Ông Putin rất sùng bái Peter đại đế, quyết phát triển sức mạnh quân sự

26/02/2014 05:36
Việt Dũng
(GDVN) - Xây dựng quân đội mạnh là một bộ phận hữu cơ trong kế hoạch phục hưng nước Nga của Tổng thống Nga Putin, có thể tái hiện thời kỳ huy hoàng trước đây.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga tung bay trên bầu trời
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga tung bay trên bầu trời

Ngày 12 tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Tổng tư lệnh Không quân Nga Bondalev, chủ tịch Công ty Sukhoi Pogosyan đích thân tới nhà máy chế tạo máy bay Komsomolsk-on-Amur, tham gia lễ bàn giao 12 máy bay chiến đấu Su-35S phiên bản sản xuất hàng loại cho Không quân Nga.

Là một phần của hợp đồng mua 48 máy bay chiến đấu Su-35S, 12 máy bay chiến đấu Su-27SM và 4 máy bay chiến đấu Su-30MK2 ký giữa Bộ Quốc phòng Nga và Công ty Sukhoi vào năm 2009, Không quân Nga hiện đã tiếp nhận 34 máy bay chiến đấu Su-35S.

Quá trình Nga nghiên cứu phát triển, mua sắm, trang bị máy bay chiến đấu Su-35S phần nào đã phản ánh những thành tựu và thách thức trong xây dựng quân bị của Nga những năm gần đây.

Su-35 từng 2 lần xuất hiện trong lịch sử

Trên thực tế, cái tên Su-35 từng được 2 lần sử dụng trong lịch sử của Cục thiết kế Sukhoi, vì vậy thường dễ bị lẫn lộn.

Lần thứ nhất là tên không chính thức của máy bay chiến đấu Su-27M được nghiên cứu chế tạo vào thập niên 80 thế kỷ trước, nó là phiên bản nâng cấp mạnh của Su-27 phiên bản nền tảng, thực chất là lần đầu tiên thử nghiệm cải tạo máy bay chặn đánh thành máy bay chiến đấu đa năng.

Biên đội máy bay chiến đấu Su-27SM Nga
Biên đội máy bay chiến đấu Su-27SM Nga

Sau khi bay thử vào năm 1988, vào đầu thập niên 1990 đã tiến hành cải tiến, nhưng sau đó Nga gặp khó khăn về tài chính quốc phòng, đơn đặt hàng quốc phòng bị đóng băng lâu dài, Cục thiết kế Sukhoi bắt tay thực hiện nhiệm vụ có triển vọng hơn – đó là nâng cấp máy bay chiến đấu Su-27 hiện có thành Su-27SM, sản xuất Su-27 phiên bản cải tiến cho khách hàng nước ngoài, hoàn thiện phiên bản xuất khẩu Su-30MK, do đó việc nghiên cứu phát triển Su-35 cơ bản đình trệ.

“Su-35 cũ” tuy không có phiên bản cuối cùng đưa vào hoạt động, nhưng đã đặt nền tảng công nghệ cho Nga nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu Su-30, Su-37 sau này.

Sau gần 10 năm, Sukhoi đã sử dụng lại tên Su-35, máy bay chiến đấu Su-35 mới lắp động cơ mới bay thử ở sân bay Ramenskoye, Viện bay thử quốc gia Gromov vào tháng 2 năm 2008.

Ngoài việc cùng có nguồn gốc từ Su-27, nó và "Su-35 cũ" hầu như không có liên quan gì. Ban đầu, máy bay này từng tạm thời bị gọi là Su-35BM, sau khi Không quân Nga quan tâm đến nó, Sukhoi đã đưa ra phiên bản Su-35S, cho thấy loại sản phẩm này chủ yếu dùng để đáp ứng nhu cầu của Bộ Quốc phòng Nga.

Ngoài việc sử dụng lại tên, quá trình mua Su-35S của Nga cũng tương đối đặc biệt. Nói đại khái, sau khi máy bay chiến đấu sản xuất hàng loạt xuất xưởng, do quân đội trực tiếp tiếp nhận, còn quy trình trang bị Su-35S là:

trước tiên do nhà máy thử nghiệm, rồi tiến hành thử nghiệp liên hợp tại Trung tâm thử nghiệm quốc gia, sau mỗi giai đoạn thử nghiệm đều sẽ cải tiến phù hợp, sau khi hoàn thành thử nghiệm quốc gia thì chính thức biên chế.

Máy bay chiến đấu tàng hình T-50 Nga
Máy bay chiến đấu tàng hình T-50 Nga

Chẳng hạn, ngày 12 tháng 2 năm 2014, Quân đội Nga tiếp nhận 2 máy bay chiến đấu Su-35S hoàn toàn mới được đánh số là 05, 06, chúng phải bay đến Trung tâm thử nghiệm quốc gia 929 ở Akhtubinsk tiến hành thử nghiệm, trước đó máy bay Su-35S số hiệu 07, 09, 11 và 12 hoàn thành thử nghiệm ở trung tâm đã quay trở lại nhà máy tiến hành cải tiến, đợi sau khi hoàn thành cải tiến mới thực sự bàn giao cho quân đội sử dụng.

Sự lặp lại tên gọi và phức tạp của trình tự tiếp nhận một mặt phản ánh những khó khăn gặp phải trong nghiên cứu phát triển quân bị trong tình hình căng thẳng chi tiêu quân sự của Quân đội Nga trong thế kỷ trước; mặt khác cũng phản ánh những năm gần đây Quân đội Nga đẩy nhanh tốc độ đổi mới trang bị sau khi tăng mạnh chi tiêu quân sự, đồng thời bộc lộ vấn đề tồn tại của hệ thống công nghiệp quân sự Nga có bất ổn - mặc dù là máy bay phiên bản sản xuất hàng loạt bàn giao cho Không quân Nga sử dụng, cũng cần phải tiến hành kiểm tra và cải tiến nhiều lần mới có thể thực sự trang bị cho quân đội.

Tọa độ quan trọng của "bước nhảy lớn về trang bị"

Tháng 3 năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục phát biểu trước quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng và Quân đội Nga, yêu cầu Quân đội thực hiện nâng cấp quân bị trong 3 năm tới, theo đó chính là "bước nhảy lớn về trang bị" nhanh, mạnh hơn trong giai đoạn 2014-2017.

Việc trang bị hàng loạt máy bay chiến đấu Su-35S chính là một tọa độ quan trọng trong "bước nhảy lớn trang bị" sau cải cách "diện mạo mới" của Quân đội Nga.

Ông Vladimir Putin khi Không quân Nga tròn 100 tuổi
Ông Vladimir Putin khi Không quân Nga tròn 100 tuổi

"Cho tôi 20 năm, đem lại cho bạn một nước Nga kỳ tích". Trong tư tưởng trị quốc của Putin, tư tưởng xây dựng quân đội mạnh chưa từng là một khái niệm tồn tại độc lập, mà là một bộ phận hữu cơ của kế hoạch phục hưng nước Nga.

Từ khi Putin bắt đầu lên làm Tổng thống Nga vào năm 2000, ông đã khởi động tiến trình cải cách Quân đội Nga, chỉnh đốn công nghiệp quân sự Nga.

Khi ông bắt đầu lên nhậm chức đã đưa ra "Học thuyết quân sự" và "Tư tưởng an ninh quốc gia" mới. Ngoài cải cách quân đội, Nga còn tiến hành cải tổ lớn đối với các doanh nghiệp quân sự quan trọng như hàng không, vũ trụ, binh khí.

Ngày 7 tháng 5 năm 2012, ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống mới, ông Putin đã ký lệnh Tổng thống về xây dựng quân đội và hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, khẳng định phải đổi mới trang bị quy mô lớn cho quân đội, cải cách hệ thống đặt hàng quốc phòng, chấn hưng lại công nghiệp quốc phòng - ngành công nghiệp từng rất huy hoàng.

Ngoài thúc đẩy mạnh mẽ ở cấp lãnh đạo tối cao, sự chuyển biến tốt của tình hình kinh tế cũng đã đem lại động lực mạnh mẽ cho sự phục hưng của Quân đội Nga, đặc biệt là mua sắm trang bị mới.

Tên lửa chiến lược Topol-M Nga
Tên lửa chiến lược Topol-M Nga

Sau năm 2009, chiến sự bên trong và bên ngoài nước Nga cơ bản lắng xuống, sự tăng trưởng nhanh chóng của nền  kinh tế thúc đẩy tiếp tục tăng mạnh chi tiêu quân sự, giúp cho đổi mới trang bị thông thường của Quân đội Nga có khởi sắc lớn.

Chính trong bối cảnh như vậy, máy bay chiến đấu Su-35S có quá trình nghiên cứu phát triển gần mười năm đã trở thành một sự lựa chọn duy nhất để đổi mới máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Nga.

Theo báo chí Nga, tăng trưởng chi tiêu quốc phòng năm 2014 của Nga sẽ gần 20%, tỷ trọng chi tiêu quân sự trong ngân sách tài chính quốc gia và GDP cũng tăng lên.

Trong đó, chi tiêu xây dựng trang bị của Quân đội Nga lớn hơn năm trước: kim ngạch mua sắm quốc phòng năm 2014 của Bộ Quốc phòng Nga trên 1.500 tỷ rúp, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 1.500 tỷ rúp này, trên 60% dùng để mua vũ khí trang bị mới, số tiền còn lại một nửa cùng để nghiên cứu phát triển trng bị mới, một nửa dùng để sửa chữa, cải tiến trang bị hiện có. Ở một ý nghĩa nào đó, năm 2014 có thể được coi là "năm mở đầu" cho "bước nhảy lớn trang bị" của Quân đội Nga.

Không che giấu được khó khăn của công nghiệp quân sự

Trải qua đầu tư lớn liên tục nhiều năm, việc xây dựng quân bị của Nga đã giành được thành quả to lớn. Ngày 20 tháng 11 năm 2013, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Borisov cho biết, cuối năm 2013, trang bị kỹ thuật mới của Lực lượng hạt nhân chiến lược Nga sẽ đạt khoảng 40%, trang bị hiện đại hóa Không quân sẽ đạt 42%, Hải quân đạt 50%, Lực lượng phòng thủ trên không-vũ trụ sẽ đạt 50%. Lục quân do có rất nhiều chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới chỉ có thể đạt 17%.

Hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 Nga, tầm bắn tối đa 400 km
Hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 Nga, tầm bắn tối đa 400 km

Ông Borisov cho biết, về tổng thể, vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại hóa của Quân đội Nga đến cuối năm 2015 phải đạt 30%, đến năm 2020 ít nhất đạt 70%, trên một số phương diện đạt 100%.

Thành quả đương nhiên khả quan, nhưng hệ thống công nghiệp quốc phòng Nga bộc lộ những vấn đề không thể coi thường.

Từ trang bị Su-35S lần này, chúng ta có thể thấy được tình cảnh khó khăn của công nghiệp hàng không Nga.

Su-35S đã trang bị vẫn cần cải tiến nhiều lần giữa trung tâm bay thử và doanh nghiệp sản xuất mới có thể đưa vào hoạt động cuối cùng. Trên thực tế, đối mặt với vấn đề này không chỉ có Su-35S.

Sau khi Liên Xô tan rã, do đơn đặt hàng thương mại quân sự tiếp tục giảm, các doanh nghiệp sản xuất như trang bị mặt đất, tàu chiến mặt nước của công nghiệp quân sự Nga bị "trọng thương", kể cả các doanh nghiệp hàng không được lợi từ xuất khẩu máy bay chiến đấu cũng bị tổn thất nghiêm trọng.

Phó trưởng phòng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Khoa học Nga Sorokin cho rằng, hiện nay, trang bị kỹ thuật của các doanh nghiệp chế tạo cơ khí Nga đã hoạt động phổ biến trên 25 năm, trong khi đó, thời gian hoạt động của tất cả trang bị kỹ thuật Nga đã đạt 16 - 35 năm.

Chất lượng giảm đi, giá cả tăng lên, hợp đồng kéo dài đã trở thành hiện tượng phổ biến hiện nay của công nghiệp quân sự Nga, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ưu thế cạnh tranh của vũ khí Nga trên thị trường thương mại vũ khí toàn cầu.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Yuri Dolgoruky lớp Borey Nga
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Yuri Dolgoruky lớp Borey Nga

Trong tình hình này, năm 2014, công tác đổi mới trang bị của Quân đội Nga cũng hoàn toàn không phải luôn thuận lợi, vấn đề quan trọng hàng đầu chính là tất cả hợp đồng của kế hoạch mua sắm quốc phòng phải chăng được ký kết đúng thời gian và được thực hiện hoàn toàn.

Năm 2013, tuy có sự giám sát của cấp cao chính trị, quân sự Nga, hợp đồng mua sắm đã xác định hầu như 100% được ký kết, nhưng cuối cùng thực hiện được khoảng 91 - 96%.

Trên thực tế, 12 máy bay Su-35S bàn giao mới lần này theo kế hoạch phải bàn giao cho Không quân Nga vào năm 2013, nhưng phát hiện đã một số khuyết điểm nhỏ, vì vậy đã bị kéo dài tới năm 2014.

Sự hỗ trợ về kinh tế là quan trọng

Ngoài nhân tố không xác định - công nghiệp quân sự phải chăng nhanh chóng được phục hưng, thì kinh tế Nga phải chăng tiếp tục tiếp sức cũng đã đặt ra một câu hỏi cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng quân bị của Quân đội Nga.

Bắt đầu từ năm 2000, GDP Nga xuất hiện tình hình tăng trưởng, nhưng do trình độ công nghiệp sau Chiến tranh Lạnh đã giảm đi, Nga chủ yếu xuất khẩu năng lượng và khoáng sản cho nước ngoài, vì vậy khả năng độc lập trong phát triển của kinh tế Nga tương đối yếu.

Năm 2007, giá dầu thô từng lên tới mức 140 USD/thùng, giúp Nga được lợi rất lớn, nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 giá dầu thô trượt xuống còn 70 USD/thùng, khiến cho GDP của Nga năm 2009 giảm 7,8%.

Tàu khu trục Admiral Panteleyev lớp Udaloy Nga
Tàu khu trục Admiral Panteleyev lớp Udaloy Nga

Tuy kinh tế Nga từ năm 2010-2012 tăng trưởng 3 - 4%, nhưng do kinh tế Nga đã rơi sâu vào "căn bệnh Hà Lan" phát triển quá mức về công nghiệp nguyên vật liệu và năng lượng, khó có thể thoát khỏi mô hình phát triển phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu năng lượng, vì vậy tăng trưởng kinh tế năm 2013 lại rơi vào tình hình khó khăn.

Căn cứ vào báo cáo chi tiêu quân sự các nước trên thế giới do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm công bố năm 2014, chi tiêu quân sự Nga đứng vị trí thứ ba thế giới, đạt 68,2 tỷ USD, nhưng xu thế này có tiếp tục hay không còn bị dư luận nghi ngờ.

Nga đất rộng của nhiều, loại của cải phong phú này không những giúp cho nền kinh tế Nga được lợi, mà còn giúp cho Nga đã có một sự tự tin "bàng quan" trên sân khấu chính trị quốc tế.

Ông Putin rất sùng bái Peter đại đế, từ uy tín to lớn của Putin ở nước Nga và quyết tâm kiên định phát triển sức mạnh quân sự của Nga có thể thấy, sự trỗi dậy tiếp tục của Quân đội Nga là điều có thể trông đợi.

Nước giàu mới có thể xây dựng quân đội mạnh, không có sự phát triển kinh tế đất nước, xây dựng quân đội rất khó phát triển, xây dựng quân đội chỉ có phối hợp phát triển với xây dựng kinh tế đất nước mới là sự phát triển hợp lý nhất.

Radar cảnh báo tên lửa Voronezh Nga
Radar cảnh báo tên lửa Voronezh Nga

Quan sát lịch sử phát triển Quân đội Nga sau khi Liên Xô tan rã, mỗi điểm nút trắc trở và thịnh vượng của họ đều có liên quan chặt chẽ tới tình hình kinh tế của quốc gia.

Mặc dù trở lực hiện đại hóa quân sự của Nga rất nhiều, nhưng kế hoạch xây dựng quân đội mạnh do ông Putin đưa ra đã có sự khởi đầu tốt đẹp, chi tiêu quân sự của Nga vẫn duy trì xu thế tăng trưởng ổn định, nếu xu thế này được tiếp tục, một đội quân hiện đại hóa tinh nhuệ, hiệu quả, tương xứng với vị thế quốc tế của Nga xuất hiện trước thế giới có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Việt Dũng