Lời cảnh tỉnh nhìn từ bài học của Youtuber Thơ Nguyễn

18/03/2021 07:53
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ sai lầm của Thơ Nguyễn, các youtuber càng phải có ý thức trách nhiệm hơn với những sản phẩm có sự tác động tới trẻ nhỏ.

Xuất hiện trên trang Tiktok của YouTuber nổi tiếng Thơ Nguyễn, đoạn clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh nói chuyện với búp bê (gọi là Kumanthong) uống nước ngọt để xin vía học giỏi cho các em nhỏ đã nhận nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng.

Đa số các bậc phụ huynh đều lo lắng và cho rằng nội dung này có thể gây ảnh hưởng, làm lệch lạc suy nghĩ của con nhỏ.

Trước sự chỉ trích dữ dội của dư luận xã hội, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh sự việc. Theo thông tin trên tờ Lao động, ngày 16/3, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với YouTuber Thơ Nguyễn.(1)

Youtuber Thơ Nguyễn làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương. Ảnh: Báo Lao động

Youtuber Thơ Nguyễn làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương. Ảnh: Báo Lao động

Trước đó, trong một video đăng công khai, Thơ Nguyễn đã gửi lời xin lỗi tới các cơ quan chức năng, các em nhỏ và cộng đồng mạng, đồng thời ẩn các clip trên mạng xã hội, tắt chức năng kiếm tiền trên kênh YouTube của mình.

Kênh YouTube “Chị Thơ Nguyễn” làm những clip ngắn dành cho thiếu nhi với hơn 8,7 triệu người theo dõi. Tuy nhiên gần thời gian bị xử phạt vì clip Kumathong, kênh này cũng bắt đầu xuất hiện các nội dung phản cảm, thậm chí gây nguy hiểm như “Thử nghiệm đun lon nước ngọt” hay “Cho đá khô vào chai nước kín”…

Và, sự phẫn nộ lên cao khi clip Kumathong được đăng tải trên nền tảng mạng xã hội Tik Tok.

Trước lúc nhận ra lỗi lầm của mình, Thơ Nguyễn đã lý giải rất nhiều lỗi khách quan như Tik Tok chỉ cho làm clip 60 giây, hiểu nhầm… Nhưng sau khi nhận ra lỗi lầm, Youtuber Thơ Nguyễn và ê-kíp của đã có những hành động cụ thể hơn. Có thể coi như một cách xử lý chấp nhận được trong lúc khủng hoảng, mà nếu họ nhận ra sớm hơn thì có lẽ sự phản ứng của dư luận xã hội không bị đẩy xa đến thế.

Từ sự cố của Thơ Nguyễn, hẳn là nhiều nhóm xây dựng kênh youtuber tìm kiếm lợi nhuận sẽ phải nghiêm túc đánh giá lại về ý thức, trách nhiệm của một người sáng tạo nội dung dành cho trẻ em.

Làm nội dung và kiếm tiền tiền trên YouTube không có gì sai trái mà ngược lại hoàn toàn chính đáng. Cũng chính kênh video của Thơ Nguyễn cũng đã thực hiện nghĩa vụ thuế đến hơn 2 tỷ đồng. Thế nhưng khi họ thiếu đi sự chính xác, không kiểm soát được giới hạn cho phép thì hệ lụy sẽ ập đến rất nhanh.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, gia đình mà là cả một hệ thống. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, gia đình mà là cả một hệ thống. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Hiện nay mạng xã hội, mạng internet đang phát triển nhanh chóng, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những nội dung phản cảm, không phù hợp với văn hóa, đạo đức xã hội, thậm chí là cổ súy cho những hành vi mê tín dị đoan.

Điều đáng buồn là những nội dung đó lại được rất nhiều người quan tâm, nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ tâm lý sùng tín cùng với nhận thức và ý thức pháp luật của nhiều người còn kém, dẫn đến nhiều người dễ mê tín và lan truyền thông tin sai sự thật.

Trường hợp của youtuber Thơ Nguyễn chỉ là một trong rất nhiều kênh sản xuất nội dung phản cảm bị phát hiện và lên án như kênh của Khá Bảnh, Hưng Vlog…

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dùng mạng xã hội hiện nay chủ yếu là giới trẻ, trong đó có phần nhiều là trẻ em, đây là đối tượng rất dễ bị các thông tin trên mạng tác động tâm lý và ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách.

Càng như vậy, các youtuber kiếm tiền từ sự hiếu kỳ của trẻ em càng phải có ý thức trách nhiệm hơn với những sản phẩm mà mình làm ra, lan truyền những thông tin, hành vi, lối sống tích cực, tránh xa những tin tức “độc hại”, chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi.

Xin lỗi và biết nhận lỗi có thể là một hành động được cho là dũng cảm khi dám đối mặt với sự thật. Nhưng sẽ tốt hơn nếu không phải nói ra những lời xin lỗi ấy.

Bài học của Thơ Nguyễn không chỉ là lời cảnh tỉnh cho các youtuber mà còn là bài học cả với các cơ quan chức năng, bậc cha mẹ học sinh trong việc bảo vệ trẻ em trước tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Sự phát triển của internet khiến mạng xã hội trở thành một phần của cuộc sống, điều tốt nhiều, có thể học hỏi được nhiều, thế nhưng cũng không ít những cạm bẫy xấu độc xuất hiện.

Chỉ một phút lơ là, thiếu ý thức, mọi hậu quả có thể xảy đến.

Nhà văn Harriet Lerner trong cuốn sách Tại sao bạn không xin lỗi? (Why Won’t You Apologize?) đã từng nói: “Con người vốn có tính phòng ngự cố hữu rất khó sửa đổi. Để tự bản thân trực tiếp chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình, thực sự là khó khăn”.

Xin lỗi chính là thừa nhận lỗi lầm của mình, điều này tất nhiên sẽ khiến người ta dễ rơi vào tình trạng cảm thấy yếu đuối, dễ bị tổn thương. Thế nên với bản tính phòng ngự cố hữu người ta tự sinh ra phản xạ chối bỏ, từ chối việc nhận khuyết điểm về mình.

Điều này đặc biệt dễ xảy ra với những người tôn thờ “chủ nghĩa cá nhân”, tự đặt cho mình một chiếc “vòng kim cô” mang tên cái tôi quá lớn.

Không chỉ là câu chuyện xin lỗi của Thơ Nguyễn và ê –kíp của mình, trong vài năm gần đây đã có sự xuất hiện của những lãnh đạo bộ, ngành, chính quyền địa phương công khai xin lỗi dân khi đơn vị hoặc cá nhân mắc sai lầm, khuyết điểm.

Đó có thể coi như một tín hiệu tốt đối với tầng lớp cán bộ trong việc ứng xử với công việc, phục vụ đối với nhân dân.

Những lời xin lỗi đúng chỗ đúng thời điểm đã làm cho dư luận được xoa dịu. Người Việt vốn có đức tính vị tha, khi người làm sai đã có lời, có nhận thức về hành vi chưa đúng, không ai còn cố chấp và cũng chẳng “đánh người chạy lại”.

Thế nhưng, lời “xin lỗi” không đi vào thực chất, không kèm theo hành động cụ thể thì thành ra xin lỗi xuông.

Nhàm chán hơn khi những lời xin lỗi kèm theo rút kinh nghiệm, rồi rút kinh nghiệm sâu sắc… nghe một vài lần còn gật gù hi vọng, chấp nhận nhưng cứ rút mãi kinh nghiệm chẳng thấy thay đổi thành ra nhàm chán hơn.

Xin lỗi rồi, rút kinh nghiệm rồi, để rồi vẫn tiếp tục sai lầm như cũ.

Gần đây, dư luận chú ý đến việc anh Bùi Minh Lý, cựu Bí thư chi đoàn bị tù oan sẽ được Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh xin lỗi công khai tại Ủy ban nhân dân xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (nơi anh Lý cư trú). (2)

Đây cũng có thể coi như một cách nhận thức đúng đắn, nhìn thẳng vào sự thật của những người có trách nhiệm.

Thế nhưng xin lỗi, bồi thường rồi làm gì để khắc phục sai trái không lặp lại? Việc oan sai rồi nhiều năm sau mới xin lỗi, đời người bị oan cũng đã phải chịu quá nhiều đắng cay. Những vụ việc xảy ra với ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén là những bài học điển hình còn đó.

Không thể để cứ nhận lỗi rồi xin lỗi rồi… để đấy. Cần có cơ chế giám sát của tập thể, của nhân dân xem cán bộ đó nhận lỗi và sửa lỗi đến đâu.

Ngay cả câu chuyện của Thơ Nguyễn, sau sự việc, các vị phụ huynh sẽ tăng cường để ý, giám sát con em của mình hơn với các video trên mạng xã hội. Chính những phụ huynh này sẽ giám sát các video của Thơ Nguyễn nếu youtuber này tiếp tục sản xuất video. Cô và ê-kíp của mình thay đổi theo hướng tốt nên, có lẽ sẽ được dư luận chấp nhận.

Điều cốt lõi của việc xin lỗi là phải trung thực, thành thật. Nếu chưa thấy rõ lỗi, nguyên nhân, hậu quả thì chưa nhận lỗi. Đã nhận thì phải sửa đến cùng, đừng qua loa, hình thức.

* Tài liệu tham khảo:

(1) https://laodong.vn/xa-hoi/youtuber-tho-nguyen-bi-xu-phat-75-trieu-dong-889771.ldo

(2) https://vov.vn/phap-luat/se-to-chuc-xin-loi-cuu-bi-thu-chi-doan-bi-tu-oan-o-long-an-842740.vov

Trần Phương