Tổ hợp môn có Âm nhạc, Mỹ thuật “vắng bóng” ở THPT do thiếu đủ thứ

25/08/2024 06:40
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Việc xây dựng tổ hợp môn có Âm nhạc, Mỹ thuật tại các trường THPT gặp nhiều khó khăn vì thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đủ chuẩn, ít học sinh lựa chọn.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai, áp dụng cho các khối lớp 10 từ năm học 2022-2023. Bước sang năm học 2024-2025 sẽ đồng bộ trên cả khối lớp 10, 11, 12.

Điểm đáng chú ý của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Từ năm lớp 10 đến lớp 12 là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Ở bậc trung học phổ thông, học sinh học 6 môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục thể chất; 2 hoạt động giáo dục bắt buộc là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương.

4 trong 9 môn được lựa chọn là Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Có thể thấy, 2 môn học là Âm nhạc và Mỹ thuật đã được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông, thay vì chỉ dừng lại ở bậc trung học cơ sở như trong chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Sự thay đổi này được được đánh giá là tích cực, phù hợp với định hướng mới, giúp người học phát triển toàn diện và phù hợp với nguyện vọng về nghề nghiệp tương lai của học sinh.

Tuy nhiên, không ít trường trung học phổ thông gặp khó khăn trong việc xây dựng tổ hợp có các môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Phần lớn, 2 môn học này vẫn “vắng bóng” trong danh sách tổ hợp môn học để học sinh lựa chọn.

1-5334.jpeg
Ảnh minh hoạ: Trường Trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi (Hà Nội).

Thiếu giáo viên là vấn đề nan giải

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Văn Lĩnh - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) chia sẻ: “Nhà trường để học sinh lựa chọn các môn học chứ không đưa ra định hướng giảng dạy theo tổ hợp, tạo điều kiện tối đa cho người học được phát triển năng lực theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện tại, trường có 1 lớp dạy Âm nhạc, Mỹ thuật với sĩ số hơn 20 học sinh.

Khó khăn lớn nhất đối với nhà trường khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính là nằm ở vấn đề con người và cơ sở vật chất. Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình, chúng tôi cũng chưa thể thực hiện ngay việc giảng dạy Âm nhạc và Mỹ thuật, do không có giáo viên.

Bước sang năm học 2023-2024, sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Nội vụ tiến hành tuyển bổ sung giáo viên, Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đảm bảo được công tác giảng dạy”.

chuyen nguyen binh khiem.jpg
Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam). Ảnh: Website trường.

Vị Phó hiệu trưởng cũng thông tin thêm, mặc dù nhà trường có 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật, đáp ứng đủ yêu cầu dạy và học, tuy nhiên, phía đơn vị vẫn cần điều chỉnh để cân đối số tiết thừa - thiếu giữa các giáo viên. Theo đó, nếu giáo viên thiếu tiết, nhà trường sẽ bố trí dạy thêm Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương.

Bên cạnh đó, Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề sắp xếp thời khóa biểu.

“Nguyên nhân là do lớp học cố định tại các phòng học bộ môn thường bao gồm những học sinh đến từ nhiều lớp khác nhau. Ví dụ, trong lớp học môn Tin học có khoảng 20 học sinh lớp chuyên Toán, 10 học sinh lớp chuyên Lý, 5 học sinh lớp chuyên Sinh... Tương tự như vậy, với môn Âm nhạc và Mỹ thuật cũng thế. Bởi vậy, thời khóa biểu phải được xây dựng sao cho phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh này” - thầy Lĩnh lý giải.

Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nói thêm: “Với tính chất đặc thù của trường chuyên, một mặt, nhà trường vừa cần làm tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, mặt khác, vẫn phải đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ khác được quy định trong Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.

Do đó, chúng tôi chỉ sắp xếp việc học kiến thức chung, cơ bản vào buổi sáng và dành thời gian buổi chiều để bổ sung kiến thức chuyên sâu cho học sinh các lớp chuyên”.

Ngoài ra, cơ sở vật chất của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện nay cũng chưa thể đáp ứng yêu cầu dạy theo chương trình phổ thông 2018.

Theo Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT ban hành Quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, phòng học bộ môn Âm nhạc được thiết kế cách âm để tránh tiếng ồn với khu vực xung quanh.

Tuy nhiên, nhà trường chỉ có thể lấy một phòng học để hỗ trợ cho môn học này, chưa có phòng học đúng chuẩn.

Tương tự, Trường Trung học phổ thông Cửa Lò (Nghệ An) cũng chung cảnh thiếu giáo viên và không đáp ứng được cơ sở vật chất như trên. Thầy Lê Văn Hoàng - Phó hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: “Vì không có giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, nên nhà trường không xây dựng tổ hợp gồm 2 môn học này. Trước đó, Âm nhạc, Mỹ thuật không được giảng dạy trong các trường trung học phổ thông, nên chúng tôi thiếu giáo viên ngay từ đầu.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cũng có không ít trường trung học phổ thông rơi vào tình huống tương tự như Trường Trung học phổ thông Cửa Lò. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là không có giáo viên, không có nguồn lực đảm bảo việc dạy học”.

Không phải học sinh nào cũng có nhu cầu

Bên cạnh việc các cơ sở giáo dục chưa chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giáo viên cũng như chưa đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất để giảng dạy các môn Nghệ thuật, còn một nguyên nhân khác khiến các môn học này chưa thực sự có nhiều “sức sống” tại các trường trung học phổ thông.

Thầy Lê Văn Hoàng nêu thêm một thực tế khác tại Trường Trung học phổ thông Cửa Lò, đó là thực tế số lượng học sinh chọn học môn Âm nhạc và Mỹ thuật của nhà trường không nhiều.

“Phần lớn, học sinh sẽ chọn các khối thi “truyền thống” để lấy điểm xét tuyển vào đa dạng các trường đại học.

Hiện tại, Trường Trung học phổ thông Cửa Lò đang tập trung cho 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Vì vậy, nếu học sinh có mong muốn bồi dưỡng môn năng khiếu Mỹ thuật, Âm nhạc, các em sẽ phải tự tìm hiểu, học thêm bên ngoài” - thầy Hoàng cho biết.

Nói về việc nhà trường không có tổ hợp các môn Nghệ thuật, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (Ý Yên, Nam Định) nêu một số lý do: “Nguyên nhân thứ nhất là nhà trường không có giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật. Năm nay, tỉnh Nam Định có chỉ tiêu tuyển dụng bổ sung giáo viên 2 môn học này, nhưng số lượng tuyển được không đủ cho mỗi trường 1 người.

Thứ hai, do học sinh và phụ huynh thường hướng đến các tổ hợp phổ biến để thi đại học hơn là theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật. Mặc dù chúng tôi cũng giới thiệu các môn tự chọn này, nhưng gần như rất ít học sinh đăng ký.

Tất nhiên, ở trường trung học phổ thông nào cũng có một số học sinh đam mê, có năng khiếu về nghệ thuật, nhưng thông thường các em sẽ không được học, đặc biệt là học sinh các trường ở vùng nông thôn”.

Khai_giang_2019-2020__55__4b5f1001f8.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (Nam Định). Ảnh: Website trường.

Thầy Hải cho biết thêm, theo thống kê, mỗi năm, Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho có số ít học sinh có nguyện vọng thi vào Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương hoặc Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Với những môn học này, các gia đình thường phải đầu tư cho con học thêm ở thành phố Nam Định hoặc thành phố Ninh Bình.

“Phía nhà trường và địa phương cũng có nhiều hoạt động để hỗ trợ những em học sinh có niềm yêu thích với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, thông qua các hoạt động phong trào.

Ví như như cuộc thi Giai điệu tuổi hồng, thiết kế báo tường cho ngày 20/11… Học sinh cho thấy sự thích thú và tích cực tham gia. Tuy nhiên, rất hiếm các em học sinh lựa chọn thi các trường đại học thuộc lĩnh vực nghệ thuật” - vị hiệu trưởng chia sẻ.

Bên cạnh đó, thầy Hải cũng đề cập thêm đến những khó khăn liên quan đến vấn đề cơ sở vật chất: “Giả sử, nếu có đông học sinh có nhu cầu học các môn nghệ thuật này, nhà trường cũng chưa thể có cơ sở vật chất để đáp ứng, vì chưa có kinh phí xây dựng phòng học đạt chuẩn và đầu tư trang thiết bị.

Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cũng đang có kế hoạch từng bước để đầu tư cho các nhà trường. Tuy nhiên, chưa thể thực hiện trong thời gian ngắn”.

Hồng Linh