Vì sao Đại học Tôn Đức Thắng phát triển ấn tượng như vậy?

21/07/2020 06:08
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn (Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tự chủ cùng với việc có người đứng đầu đơn vị giỏi sẽ tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của đơn vị.

Nhìn lại môi trường pháp lý, từ Luật Giáo dục đại học ra đời vào tháng 8 năm 2012 đến Luật 34/2018/QH14 đã trải qua 5 giai đoạn và năm nào cũng sửa.

Đây là một quá trình cho thấy sự cầu thị và quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với vấn đề giáo dục.

Đến Luật 34/2018/QH14, tôi thấy rằng với điều khoản qui định về Hội đồng trường cho thấy việc đổi mới rất mạnh.

Luật giao nhiều quyền cho Hội đồng trường, giúp quá trình tiến tới tự chủ đại học thuận lợi hơn. Môi trường pháp lý đã có luật. Tuy vậy, khi chưa có luật thì rất khó, nhưng có luật rồi cũng không phải là dễ.

Ở góc độ Đảng, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện. Chúng ta đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo và dạy nghề. Nghị quyết này thuộc Nghị quyết Trung ương 8 Khóa 11.

Đến ngày 30/5/2019, kết luận của Ban Bí thư là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 29.

Như vậy, Đảng cũng như Quốc hội đều xuyên suốt mọi vấn đề về đổi mới căn bản giáo dục, tạo môi trường thuận lợi để đổi mới căn bản toàn diện.

Phó giáo sư Phạm Lê Tuấn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: TTXVN)

Phó giáo sư Phạm Lê Tuấn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: TTXVN)

Tọa đàm với chủ đề: “Đổi mới tư duy quản lý nhà nước với giáo dục đại học trong thời kỳ hội nhập” cũng có những vấn đề cần phân tích tương tự như ngành y tế của chúng tôi.

Trong quá trình chuyển đổi sang tự chủ, cùng trong những khuôn khổ pháp luật qui định nhưng tại sao có những đơn vị phát triển rất tốt, lại có những đơn vị không phát triển được?

Theo tôi, các đơn vị có sự phát triển mạnh thì vai trò của cá nhân rất quan trọng, do họ rất năng động, tích cực, tìm mọi cách để tạo ra sự phát triển.

Nếu vẫn còn đọng lại những vướng mắc thì phải tiếp tục đổi mới. Vẫn còn những khó khăn, vậy những khó khăn đó là gì?

Qua quá trình công tác quản lý ngành y tế, tôi thấy Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đi đầu trong tự chủ.

Điển hình là Bệnh viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh, với bài học kinh nghiệm:

- Không xin ngân sách, xin được quyền tự chủ. Nếu sử dụng ngân sách từ Sở Tài chính, các cơ quan quản lý vào cuộc thì mọi việc tiến hành rất chậm.

- Không xin tiền, mà chỉ xin cơ chế: không khống chế lương tối đa, chỉ khống chế lương tối thiểu. Từ năm 1999, y tá, điều dưỡng lương đã không thấp hơn 200 USD.

Áp dụng mô hình tự chủ của Bệnh viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã thành lập Bệnh viện Tim Hà Nội.

Với cơ chế tự chủ và có giám đốc giỏi Bệnh viện Tim Hà Nội đã có sự phát triển rất ngoạn mục.

Trong 7 năm gần đây, rất nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai và tổng nguồn thu đã tăng từ 150 tỷ đồng/năm lên 1.200 tỷ đồng/năm.

Sang đến lĩnh vực đại học, tôi thấy Đại học Tôn Đức Thắng là một điển hình về sự phát triển. Trong cùng bối cảnh, tại sao Đại học Tôn Đức Thắng lại phát triển mạnh như vậy?

Dù Đại học Tôn Đức Thắng ban đầu cũng là một trường dân lập, sau trở thành công lập, nguồn vốn không nhiều.

Tôi đã vào thăm trường Đại học Tôn Đức Thắng. Tôi rất ấn tượng thư viện của trường.

Trả lời câu hỏi tại sao lại phát triển được, tôi thấy liên quan rất lớn đến vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu phải tích cực, chủ động và năng động.

Như vậy rõ ràng là tự chủ cùng với việc có người đứng đầu đơn vị giỏi sẽ tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của đơn vị.

Nếu đứng ở góc độ khuôn khổ pháp luật, Luật Giáo dục đại học có qui định rõ về Hội đồng trường.

Theo tôi, trong luật đã có qui định cho Hội đồng trường thì quyền của Hội đồng trường là rất lớn.

Có những quyền trước đây là của Bộ sẽ được chuyển sang Hội đồng trường, từ phê duyệt chủ trương, kể cả vấn đề đầu tư, chính sách, chiến lược phát triển.

Khi đã mở như vậy, làm thế nào để Hội đồng trường thật sự là chủ hoàn toàn phụ thuộc vào chính họ.

Tôi có một câu hỏi: Phải chăng khi Hội đồng trường hoạt động thì bản thân Hội đồng này, kể cả Chủ tịch, thành viên Hội đồng sẽ có lúng túng?

Năng lực của Hội đồng trường và kinh nghiệm của từng cá nhân tham gia trong Hội đồng trường đối với những việc trước đây thuộc thẩm quyền của cơ quan chủ quản (Bộ Giáo dục hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) ở giai đoạn ban đầu chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế.

Vì những việc này trước khi chuyển cho Hội đồng trường thì do những vụ, cục hoặc sở ngành dày dạn kinh nghiệm đảm nhiệm.

Do đó, nên chăng phải có tập huấn cho Hội đồng trường cho các thành viên của hội đồng trường?

Đổi mới tư duy, tăng cường quyền lực cho Hội đồng trường.

Ở đây có 2 góc độ liên quan đến chủ đề đổi mới tư duy:

- Đối với cơ quan chủ quản: những gì luật cho phép, luật qui định thì làm theo luật. Vấn đề này cũng giống như doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không có cơ quan chủ quản mà chỉ có pháp luật. Họ phải tuân thủ pháp luật, cơ quan nhà nước quản lý vấn đề thực hiện theo pháp luật.

- Chú ý sự tương thích của Luật Giáo dục đại học với các luật liên quan trong đó phải kể đến là Luật Đấu thầu, Luật Công chức, viên chức.

Hội đồng trường phải hết sức lưu ý trong việc phê duyệt đấu thầu, Luật Giáo dục có thay được luật đấu thầu không vì trong Luật Đấu thầu phải là cơ quan cấp trên phê duyệt.

Đã có 23 trường đăng ký tự chủ thì làm thế nào để các trường này triển khai thí điểm tích cực hơn, mạnh hơn kể cả các trường công lập, trường thuộc Bộ, trường thuộc Ủy ban Nhân dân.

Trên cơ sở đó, Hội đồng trường nêu lên những vướng mắc cần điều chỉnh. Sau khi có luật 34/2018/QH14 thì làm theo Nghị định, dưới Nghị định đã có Thông tư hướng dẫn.

Ở đây dùng từ chuyển quyền, không dùng từ xóa bỏ. Hiện nay trong luật dùng từ chuyển quyền là rất rõ.

Trong quá trình trao đổi, chúng ta thấy có nhiều vướng mắc nhưng làm thế nào để tránh? Và chúng ta phải nhìn thấy xu hướng tích cực nổi trội.

Nếu lúc nào cũng hoang mang khi làm chưa được, lúc nào cũng nghi ngờ thì rất khó.

Theo tôi, hiện nay môi trường pháp lý đã rõ để tự tin làm, nên cố gắng thúc đẩy việc phải làm. Các vướng mắc chúng ta sẽ điều chỉnh.

Ngày 13/6/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kết hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý Nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cuộc tọa đàm quy tụ gần 100 nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học đặt dưới sự đồng chủ trì của Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và Giáo sư Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông.

Tọa đàm khoa học đã nhận được trên 20 báo cáo tham luận về tự chủ đại học, vai trò cũng như chức năng của Hội đồng trường trong mối quan hệ với Đảng ủy, Ban giám hiệu và cơ quan quản lý trực tiếp...Phát biểu trực tiếp tại Tọa đàm có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc về vấn đề bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản, từ chủ trương nghị quyết, quy phạm pháp luật đến thực tiễn.

Được sự đồng ý của Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông, Giáo dục Việt Nam lần lượt đăng tải các bản tham luận tại Tọa đàm này để cung cấp thêm thông tin đến bạn đọc quan tâm. Nội dung, văn phong tham luận thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn (Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế)