Toàn cảnh giáo dục Hải Phòng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29

13/10/2023 08:55
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, thành phố Hải Phòng có gần 5.000 giờ dạy tốt các cấp, 800 chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học được thực hiện.

Chiều 12/10, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn làm việc với thành phố Hải Phòng về tình hình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố; cùng đại diện lãnh đạo Sở, ngành và các đơn vị liên quan.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn làm việc với thành phố Hải Phòng về tình hình thực hiện Nghị quyết 29 (Ảnh: LT)

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn làm việc với thành phố Hải Phòng về tình hình thực hiện Nghị quyết 29 (Ảnh: LT)

Báo cáo tại cuộc họp, ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW đặt ra đã được thực tế chứng minh tính đúng đắn.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, ngành giáo dục Hải Phòng đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng.

Nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động trong cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết được nâng lên rõ nét.

Từ đó, đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết bằng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, hiện nay thành phố có 858 cơ sở giáo dục, trong đó có 727 cơ sở giáo dục công lập (gồm 245 trường mầm non; 227 trường tiểu học; 200 trường trung học cơ sở; 40 trường trung học phổ thông, 15 trung tâm giáo dục thường xuyên) và 131 cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông duy trì ở mức cao. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt cao.

Giáo dục mũi nhọn tiếp tục đạt nhiều thành tích ở tất cả các cấp học; là một trong những địa phương dẫn đầu về số học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được tiến hành khá sớm đạt kết quả cao, luôn được duy trì và giữ vững trong những năm qua.

Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng báo cáo tại hội nghị (Ảnh: LT)

Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng báo cáo tại hội nghị (Ảnh: LT)

Hải Phòng tích cực đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Trong đó, phương pháp dạy học từng bước chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực; phát huy sự độc lập, sáng tạo của người học trong chiếm lĩnh kiến thức, rèn luyện kĩ năng dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên.

Trong 10 năm triển khai Nghị quyết 29, toàn thành phố có gần 5.000 giờ dạy tốt các cấp, 800 chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học được thực hiện.

Hình thức tổ chức dạy học chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học.

Hình thức thi, kiểm tra đánh giá được đổi mới; phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của học sinh; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội.

Ngành Giáo dục tích cực áp dụng công nghệ thông tin, các phần mềm trực tuyến trong kiểm tra đánh giá để tăng tính khách quan, chính xác. Việc đổi mới đồng bộ các yếu tố đã đem lại kết quả tích cực ở các bậc học.

Trong 4 năm liên tục (2015 - 2018) thành phố đứng thứ 2 toàn quốc về học sinh giỏi quốc gia. Hải Phòng là địa phương duy nhất trên cả nước 24 năm có học sinh đoạt giải quốc tế.

Năm 2023, học sinh Hải Phòng đạt 1 huy chương vàng và 2 huy chương Bạc trong các kỳ Olympic quốc tế.

Giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2013-2022 tuyển sinh đạt 504.410 học sinh, sinh viên, học viên với hơn 200 lượt chương trình đào tạo phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Hải Phòng có gần 5.000 giờ dạy tốt các cấp, 800 chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học được thực hiện sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 (Ảnh: LT)

Hải Phòng có gần 5.000 giờ dạy tốt các cấp, 800 chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học được thực hiện sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 (Ảnh: LT)

Tại Hải Phòng, quy mô giáo dục đại học và sau đại học đã tăng đáng kể với số sinh viên tăng dần theo các năm, tổng số ngành đào tạo đại học và trên đại học của 4 trường là 94 ngành; chú trọng các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Luật, Y - Dược, Sư phạm - Ngoại ngữ, Hàng hải - Đóng tàu.

Công tác đào tạo có nhiều đổi mới, các chương trình đào tạo thường xuyên được rà soát, điều chỉnh, cập nhật để đáp ứng nhu cầu xã hội. Chất lượng sinh viên ra trường ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố và đất nước, có sức cạnh tranh cao.

Hải Phòng là địa phương quan tâm kịp thời đến công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp giáo viên, điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý ngành giáo dục.

Đặc biệt, có một số cơ chế mạnh có tính chất đột phá, chính sách đặc thù, tiêu biểu toàn quốc trong thực hiện nhiệm thu hút, tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi. Từ 2013 đến 2023, số giáo viên, giảng viên đạt chuẩn của Hải Phòng tăng nhanh.

Đề án bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai có hiệu quả.

Liên tục trong các năm từ 2016 đến 2022 để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo, nhiều lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên được tổ chức; xét nâng hạng cho 1.744 nhà giáo.

Ngành chủ động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: LT)

Ông Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: LT)

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết, ngay khi Nghị quyết được ban hành, Thành ủy ban hành các văn bản chỉ đạo sát sao.

Nhiều Đề án liên quan đến Nghị quyết được triển khai thực hiện, đi vào cuộc sống, như miễn giảm học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông với mức chi mỗi năm khoảng 400 tỷ đồng.

Nghị quyết 06 khen thưởng học sinh, giáo viên đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế; Nghị quyết 105 về giáo dục mầm non; trong xây dựng nông thôn mới có nguồn kinh phí xây dựng, nâng cấp trường chuẩn; thành phố cũng chỉ đạo khi xây dựng khu đô thị mới phải có quỹ đất dành cho giáo dục, xây dựng trường chuẩn...

Tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố Hải Phòng cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại như: công tác dự báo, xây dựng quy hoạch, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho giáo, dục, đào tạo chưa theo kịp sự phát triển chung của thành phố.

Công tác xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm. Một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên chưa đáp ứng được chất lượng chuyên môn. Chế độ chính sách đối với giáo viên còn nhiều khó khăn.

Thành phố chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh; hợp tác quốc tế trong giáo dục chưa tương xứng với vị thế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Ông Lê Khắc Nam đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chiến lược hướng nghiệp, phân luồng sau trung học cơ sở, trung học phổ thông; có chính sách đồng bộ mang tính vĩ mô từ cấp Trung ương; cần xem xét chủ trương thu tiền thuê đất cơ sở giáo dục ngoài công lập; quy hoạch đào tạo giáo dục ở bậc Đại học.

Kết luận cuộc làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận thành phố Hải Phòng đã triển khai tốt tinh thần quan trọng của Nghị quyết 29-NQ/TW, đem lại hiệu quả, sự đổi mới tích cực và nâng cao chất lượng trên địa bàn.

Thành phố đã đầu tư, có những dự án nhằm tăng cường các điều kiện cho đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với báo cáo của thành phố Hải Phòng về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Thứ trưởng đề nghị cần bổ sung, làm rõ bối cảnh trước và sau khi thực hiện để thấy rõ giá trị của việc triển khai; những kết quả, cách làm hiệu quả nổi bật đạt được, những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực tế; phân tích làm rõ góc độ tài chính, đầu tư cho giáo dục qua các năm.

Thứ trưởng đề nghị thành phố thời gian tới tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của Nghị quyết 29-NQ/TW phù hợp với thực tiễn;

Thành phố Hải Phòng cần tiếp tục sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quan tâm tuyên truyền, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, dạy nghề; nâng cao chất lượng, chế độ chính sách đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo;

Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tạo môi trường sư phạm thuận lợi để giáo viên yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục…

Đối với những kiến nghị đề xuất của thành phố Hải Phòng, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu, tổng hợp báo cáo Bộ.

LÃ TIẾN