Trình độ lao động của Việt Nam đang đứng ở đâu trên thế giới?

04/01/2020 06:30
Trần Phương
(GDVN) - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân đánh giá số lao động qua đào tạo không tương xứng với vị trí về dân số đứng thứ 3 ASEAN của Việt Nam

Chất lượng nhân lực là tổng thể năng lực về trí tuệ, thể lực, tâm lực và khí chất trong mối tương quan với khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển bản thân con người và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiêu chí đánh giá chất lượng nhân lực ở mức cao hay thấp, đáp ứng yêu cầu phát triển nhiều hay ít đều phải căn cứ vào những mục tiêu cần đạt được và mức độ đáp ứng nhu cầu nhân lực của từng vùng lãnh thổ hay quốc gia trong bối cảnh cụ thể.

Tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Theo đánh giá, sau gần 10 năm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế cả trong cơ cấu và chất lượng lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân đánh giá số lao động qua đào tạo ở Việt Nam không tương xứng với con số về dân số đứng thứ 3 ASEAN của Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân đánh giá số lao động qua đào tạo ở Việt Nam không tương xứng với con số về dân số đứng thứ 3 ASEAN của Việt Nam

Nói về sự chuyển biến về cơ cấu lao động, trình độ lao động Việt Nam đã và đang chuyển mình ra sao, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Lê Quân cho biết:

“Số liệu của Tổng cục Thống kê, Quý II/2019, dân số nước ta đạt 96,2 triệu người,trong đó dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%).

Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, tụt 2 bậc so với cách đây 10 năm, và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II năm 2019 ước tính là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57.65%).

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 76,21%”.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Lê Quân, từ những con số thống kê cụ thể cho thấy lực lượng lao động của Việt Nam khá dồi dào, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước.

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động đã có những cải thiện nhất định song nhìn chung chất lượng cung lao động còn thấp.

Cụ thể, Thứ trưởng Lê Quân đã viện dẫn, số liệu của Tổng cục Thống kê, Quý II/2019 lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 22,37% (lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82 %; cao đẳng chiếm 3,82%; trung cấp chiếm 4,65% và sơ cấp chiếm 3,08% trong tổng lực lượng lao động).

Số lượng lao động đã qua đào tạo chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, trong khi nhiều nước, tỷ lệ đào tạo của lao động đã đạt trên 50%.

Con số này không tương xứng với con số về dân số đứng thứ 3 ASEAN của Việt Nam, chỉ sau Indonesia và Philipines.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Quý II/2019, số lượng có việc làm là 54,36 triệu người, tăng 38,78 nghìn người (0,07%) so với quý I/2019.

Ba ngành có số lao động tăng nhiều nhất so với Quý I/2019 và cùng kỳ năm 2018 là “Công nghiệp chế biến, chế tạo”, “Xây dựng” và “Dịch vụ lưu trú và ăn uống”. Ngành có số lao động giảm nhiều nhất là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Rà soát, xác định rõ đối tượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Rà soát, xác định rõ đối tượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao

Số lượng người trong độ tuổi thất nghiệp đến hết quý II/2019, cả nước có 1.054 nghìn người (giảm 4,82 nghìn người so với quý I/2019).

Đây là quý thứ tư liên tiếp có số lượng người thất nghiệp giảm, tính từ quý 3/2018. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,16%, thấp hơn so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Thất nghiệp tăng ở nhóm có trình độ “đại học” nhưng giảm ở nhóm có trình độ “cao đẳng”  “trung cấp”, “sơ cấp”.

Số người thất nghiệp ở trình độ “đại học” là 160,5 nghìn người (chiếm 2,73% và tăng 0,26 điểm phần trăm so với quý 2/2018). Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm “cao đẳng” là 68,7 nghìn người (chiếm 3,35%, giảm 0,47 điểm phần trăm so với quý 2/2018), tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm “trung cấp” là 49,6 nghìn người (chiếm 2,12%, giảm 0,45 điểm phần trăm so với quý 2/2018). Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm “sơ cấp” là 16,8 nghìn người (chiếm 1,03%, giảm 0,28 điểm phần trăm so với quý 2/2018).

Nhân lực chất lượng cao là một trong những trụ cột bao quát các yếu tố kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: tuuyengiao.vn
Nhân lực chất lượng cao là một trong những trụ cột bao quát các yếu tố kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: tuuyengiao.vn

Đánh giá về cơ cấu lao động tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho rằng:

“Cơ cấu lao động theo bằng cấp, có thể nói Việt Nam đang thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao đẳng và trung cấp.

Hay nói cách khác, Việt Nam đang thừa một lượng lớn lao động trình độ cao (từ đại học trở lên), điều này phản ánh mức độ trầm trọng của thực trạng "thừa thầy thiếu thợ "và sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, cơ cấu lực lượng lao động của Việt Nam hiện chưa hợp lý với gần 40% lực lượng lao động đang làm việc ở khu vực nông thôn.

Học sinh theo học các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành Sức khỏe và Đào tạo nhà giáo vẫn cao (nhóm ngành Sức khỏe chiếm 35,8%; nhóm ngành Đào tạo nhà giáo chiếm 20,1%).

Trong khi một số ngành xã hội cần nhiều nhân lực sử dụng lao động qua đào tạo trung cấp như nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật số học sinh nhập học năm 2018 chỉ chiếm 10,9%”.

Năm 2019, WEF xếp hạng 141 nền kinh tế (chiếm 99% GDP thế giới) qua 103 chỉ số được nhóm thành 12 trụ cột (GCI 2018 bao gồm 98 chỉ số).

Các trụ cột bao quát các yếu tố kinh tế - xã hội như thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, mức độ năng động trong kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo.

Bảng xếp hạng này cho thấy, năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam đã cải thiện vượt trội, song vẫn còn nhiều thách thức.

Năm 2019, Việt Nam tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67).

Trần Phương