Lấy phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá được uy tín Ủy viên Bộ Chính trị trước Đại hội

29/11/2018 08:23
Đỗ Thơm
(GDVN) - Kết quả lấy phiếu tín nhiệm với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư sẽ thể hiện được uy tín cũng từng cá nhân sau nửa nhiệm kỳ hoạt động.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hòa Kiếm vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sắp tới còn lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.

Lấy phiếu tín nhiệm không phải cốt là để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay. Chỉ căn cứ vào chỗ đó mà thay đổi cán bộ thì đã chín chưa, chuẩn xác chưa?

Ở đây có tính chất răn đe, ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh là chính.

Đương nhiên, nếu ai thấp dưới 50% là phải xử lý vì đã quy định”.

Ông Lê Quang Thưởng. Ảnh: VOV
Ông Lê Quang Thưởng. Ảnh: VOV

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đây là việc làm cần thiết để có thêm cơ sở chuẩn bị cho việc quy hoạch nhân sự Đại hội Đảng khóa XIII sắp tới.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết tuy nhiên phải đảm bảo khách quan.

Ở Quốc hội cũng vậy và Trung ương càng phải đảm bảo việc này hơn. Nó phụ thuộc vào bản lĩnh và trách nhiệm của các vị tham gia bỏ phiếu.

Bởi tôi nhớ có vị trưởng ngành từng được các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm rất cao nhưng sau đó vị này lại bị phát hiện ra rất nhiều sai phạm”, ông Lê Quang Thưởng nhấn mạnh.

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, trong công tác nhân sự, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng phản ánh một phần nhưng thực chất đến đâu phụ thuộc vào tập thể có khách quan và đúng đắn.

“Để có nhân sự tốt thì cùng với lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta còn cần thêm các biện pháp khác như lấy ý kiến người làm việc trong chính các cơ quan cán bộ đó làm việc, người dân nơi cán bộ đó sinh sống, xem xét kết quả làm việc trong những năm gần đây của vị đó.

Càng làm kỹ, kết hợp nhiều biện pháp thì càng có thêm cơ sở để lựa chọn nhân sự tốt nhất”, ông Lê Quang Thưởng nêu quan điểm.

Lấy phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá được uy tín Ủy viên Bộ Chính trị trước Đại hội ảnh 2Kết quả phiếu tín nhiệm 48 chức danh năm 2018

Chia sẻ thêm việc lấy phiếu tín nhiệm với cán bộ cấp cao sắp tới, ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm Quốc hội đã tiến hành nhiều năm qua cho thấy những tín hiệu rất tốt.

“Lấy phiếu tín nhiệm với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư để đánh giá chất lượng hoạt động trên cương vị công tác của các bộ cấp cao.

Nó cũng thể hiện được uy tín cũng từng cá nhân sau nửa nhiệm kỳ hoạt động”, ông nhấn mạnh.

Ông Cuông phân tích, đây là việc làm theo quy định của Ban chấp hành Trung ương.

Cũng như Quốc hội, việc này không những đánh giá chất lượng và uy tín của những người được lấy phiếu tín nhiệm mà còn là chuẩn bị tốt cho việc đưa vào quy hoạch nhân sự cho Đại hội Đảng sắp tới.

“Theo tôi, đây là việc làm cần thiết để thực hiện yêu cầu của Đảng.

Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm phần nào nắm bắt được nhân sự hiện tại, từ đó thêm cơ sở để quy hoạch một cách chính xác nhất.

Đây là một trong những kênh thông tin có tính định lượng bên cạnh các thông tin định tính về các nhân sự cấp cao”, ông Cuông phân tích.

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, điều quan trọng là từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư cũng thấy được kết quả hoạt động, uy tín của mình đến đâu.

Từ đó, vị nào được tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao thêm phấn khởi, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa đáp ứng việc tín nhiệm.

Vị nào phiếu thấp cũng phải nghiêm túc xem xét tại sao kết quả lại như vậy để cố gắng hoàn thiện bản thân trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Ông Cuông cũng mong rằng, khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm vị nào có kết quả quá thấp cũng nên sẵn sàng từ chức.

Lấy phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá được uy tín Ủy viên Bộ Chính trị trước Đại hội ảnh 3Vị nào tín nhiệm thấp quá thì từ chức, chúng ta nên sòng phẳng

Bởi nó cũng phù hợp với Quy định nêu gương vừa được Ban Chấp hành Trung ương 8 vừa ban hành.

“Kết quả quá thấp chứng tỏ uy tín cũng vậy.

Lấy phiếu tín nhiệm là để mỗi cá nhân tự xem xét và đồng thời tổ chức cũng thấy được kết quả để xem xét về mặt nhân sự.

Nếu cán bộ nào có kết quả quá thấp thì có thể kết hợp với Quy định nêu gương vừa được ban hành sẽ gương mẫu xin từ chức”, ông Cuông nói.

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, quy định ban hành trong toàn Đảng nhưng cán bộ cấp cao như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư phải nêu gương.

Lấy phiếu tín nhiệm lần này là sau khi có quy định nêu gương, dư luận cũng chờ đợi nó đi vào cuộc sống.

"Người nào uy tín thấp mà dũng cảm từ chức cũng là dấu ấn tạo tiền lệ tốt cho sau này và cho cấp dưới, cho hệ thống", ông Cuông nói.

Đỗ Thơm