Đổi mới, phát triển và đưa đời sống của nhân dân, đất nước tiến lên mạnh mẽ có phần trách nhiệm của các Đại biểu Quốc hội trong chính nhiệm kỳ của mình trúng cử.

Đây không chỉ là kỳ vọng của một mình tôi, mà là nguyện vọng của tất cả cử tri, nhân dân và đất nước. Cử tri đã hoàn thành trách nhiệm bầu cử lựa chọn những người xứng đáng, vậy ở chiều ngược lại các đại biểu Quốc hội cũng phải thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, đất nước. Như vậy mới xứng đáng với vai trò là Đại biểu Quốc hội khóa XV”, ông Lê Như Tiến bày tỏ.

Cao Kim Anh