Những sai trái trong lập trường, lập luận của Trung Quốc về Trường Sa, Tư Chính

29/08/2019 09:48
Tiến sỹ Trần Công Trục
(GDVN) - Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Phần IV, UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tiếp theo phần 1, "Ông Biển Đông" đánh giá phản ứng của các nước lên án vi phạm của Trung Quốc.

Những nội dung chủ yếu được thể hiện trong lập trường của Trung Quốc cần được làm sáng tỏ

Vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa: Quần đảo Trường Sa của Việt Nam hay của Trung Quốc dưới ánh sáng của Luật pháp Quốc tế?

Bãi cạn Tư Chính có phải là bộ phận cấu thành của “Nam Sa quần đảo” và “vùng biển kế cận”, “vùng biển liên quan” của “Nam Sa quần đảo” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) có phù hợp với UNCLOS 1982 không? Tại sao?

Vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa

Lập trường pháp lý của Việt Nam: Quần đảo Trường Sa, cũng như quần đảo Hoàng Sa là 2 quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình ở 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ (res-nullius) chí ít tà từ thế kỷ VII.

Việc chiếm hữu này là thật sự, rõ ràng, liên tục và hoà bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành, nguyên tắc chiếm hữu thật sự.

Các châu bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ảnh: Báo Nhân dân.
Các châu bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ảnh: Báo Nhân dân.

Trong khi đó, Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm chiếm và tạo ra tình trạng tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với  quần đảo Hoàng Sa vào những năm 1909, 1956, 1974 và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa năm 1946, 1950 (Trung Hoa Dân Quốc) và năm 1988 (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa).

Để biện minh cho sự xâm chiếm bằng vũ lực đó, phía Trung Quốc lập luận rằng Trung Quốc có “chủ quyền lịch sử” đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Tổ tiên người Trung Hoa từ hàng ngàn năm nay trong lịch sử đã phát hiện, khai phá, chiếm hữu, thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này.

Tuy nhiên, theo nhận xét của giáo sư người Trung Quốc Lý Lệnh Hoa thì “chứng cứ đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự.

Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không?

Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta không có được điều đó”.

Giáo sư Lý Lệnh Hoa, ảnh: cn.linkedin.com
Giáo sư Lý Lệnh Hoa, ảnh: cn.linkedin.com

Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu kết luận:

“Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết rằng ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này”.

Mặc dù, còn có rất nhiều những viện dẫn khác nữa khi đánh giá sự đúng sai trong lập trường pháp lý của Trung Quốc và Việt Nam, nhưng chỉ với những nội dung mà chúng tôi nêu một cách tóm tắt nói trên có lẽ cũng đủ để khẳng định rằng Nhà nước Trung Quốc chưa bao giờ chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này một cách rõ ràng, liên tục và hòa bình theo đúng nguyên tắc chiếm hữu thật sự của Luật pháp Quốc tế hiện hành.

Bãi cạn Tư Chính có phải là bộ phận cấu thành của “Nam Sa quần đảo” và “vùng biển kế cận”, “vùng biển liên quan” của “Nam Sa quần đảo” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) có theo quy định của UNCLOS 1982 không?

Khu vực bãi Tư Chính ở trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Qua nghiên cứu, đối chiếu với những quy định của UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, cũng như các tiền lệ pháp, đặc biệt là Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016, khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân…ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý; nếu tính từ các điểm nhô xa nhất của các đảo thuộc quần đảo Côn Đảo, Phú Quý, là những đảo thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và đời sống kinh tế riêng thì khu vực biển này vẫn ở dưới khoảng cách 200 hải lý.

Thôn tính Hoàng Sa, nước cờ đầu tiên của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông
Thôn tính Hoàng Sa, nước cờ đầu tiên của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông

Vì vậy, khu vực bãi cạn Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, chưa tính đến khả năng ranh giới ngoài của thềm lục địa ở đây có thể được mở rộng ra đến giới hạn tối đa 350 hải lý cách đường cơ sở nếu được Tiểu ban ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc xem xét, công nhận.

Vì vậy, tại khu vực này, Việt Nam đã và đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, đã xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK, phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa.

Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam thành đảo nổi và không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.

Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982

Trung Quốc xem khu vực bãi Tư Chính là “một phần của quần đảo Nam Sa và vùng biển liên quan” của Trung Quốc. Lập luận này của Trung Quốc xuất phát từ cơ sở nào, đúng hay sai khi đối chiếu với UNCLOS 1982?

Mọi người đều biết rằng, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn UNCLOS 1982, hơn nữa là một trong những thành viên tích cực của nhóm quốc gia đang phát triển, đã có nhiều đóng góp trong quá trình tham gia Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ 3.

Phán quyết Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử" trong đường 9 đoạn, đồng thời khẳng định không một cấu trúc địa lý nào ở Trường Sa cũng như quần đảo này được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế. Ảnh: PCA.
Phán quyết Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử" trong đường 9 đoạn, đồng thời khẳng định không một cấu trúc địa lý nào ở Trường Sa cũng như quần đảo này được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế. Ảnh: PCA.

Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế trong cuộc tranh chấp địa  chính trị, địa - kinh tế, địa - chiến lược với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã triển khai các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, cũng như các quốc gia ngoài khu vực có quyền và lợi ích liên quan khác, bất chấp Luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Chẳng hạn, Trung Quốc tiếp tục duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” bao lấy trên 90% diện tích Biển Đông và tìm cách hợp thức hóa yêu sách phi lý này bằng lập luận ngụy biện rằng:

Đây là biên giới biển do lịch sử để lại, xuất hiện trước khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, vì vậy nó không chịu tác động bởi UNCLOS 1982.

Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở vùng biển nằm trong đường biên giới này.

Hơn nữa, Trung Quốc có chủ quyền đối với “Tứ Sa” ở giữa Biển Đông (bao gồm Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), Đông Sa (Pratas) và Trung Sa (vùng bãi cạn Macclesfield).

Vì vậy, “theo UNCLOS 1982” Trung Quốc quyền mở rộng  phạm vi các “vùng biển có liên quan” của Tứ Sa ra đến biên giới biển theo đường chữ U.

Ta có nhiều bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Ta có nhiều bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa 

Lập luận nói trên của Trung Quốc, nếu theo thuật ngữ pháp lý thì có thể được gọi là sự “giải thích và áp dụng” quy định của UNCLOS 1982.

Nhưng, sự “giải thích và áp dụng” này là hoàn toàn sai trái, là sự ngụy biện mà nhiều người cho rằng Trung Quốc đang muốn viết lại Luật Biển quốc tế có lợi cho họ.

Chúng tôi xin vạch rõ tính ngụy biện trong cách “giải thích và áp dụng” UNCLOS 1982 của Trung Quốc như sau:

Thứ nhất: “biên giới do lịch sử” để lại và “quyền lịch sử”.

Theo UNCLOS 1982, một quốc gia khi đã trở thành thành viên chính thức thì phải tuyệt đối tuân thủ và phải sửa đổi tất cả các quy định đã ban hành trước khi có Công ước, nếu chúng không phù hợp với các quy định của Công ước.

Nếu không hủy bỏ và sửa đổi thì sẽ không có hiệu lực thi hành đối với các quốc gia thành viên khác.

“Các quốc gia thành viên” (Etats Parties) là những quốc gia đã chấp nhận sự ràng buộc của Công ước và Công ước có hiệu lực đối với các quốc gia đó và “Công ước được áp dụng mulatis mutandis (với những thay đổi cần thiết về chi tiết) cho những thực thể nói trong Điều 305 khoản 1, điểm b, c, d, e và f đã trở thành thành viên của Công ước, theo đúng với các điều kiện liên quan đến từng thực thể; trong giới hạn đó, thuật ngữ “quốc gia thành viên” cũng dùng để chỉ những thực thể này”.

Trong quá trình tiến hành Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ 3, các đoàn đại biểu đã thảo luận về việc có nên đưa khái niệm “quyền lịch sử” đối với các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế không, cuối cùng khái niệm này đã bị gạt ra khỏi các quy định tại Phần V, từ Điều 55 đến Điều 75.

Hoạt động khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Nam của Việt Nam hoàn toàn hợp pháp, ảnh minh họa: VietnamNews.
Hoạt động khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Nam của Việt Nam hoàn toàn hợp pháp, ảnh minh họa: VietnamNews.

Trong Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Haye 12/7/2016, Hội đồng Trọng tài cũng đã bác bỏ “quyền lịch sử đối với tài nguyên” trong vùng biên đường “lưỡi bò”của Trung Quốc.

Thứ 2: Vấn đề hiệu lực của các thực thể địa lý ở giữa Biển Đông trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa.

Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 1998, vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo. Phần IV, Điều 46 đã định nghĩa:

“Quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa.

“Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

Điều 47 đã quy định: Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1…

Phần IV, không có Điều khoản nào quy định phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo không phải là quốc gia quần đảo.

Trung Quốc âm mưu thôn tính Hoàng Sa từ Hội nghị Geneva 1954?
Trung Quốc âm mưu thôn tính Hoàng Sa từ Hội nghị Geneva 1954?

Vì vậy, quốc gia lục địa có chủ quyền phải vạch đường cơ sở cho từng thực thể địa lý của quần đảo để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho từng thực thể địa lý đó.

Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Phần IV, UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng được tại các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông.

Từ cách xác lập hệ thống đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có quyền xác định các “vùng biển liên quan” của các quần đảo ở giữa Biển Đông có chiều rộng đến 200 hải lý.

Đây là một sai phạm tiếp theo sai phạm nói trên. Bởi vì,theo quy định của UNCLOS 1982, tại Phần VIII, Điều 121 quy định:

1. “Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”.

2. “Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác”.

3. “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.”

Theo Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thì tất các đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và không có đời sống kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý.  

Như vậy, các bãi cạn ở cách bờ biển của các quốc gia ven Biển Đông không quá 200 hải lý không phải là bộ phận của quần đảo Trường Sa; bởi vì chúng là những bãi ngầm, bãi cạn ở  xa và bị ngăn cách quần đảo này bởi các rãnh sâu, không thể tạo thành một thể thống nhất về địa lý, địa chất, không gắn kết về kinh tế, lịch sử để tạo thành một thể thống nhất của quần đảo.

Theo đó, bãi Tư Chính không thể là một bộ phận của quần đảo Trường Sa và vùng biển bãi Tư Chính không được coi là “vùng biển phụ cận”, “vùng biển liên quan” của quần đảo này.

Còn nữa.

Tiến sỹ Trần Công Trục