Nghe lén rất nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị

13/08/2015 07:31
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định, hoạt động nghe lén rất nguy hiểm, vì có thể ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị của từng cá nhân.

Vấn đề này được Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt ra khi Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án “Luật an toàn thông tin mạng” chiều 12/8.

Chỉ ra Điều 20, quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân:

Định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp xử lý thông tin cá nhân.

Thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận phản ánh của người dân về vấn đề liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân.

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: “Đây là nội dung quan trọng, nhưng viết như vậy thì quá đơn giản. Thanh tra, kiểm tra phát hiện cái sai thì sửa chữa thế nào, chịu trách nhiệm ra sao? Chỗ lo lắng nhất là nghe lén thông tin cá nhân, mà chỉ định kỳ thanh tra, kiểm tra thế này thì đề nghị phải xem xét lại”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ lo lắng trước việc thông tin cá nhân có thể bị nghe lén. ảnh: lao động
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ lo lắng trước việc thông tin cá nhân có thể bị nghe lén. ảnh: lao động

Ông Sơn cũng nêu ra một thí dụ hết sức thời sự, đó là trường hợp một nhân viên của Mỹ là Snowden chạy sang Nga đã tung tin về chuyện nghe lén thông tin đối với lãnh đạo nhiều quốc gia.

“Ta trước đây chuyện này cũng nhiều, tôi được biết như thế. Nghe không sót ông nào. Cái nghe này rất nguy hiểm, mình nói dài dòng văn tự từ đầu đến cuối, nhưng họ trích cái đoạn nói khác ý của mình là chết, ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị. Tôi rất băn khoăn ở chỗ đó, nói thật với các đồng chí như thế”, Phó Chủ tịch bày tỏ.

Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, các Đại biểu Quốc hội cũng đã đề nghị quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra để bảo vệ thông tin cá nhân.

Nghe lén rất nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị ảnh 2

Trưng cầu ý dân nên xét đến vấn đề miễn nhiệm thành viên Chính phủ

Nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định rõ về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, bảo đảm sử dụng thông tin cá nhân chính xác, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị quy định rõ trách nhiệm của cá nhân khi đưa thông tin lên mạng.

Những hành vi nghe lén thông tin cá nhân được xử lý thế nào? Theo quy định tại Điều 38, Bộ luật Dân sự thì quyền bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ và tôn trọng. Hành vi sử dụng thiết bị nghe lén, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông của tổ chức, cá nhân thuộc một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông quy định tại Điều 12 Luật Viễn thông năm 2009. Người có hành vi vi phạm tùy theo mục đích, tính chất và mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Xử phạt hành chính: Hành vi sử dụng thiết bị nghe lén, nghe trộm có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 (có hiệu lực từ ngày 15/01/2014).

Cụ thể, phạt tiền từ 10/20 triệu đồng với một trong các hành vi như truy nhập trái phép cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng; thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể.

Xử lý hình sự, nếu hành vi nghe lén, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông của những đối tượng này là nguy hiểm cho xã hội, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo những tội danh tương ứng: Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125 BLHS).

Nếu hành vi phạm tội thuộc khoản 1 thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 – 5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1năm. Phạm tội thuộc khoản 2 bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 - 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 - 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm; Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác (Điều 226a BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm và mức cao nhất là 12 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm; Tội gián điệp (Điều 80 BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là 5 năm tù và mức cao nhất là tử hình. Ngoài ra, đối tượng vi phạm nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngọc Quang