Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam với mục tiêu tổng quát là: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao... Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” [1].
Tuy nhiên, năm 2024, trong số gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chỉ có 37% thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên. Theo các chuyên gia, về lâu dài, tỷ lệ này sẽ làm mất cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực giữa các lĩnh vực, ảnh hưởng đến mục tiêu ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, các ngành công nghiệp mới.
Lo ngại tâm lý "theo dễ, bỏ khó"
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 chỉ có 37% trong tổng số gần 1,1 triệu thí sinh dự thi chọn bài thi Khoa học tự nhiên đang là thực tế đáng lo ngại.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, nguyên nhân khiến cho số lượng thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên ít hơn Khoa học xã hội một phần do chọn tổ hợp Khoa học xã hội việc học sẽ nhẹ nhàng hơn.
Ngược lại, số lượng thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên chỉ đạt tỷ lệ 37% cũng vì kiến thức các môn thuộc Khoa học tự nhiên khó. Đặc biệt, các ngành ở bậc đại học đào tạo về khoa học, kỹ thuật, công nghệ là ngành khó, đòi hỏi nhiều kiến thức về Toán, Vật lý,... nên nếu không có định hướng từ đầu sẽ ít thí sinh lựa chọn thi và theo học các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, các nghiên cứu khoa học giáo dục đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, kiến thức về STEM, Khoa học tự nhiên không chỉ là yêu cầu đối với các ngành thuộc về khoa học, công nghệ, kỹ thuật mà còn là hành trang cho tất cả các lĩnh vực.
“Nguồn nhân lực khi không được trang bị các kiến thức, kỹ năng liên quan đến STEM, Khoa học tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phát triển các ngành công nghiệp mới. Một quốc gia có tỷ lệ thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học xã hội để xét tuyển đại học nhiều hơn Khoa học tự nhiên đã và đang đặt ra câu hỏi rất lớn rằng như vậy thì làm sao nguồn nhân lực có thể hội nhập được trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0?”, thầy Đức chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ đánh giá, đối với những ngành thuộc Khoa học xã hội, trước đây trong chương trình đào tạo thường không/ít có các học phần về khoa học tự nhiên, công nghệ thì hiện nay cũng cần phải trang bị một tỷ lệ nhất định kiến thức về STEM, công nghệ thông tin trong các chương trình đào tạo. Chính vì vậy, việc ít thí sinh chọn tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên không chỉ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng nhân lực trong kỷ nguyên công nghệ, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực trong các lĩnh vực khác như luật, kinh tế,... đều là những ngành "xương sống" trong bối cảnh hiện nay.
“Việc trong số gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ có 37% thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên cho thấy giới trẻ đang có tâm lý “theo dễ, bỏ khó”. Hệ quả là các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ ít có nguồn thí sinh để tuyển sinh, sẽ có trường phải “nới” các điều kiện tuyển sinh khiến cho chất lượng đầu vào phần nào bị hạn chế.
Về phía thí sinh, sẽ có em trúng tuyển vào các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ với mức điểm không vượt trội, khó theo chương trình học dẫn tới tỷ lệ sinh viên các ngành khoa học, kỹ thuật bỏ học sau khi hết năm nhất cao”, thầy Đức nhận định.
Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” nêu rõ cần đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị; và trong số 50.000 kỹ sư cần có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ chuyên môn sâu về AI (trí tuệ nhân tạo).
Nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI thường là người tốt nghiệp các ngành đào tạo thuộc Khoa học tự nhiên. Do đó, cần phải có giải pháp để thu hút nhiều người giỏi theo học các ngành đào tạo STEM.
Cô An cho rằng, việc dự báo nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là cần thiết để đạt được mục tiêu số lượng và chất lượng mong muốn. Trong đó, công tác đào tạo ngành học phục vụ cho phát triển công nghiệp mới (chip, bán dẫn,...) có vai trò quan trọng.
Theo chuyên gia, cần phải có sự “đồng tâm hiệp lực” của Nhà nước, nhà trường, phụ huynh, thí sinh và toàn xã hội bằng những giải pháp cụ thể. Trong đó quan trọng nhất là trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra được các tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đại học có chất lượng, đảm bảo thí sinh có thể tiếp thu và học tốt ở bậc đại học, phù hợp với thông lệ quốc tế. Để trên cơ sở đó có định hướng cho học sinh phổ thông phải lựa chọn tổ hợp môn thi vào các ngành học phù hợp, trong đó có Khoa học tự nhiên.
Mặt khác, thầy Đức chia sẻ, đối với các ngành đào tạo phục vụ phát triển công nghiệp mới (như chip, bán dẫn,..) số thí sinh đăng ký tổ hợp môn Khoa học tự nhiên ít đồng nghĩa với việc số thí sinh giỏi Khoa học tự nhiên ít. Nếu trường đại học đào tạo lĩnh vực khoa học, kỹ thuật không siết chặt đầu vào, trường phổ thông không chú trọng giáo dục STEM thì số lượng học sinh có năng lực giỏi về Khoa học tự nhiên sẽ ít đi, làm mất cân đối nhân lực giữa các ngành, nghề.
Do đó, thầy Đức cho rằng, tận dụng việc dạy và học tích hợp ở bậc phổ thông hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần định hướng xây dựng các tổ hợp môn thi tốt nghiệp sao cho các tổ hợp này đều có những kiến thức tích hợp, đảm bảo kiến thức về STEM, Khoa học tự nhiên trong bài thi. Chỉ khi được học, trang bị tốt kiến thức STEM ở bậc phổ thông thì các em mới có định hướng, tập trung học và lựa chọn thi các môn Khoa học tự nhiên để xét tuyển đại học.
Cần có chính sách hỗ trợ người học ngành mũi nhọn, trọng điểm
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là 1 trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững.
Để vừa đạt số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp mới, cô An cho rằng, cần phải có cơ chế chính sách áp dụng cho người học và người tham gia đào tạo nguồn nhân lực này, nhất là đối với người học (như miễn giảm học phí, tặng học bổng,...) nhằm tạo sức hấp dẫn cho các em theo học ngành thuộc Khoa học tự nhiên.
Hơn nữa, công tác tuyển sinh đối với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật cần phải quan tâm cả số lượng và chất lượng đầu vào của thí sinh.
Bên cạnh đó, đơn vị sử dụng lao động cần phải tích cực tham gia công tác đào tạo, góp ý xây dựng chương trình, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm hiện đại, tặng học bổng cho sinh viên giỏi để khích lệ các em theo học STEM.
Trong khi đó, thầy Đức đề xuất, Việt Nam cần có kế hoạch chiến lược tổng thể để xây dựng đội ngũ nhân lực STEM chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đội ngũ nhân lực STEM gắn với phát triển ngành công nghiệp mới.
Cụ thể, thứ nhất, cần tiếp tục xây dựng và ban hành chương trình đào tạo phù hợp với chuẩn mực quốc tế cho các ngành/khối ngành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều này, bên cạnh việc siết chặt đầu vào, cần phải xây dựng chuẩn chương trình đào tạo tiếp cận theo chuẩn đầu ra phù hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, cần đổi mới công tác tuyển sinh bằng cách xây dựng chuẩn đầu vào đáp ứng yêu cầu của ngành học và các thông lệ quốc tế. Theo thầy Đức, bài thi SAT và ACT của Mỹ đều có Toán, Tiếng Anh, trong khi đó, rất nhiều tổ hợp xét tuyển đại học ở Việt Nam đều vắng bóng 2 môn này. Chỉ khi xây dựng được niềm yêu thích của học sinh đối với Khoa học tự nhiên thì các em mới chọn tổ hợp này để xét tuyển vào các ngành đào tạo khoa học, kỹ thuật, công nghệ.
Thứ ba, ở bậc đại học, để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ, bên cạnh chương trình đào tạo chuẩn mực như các trường đại học tiên tiến trên thế giới, thầy Đức cho rằng cần quan tâm đến chất lượng, trình độ đội ngũ, cũng như cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp.
Thứ tư, Việt Nam cần cụ thể hóa chính sách thu hút, hỗ trợ cho người học các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Thực tế, ở một số trường đại học trên thế giới, quy định thời gian đào tạo đại học đối với lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ dài hơn so với các ngành khác; học bổng cho người học các ngành này cũng nhiều hơn để động viên, khuyến khích các em theo học ngành khó. Từ đây, bài học đối với Việt Nam là cần có chính sách hỗ trợ người học khoa học, kỹ thuật, công nghệ, các ngành mũi nhọn trọng điểm từ phía nhà nước và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học.
“Nhà nước cần có chính sách nhằm thu hút nhân tài, hỗ trợ người giỏi theo đuổi các ngành kỹ thuật, công nghệ. Bởi đây là những ngành khó, nhưng thường lại có nhiều em điều kiện hoàn cảnh khó khăn theo học nên rất cần được hỗ trợ để các em có thể theo đuổi đam mê, chí hướng, thành tài. Từ đó góp phần thay đổi chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực trong đào tạo và sử dụng sau này”, thầy Đức cho biết.
Tài liệu tham khảo:
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII