Ông Cao Văn Sơn nói gì về vụ việc tranh chấp tại Kenanga Việt Nam?

04/10/2018 06:52
Trần Phương
(GDVN) - Ông Cao Văn Sơn phủ nhận có cuộc họp hội đồng quản trị ngày 25/3/2013 và cho rằng mình không có tranh chấp nào đối với các đối tác Malaysia

Bài trước

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa trong bài Hành trình 5 năm tuyệt vọng đi đòi con dấu của doanh nhân Malaysia trên đất Việt, việc tranh chấp của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam cho thấy sự việc có nhiều diễn biến phức tạp và kéo dài.

Dù ông Wee Kim Hong và Tập đoàn K&N Kenanga Holdings Berhad (Malaysia) - cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam gửi nhiều văn bản, kiến nghị và cả đơn kiện đến các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Để tìm hiểu khách quan vụ việc, ngày 01/10, phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Cao Văn Sơn và đại diện Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam.

Người trực tiếp làm việc với phóng viên là bà Nguyễn Thị Thanh Bình, bà Bình xưng mình là Phó Tổng giám đốc Công ty . Bà Bình không nằm trong Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam.

Các loại giấy tờ mà bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng Giám đốc công ty cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam cung cấp cho phóng viên. (Ảnh: LC)
Các loại giấy tờ mà bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng Giám đốc công ty cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam cung cấp cho phóng viên. (Ảnh: LC)

Tại buổi làm việc, bà Bình cho biết: “Công ty sẽ không nói hoặc bình luận nhiều về vụ việc, trước mắt công ty sẽ cung cấp cho báo một số giấy tờ để chứng minh ông Sơn vẫn đang là Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của công ty mình”.

Cũng theo bà Bình, “Vì chẳng có một cơ sở pháp lý nào để bên mình bình luận hay nhắc đến vấn đề đó”.

Theo giấy tờ mà bà Bình cung cấp cho phóng viên có bản photocopy Giấy phép điều chỉnh số 73/GPDC-UBCK ngày 13/02/2012 của Ủy ban chúng khoán nhà nước.

Theo Giấy phép điều chỉnh Người đại diện pháp luật với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam là ông Cao Văn Sơn (Trú tại số Nguyễn Quang Bích, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Giấy phép do ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước ký.

Đi kèm với Giấy phép điều chỉnh, bà Bình còn cung cấp văn bản số 222/C64-P2 của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội (thời điểm bộ công an chưa điều chỉnh-PV), ngày 19/2/2014 Về việc con dấu của Công ty cổ phần chứng khoán Kennanga Việt Nam.

Theo văn bản này, Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thông báo cho ông Wee Kim Hong về việc Cục này khi đó nhận thấy không có cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết vấn đề con dấu của Công ty cổ phần chứng khoán Kennaga Việt Nam theo đề nghị của ông Wee Kim Hong.

Cũng theo văn bản, con dấu của Công ty được giao cho Phòng hành chính bảo quản, đóng dấu tại trụ sở Công ty số 2D Đường Thành, phường Cửa Đông, quận Cầu Giấy (Trích nguyên văn bản – PV), Thành phố Hà Nội. Văn bản do Cục trưởng, Thiếu tường Phạm Thanh Đàm ký.

Với hai văn bản này, bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho rằng đây là cơ sở pháp lý của Công ty cổ phần chứng khoán Kenanga và vụ việc của ông Wee Kim Hong công ty không có bình luận gì thêm.

Nói về cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 25/3/2013, ông Cao Văn Sơn cho biết: “Chả có cuộc họp nào cả. Các ông ấy cứ tự bịa ra ấy chứ. Ai họp với các ông ấy”.

Không thống nhất được nội bộ, Kenanga Việt Nam nhiều năm rơi vào tình trạng gần như không hoạt động. (Ảnh: LC)
Không thống nhất được nội bộ, Kenanga Việt Nam nhiều năm rơi vào tình trạng gần như không hoạt động. (Ảnh: LC)

Cũng theo ông Sơn, trong quá trình điều hành, ông cũng đã nhiều lần triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị nhưng đối tác Malaisia không tham dự. Ông Sơn cho rằng việc này rất mất thì giờ.

Nói về việc hoạt động của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam ông Cao Văn Sơn cho biết: “Việc cứ cãi nhau như vậy nên công ty không thể hoạt động được. Hiện nay chúng tôi làm việc khác chứ còn công ty đó (Kenanga Việt Nam- PV) cứ để khi nào nó chết thì nó chết”.

Nói về thiệt hại, ông Sơn cho biết: “Chúng tớ cũng mất nhiều tiền, cũng thiệt hại nhưng nó như thế thì biết làm thế nào được. Người ta làm ăn đoàn kết với nhau còn mình đây suốt ngày đi cãi nhau. Nó cứ trách cái chức đấy để làm cái gì”.

Chính vì không thống nhất được nên không dám hoạt động gì cả. Ông Sơn cho rằng bây giờ cũng chẳng biết làm thế nào cả.

Về phía ông Wee Kim Hong, ông Hong cho biết mình vẫn tin tưởng vào pháp luật của Việt Nam trong việc trợ giúp pháp lý đối với ông và Công ty cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam.

Ông Hong cũng mong muốn mọi việc được giải quyết nhanh chóng để Công ty có thể hoạt động trở lại.

Bài tới: Vì sao vụ việc được đưa lên Viện kiểm sát nhưng vẫn bế tắc?

Trần Phương