Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay nhiều trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội triển khai giảng dạy chương trình tiếng Anh liên kết với các trung tâm, ví dụ như tiếng Anh Toán, tiếng Anh làm quen - bổ trợ, tiếng Anh khoa học...
Trong khi đó, các em vẫn học chương trình tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bức xúc. Nhiều phụ huynh thành thật chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, họ đăng ký tự nguyện học để tránh con phải xuống thư viện ngồi khi các bạn học tiếng Anh liên kết, hoặc phải bố trí để đi đón con về sớm.
Liên quan đến nội dung trên, phóng viên đã tìm hiểu việc giảng dạy chương trình tiếng Anh liên kết tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), nhiều trường trên quận này triển khai 3 chương trình tiếng Anh liên kết gồm: Chương trình tiếng Anh BME - KIDs, Chương trình tiếng Anh Toán và Chương trình bổ trợ tiếng Anh tích hợp STEM Robotics.
Chị N.T.H (phụ huynh trường Tiểu học Vĩnh Hưng) cho biết, năm nay bé út nhà chị vào lớp 1 và nhà trường có 3 chương trình tiếng Anh liên kết để phụ huynh đăng ký cho con học, gồm tiếng Anh BME - KIDs; Tiếng Anh Toán và bổ trợ tiếng Anh tích hợp STEM Robotics là của một đơn vị khác. Trong đó, tiếng Anh tích hợp STEM Robotics năm nay lần đầu được triển khai với học sinh lớp 1.
Phiếu đăng ký tham gia chương trình tại nhà trường năm học 2023-2024. Nguyên tiếng Anh có đến 3 chương trình liên kết gồm: Chương trình tiếng Anh BME - KIDs, Chương trình tiếng Anh Toán và Chương trình bổ trợ tiếng Anh tích hợp STEM Robotics. (Ảnh: PHCC) |
Theo chị H., gia đình chị đã rất băn khoăn khi đăng ký cho con chị học các chương trình tiếng Anh liên kết.
"Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác băn khoăn vì các con đọc, viết còn chưa thông thạo, mà lại học tiếng Anh sớm vậy thì có thực sự hiệu quả. Quan trọng, học các chương trình này có lấy gì để đánh giá là có hiệu quả với các con?", chị H. cho hay.
Chị H. cho biết thêm, gia đình chị còn có một bé đang học lớp 5 tại trường Tiểu học Vĩnh Hưng, trước đây gia đình từng có ý định không đăng ký cho con học Tiếng Anh liên kết nhưng gặp phải thái độ không ổn của giáo viên. Sau đó, chị buộc phải đăng ký chương trình tiếng Anh Toán cho con. Dù thâm tâm, chị cũng chẳng biết con học được gì từ lớp này.
Trường Tiểu học Vĩnh Hưng. Ảnh minh họa: NP |
Đúng như chị băn khoăn, trải qua một học kỳ, rồi đến cả năm học, chị nhận thấy sách giáo khoa tiếng Anh liên kết của con vẫn mới như nguyên do con ít phải làm bài tập.
Từ những bất cập trên, vị phụ huynh cho rằng, việc các con học nhiều chương trình tiếng Anh như vậy sẽ khiến các con phải chịu nhiều áp lực, không có thời gian để vui chơi. Trong khi đó, bố mẹ bận công việc, không có thời gian kèm cặp các con. Theo chị, học sinh khối Tiểu học chỉ cần học chương trình tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đủ.
"Việc nhà trường sử dụng cơ sở vật chất công liên kết với các trung tâm, công ty, cũng khiến phụ huynh đặt dấu hỏi, phải chăng nhà trường được hưởng phần trăm hoa hồng từ đơn vị liên kết nên mới tích cực đưa đến 3 chương trình liên kết vào dạy", phụ huynh băn khoăn.
Chị V.T.P (có con đang học lớp 5 tại trường Tiểu học Vĩnh Hưng) cung cấp cho phóng viên thời khóa biểu của con chị. Theo đó, chương trình giảng dạy các môn tiếng Anh liên kết được xếp xen vào thời khoá biểu các môn chính khóa.
Năm học 2023-2024, một lớp 5 tại trường Tiểu học Vĩnh Hưng sẽ có 2 tiết tiếng Anh bổ trợ vào chiều thứ Năm và chiều thứ Bảy và một tiết tiếng Anh - Toán được tổ chức vào đầu giờ chiều thứ Bảy. (Ảnh: PHCC) |
Giáo viên nói, nếu các con không đăng ký học các chương trình Tiếng Anh liên kết của trung tâm, học sinh có thể sang thư viện ngồi. Tuy nhiên, do chương Tiếng Anh liên kết có trong thời khoá biểu của nhà trường nên họ đành phải đăng ký cho con học.
"Nếu không cho con học thì con lại sang thư viện ngồi cũng khiến phụ huynh ái ngại. Thực tế, học các chương trình Tiếng Anh liên kết trong nhà trường với một lớp mấy chục học sinh như vậy, giáo viên nước ngoài lấy đâu ra tương tác thường xuyên với học sinh được. Chưa kể, học xong còn không có chuẩn nào đánh giá hiệu quả. Con tôi vẫn phải học Tiếng Anh ở trung tâm bên ngoài. Mấy lần chi tiền học Tiếng Anh đó là một sự lãng phí. Hãy để các dịch vụ mang tính thị trường trả về cho thị trường, Tiếng Anh của các công ty, trung tâm liên kết hãy để họ thu hút người học và giảng dạy ở bên ngoài nhà trường", phụ huynh chia sẻ quan điểm.
Quận chỉ đạo trả lời nhưng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai im lặng?
Để làm các thắc mắc của phụ huynh và quan trọng là cơ sở nào để Trường Tiểu học Vĩnh Hưng triển khai việc liên kết giảng dạy 3 chương trình Tiếng Anh với các công ty, trung tâm, ngày 12/9, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến Trường Tiểu học Vĩnh Hưng gửi Giấy giới thiệu kèm nội dung câu hỏi.
Tuy nhiên, bảo vệ của nhà trường cho biết, hiệu trưởng nhà trường có quy định là giấy tờ làm việc phải có con dấu của Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai thì Hiệu trưởng mới tiếp nhận.
Sau đó, phóng viên đã liên lạc với bà Bùi Thị Thanh Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hưng nhiều lần nhưng không được. Phóng viên cũng đã nhắn nội dung trao đổi tới số cô Hằng nhưng không nhận được phản hồi.
Về nội dung trên, ngày 12/9, phóng viên cũng đã gửi Giấy giới thiệu kèm câu hỏi tới Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai theo đề nghị từ phía văn phòng của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai.
Ngày 20/9, cán bộ văn phòng Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai gọi điện cho phóng viên thông báo, lãnh đạo quận đã có chỉ đạo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai là bà Phạm Đàm Thục Hạnh liên hệ trả lời báo.
Tuy nhiên, khi phóng viên phản hồi rằng, bản thân chưa nhận được phản hồi nào từ phía Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai. Vị cán bộ đã đọc số điện thoại của bà Hạnh để phóng viên liên hệ.
Phóng viên đã gọi và nhắn tin tới Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Phạm Đàm Thục Hạnh nhưng cũng không nhận được phản hồi.