Tôi e rằng tỉ lệ 30% trẻ mầm non học NCL vào năm 2025 là điều khó thực hiện

24/07/2022 06:32
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị quyết 35/NQ-CP là sự kế thừa, thống nhất và hoàn chỉnh chính sách trước đây về giáo dục ngoài công lập để từng bước thúc đẩy và phát triển khu vực này.

LTS: Hơn 30 năm qua, cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách về đổi mới giáo dục, phải kể đến như Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005, Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 và đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013... Trong đó nhấn mạnh việc xã hội hóa giáo dục và đào tạo nhằm huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cùng chung tay với sự nghiệp “trồng người”.

Tháng 6/2019, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP, về việc tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Trong đó nêu rõ mục tiêu đối với giáo dục mầm non phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt tỷ lệ ít nhất là 20%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 25%; đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 25% với số trẻ em theo học đạt 30%.

Để hiểu hơn Nghị quyết 35/NQ-CP về xã hội hóa giáo dục đối với bậc học mầm non, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Phóng viên: Thưa ông, mục đích của xã hội hóa giáo dục mà Bộ Giáo dục và đào tạo đề ra nhiều năm qua là gì? Những năm qua, vấn đề xã hội hóa được thực hiện như thế nào.

Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh: Xã hội hóa giáo dục là việc vận động xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, nhằm phát huy truyền thống hiếu học và tiềm năng con người trong quá trình xây dựng nền giáo dục hiện đại dưới sự quản lý của nhà nước để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao mức hưởng thụ giáo dục của nhân dân. Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước cho sự nghiệp phát triển giáo dục đất nước.

Trong những năm 90, việc xã hội hóa giáo dục mang ý nghĩa nhân văn nhiều hơn. Nhà trường thiếu thốn cái gì thì nhân dân địa phương hỗ trợ, góp công góp sức để xây dựng trường. Tinh thần xã hội hóa đã khích lệ người dân có nghĩa vụ cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đồng thời chia sẻ với các gia đình khó khăn. Đó là sức mạnh tập thể, cộng đồng, thể hiện truyền thống dân tộc, đồng cảm, chia sẻ, thương yêu.

Nhưng hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường thì xã hội hóa giáo dục chuyển theo hình thức phục vụ dịch vụ xã hội là chủ yếu.

Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh (ảnh: NVCC)

Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh (ảnh: NVCC)

Hàng năm, nhà nước cấp kinh phí đầu tư cho giáo dục nhưng trong điều kiện ngân sách hiện nay còn hạn hẹp, khó có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục. Việc khuyến khích giáo dục ngoài công lập là điều cần thiết và quan trọng bởi sẽ góp phần giảm tải gánh nặng và áp lực lên ngân sách quốc gia và hệ thống các trường công lập. Do đó, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ là sự kế thừa, thống nhất và hoàn chỉnh chính sách trước đây về giáo dục ngoài công lập để từng bước thúc đẩy, phát triển.

Thưa ông, trong Nghị quyết 35/NQ-CP nêu rõ, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt tỷ lệ ít nhất là 20%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 25%; đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 25% với số trẻ em theo học đạt 30%. Ông có đánh giá như thế nào về chỉ tiêu đặt ra?

Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh: Tôi cho rằng, chủ trương mà Nghị quyết đề ra rất tốt, môi trường công và tư có sự bình đẳng, nhà nước khuyến khích ngoài công lập được hỗ trợ vay vốn, bố trí quỹ đất… Đó là điều kiện quan trọng để thúc đẩy giáo dục ngoài công lập phát triển.

Tuy nhiên, Nghị quyết được ban hành trước khi diễn ra dịch COVID. Hai năm qua do ảnh hưởng của dịch nên việc duy trì hoạt động ở các trường ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở phải giải thể do thiếu kinh phí hoạt động. Do đó, cần có sự nỗ lực hơn nữa từ các cấp quản lý trong việc tạo cơ chế để khuyến khích nhà đầu tư mở rộng các trường ngoài công lập mới có thể hoàn thành như kế hoạch đề ra.

Thứ hai, tâm lý của các nhà đầu tư vẫn e ngại dịch COVID có thể bùng phát trở lại, các cơ sở sẽ phải đóng cửa. Khác với các cơ sở công lập nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước, các nhà đầu tư khi thành lập một trường ngoài công lập phải tính toán rất nhiều. Họ phải nghiên cứu nhu cầu gửi trẻ trong nhân dân để tính toán quy mô xây dựng trường, đầu tư trang thiết bị, đội ngũ giáo viên…

Đối với giáo dục mầm non, thời gian đầu mở trường thường chưa có nhiều trẻ, phải mất vài năm thì cơ sở mới dần ổn định. Vì vậy, việc đặt ra chỉ tiêu số trẻ em sẽ vào học cơ sở ngoài công lập chiếm tỉ lệ 30% vào năm 2025 là điều khó thực hiện, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, việc mở rộng các trường ngoài công lập tập trung chủ yếu ở thành phố và khu công nghiệp trong khi đó vùng nông thôn và miền núi còn hạn chế. Do đó, vấn đề bố trí quỹ đất cho giáo dục ngoài công lập sẽ khó khăn ở hai khu vực trên.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự tính toán, cân đối giữa các tỉnh và địa phương xem trường công đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu của trẻ. Ví dụ, trong một khu công nghiệp đã có hệ thống trường mẫu giáo công lập đáp ứng 80% nhu cầu người dân, tỉ lệ 20% sẽ cần các trường ngoài công lập tham gia. Từ đó sẽ có những chính sách và cơ chế hợp lý thúc đẩy khu vực ngoài công lập phát triển.

Để hoàn thiện mục tiêu giáo dục mầm non đến năm 2025 như Nghị quyết 35/NQ-CP đã đề ra, theo ông, cần những nỗ lực như thế nào từ cả phía nhà đầu tư và cơ quan quản lý.

Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh: Việc Nghị quyết 35 ban hành nhiều chính sách khuyến khích cho thành lập các trường ngoài công lập là rất tốt. Nhưng các trường ngoài công lập mở ra muốn thu hút người học không phải cứ cấp đất đẹp, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại là có đông trẻ học. Thành công của các trường là phải có đội ngũ giáo viên ngoài việc có chuyên môn, nghiệp vụ đòi hỏi phải giàu tình thương yêu và trách nhiệm đối với trẻ em.

Các trường ngoài công lập hiện nay cần hướng tới giáo dục chất lượng cao (bao gồm: chế độ ăn uống, rèn luyện sức khỏe, chăm sóc và giáo dục trẻ em…) bên cạnh dạy trẻ kiến thức, kỹ năng, còn cho trẻ được học thông qua nhiều hoạt động sáng tạo để trẻ hình thành năng lực như cho đi dã ngoại, trải nghiệm.. Từ đó thu hút được nhiều bậc cha mẹ tin tưởng cho con học ở các trường ngoài công lập, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống công lập.

Trân trọng cảm ơn Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh.

Ngô Hiển