Dự thảo mới quy định trải nghiệm sáng tạo là hoạt động bắt buộc

28/07/2017 06:19
Thùy Linh
(GDVN) - Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 chứ không còn là “hoạt động được thực hiện thường xuyên” như ở dự thảo cũ.

Trong dự thảo mới nhất (bản dự thảo ngày 21/7) của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể nhiều điểm thay đổi so với dự thảo cũ từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hồi đầu tháng 4/2017 (gọi tắt là “dự thảo cũ”). 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục chỉ rõ những thay đổi đó thông qua phân tích cụ thể như sau: 

Định hướng về nội dung giáo dục 

Dự thảo mới khác dự thảo cũ (công bố hồi tháng 4/2017) đó là có định hướng về nội dung giáo dục một cách rõ ràng hơn. Đó là:

Căn cứ mục tiêu giáo dục và yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực ở từng giai đoạn giáo dục và từng cấp học, chương trình mỗi môn học và hoạt động giáo dục xác định mục tiêu, các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và nội dung giáo dục của môn học, hoạt động giáo dục đó.

Dự thảo mới quy định trải nghiệm sáng tạo là hoạt động bắt buộc ảnh 1

Chương trình tổng thể không cần giáo viên chuyên dạy trải nghiệm sáng tạo

Giai đoạn giáo dục cơ bản thực hiện phương châm giáo dục toàn diện và tích hợp, bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; 

Còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp thực hiện phương châm giáo dục phân hóa, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. 

Cả hai giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp đều có các môn học tự chọn; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có thêm các môn học và chuyên đề học tập được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, nhằm đáp ứng nguyện vọng, phát triển tiềm năng, sở trường của mỗi học sinh.

Ở nhiều nội dung không có thay đổi hoặc nếu có thì cũng thay đổi không nhiều.

Tuy nhiên, ở môn Ngữ văn trong giai đoạn giáo dục cơ bản, dự thảo mới quy định, chương trình sẽ được thiết kế theo các mạch kỹ năng đọc; viết; nói và nghe thay thế cho Chương trình được thiết kế theo các mạch nội dung chính: đọc; viết; nói và nghe (dự thảo cũ). 

Còn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, dự thảo mới chỉ còn 1 định hướng chứ không phải 3 như ở dự thảo cũ. 

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục bắt buộc 


Riêng ở Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dự thảo mới đã thay thế cụm “năng lực thích ứng với sự biến động của nghề nghiệp và cuộc sống” bằng “năng lực thích ứng với những biến động trong cuộc sống và các kỹ năng sống khác”. 

Theo dự thảo mới nhất ngày 21/7, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động bắt buộc(Ảnh minh họa: thptlocphat.edu.vn)
Theo dự thảo mới nhất ngày 21/7, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động bắt buộc(Ảnh minh họa: thptlocphat.edu.vn)

Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 chứ không còn là “hoạt động được thực hiện thường xuyên” như ở dự thảo cũ. 

Ngoài ra, nếu dự thảo cũ quy định nội dung cơ bản của chương trình Hoạt động trải nghiệm sáng tạo gồm 5 lĩnh vực thì dự thảo mới lại nêu rõ: 

Nội dung cơ bản của chương trình Hoạt động trải nghiệm xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh với bản thân; giữa học sinh với người khác, cộng đồng và xã hội; giữa học sinh với môi trường; giữa học sinh với nghề nghiệp.

Nội dung này được triển khai qua 4 nhóm hoạt động chính: Hoạt động phát triển cá nhân; Hoạt động lao động; Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; Hoạt động hướng nghiệp. 

Cơ sở giáo dục quyết định lựa chọn những nội dung, hình thức hoạt động trong chương trình phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương.

Trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung Hoạt động trải nghiệm được phân chia theo hai giai đoạn.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Dự thảo mới quy định cụ thể ở từng cấp học:

Đối với bậc tiểu học, nội dung hoạt động tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, các kỹ năng sống, kỹ năng quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, các hoạt động lao động, hoạt động xã hội và làm quen với một số nghề gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện.

Đối với bậc trung học cơ sở, chương trình tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp.

Tuy nhiên hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và kỹ năng sống của học sinh.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Dự thảo mới, chỉ rõ, chương trình Hoạt động trải nghiệm phải tiếp tục phát triển những năng lực và phẩm chất đã hình thành từ giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, nhưng tập trung cao hơn vào việc phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp. 

Dự thảo mới quy định trải nghiệm sáng tạo là hoạt động bắt buộc ảnh 3

Trải nghiệm sáng tạo và Người thầy

Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp; được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp mai sau.

Riêng về Nội dung giáo dục của địa phương, ngoài quy định giống dự thảo cũ đó là, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng, thẩm định nội dung giáo dục văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương để đưa vào chương trình giáo dục và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. 

Thì dự thảo mới đã quy định nội dung ở từng cấp học. 

Ở tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. 

Ở trung học cơ sở, trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương được tổ chức dưới hình thức chuyên đề chứ không chỉ đưa ra như dự thảo cũ là “khối với lớp 11 và lớp 12, nội dung giáo dục địa phương có thể được xây dựng thành chuyên đề học tập cho học sinh tự chọn”. 

Về định hướng về đánh giá kết quả giáo dục

Ngoài những nội dung dự thảo cũ nêu thì dự thảo mới bổ sung thêm một thông tin về đánh giá kết quả giáo dục

Đó là, nghiên cứu từng bước áp dụng các thành tựu của khoa học đo lường, đánh giá trong giáo dục và kinh nghiệm quốc tế vào việc nâng cao chất lượng đánh giá kết quả giáo dục, xếp loại học sinh ở cơ sở giáo dục và sử dụng kết quả đánh giá trên diện rộng làm công cụ kiểm soát chất lượng đánh giá ở cơ sở giáo dục.

Theo dự thảo mới, đánh giá kết quả giáo dục được coi là một trong những điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. (Dự thảo cũ không nêu điều này).

Thùy Linh