Câu chuyện về đội Sao đỏ vẫn đang nhận được ý kiến trái chiều từ dư luận. Người cương quyết đòi giải tán đội quân này, người lại cho rằng đây chính là một “Sáng kiến kinh nghiệm” tuyệt vời trong các giải pháp quản lý trường học nên không thể bỏ.
Ảnh minh họa (phongvans.com) |
Công bằng mà nhìn nhận, cũng đã có một thời sao đỏ trong các nhà trường hoạt động một cách hiệu quả. Nhờ việc quan sát, theo dõi, nhắc nhở những học sinh vi phạm, chưa thực hiện tốt nội quy mà các em học sinh có sự biến chuyển rõ rệt.
Lúc này, sao đỏ chấm vô tư bởi kết quả chấm ấy không ảnh hưởng gì đến việc xếp hạng lớp, xếp thi đua giáo viên.
Và vì thế, học sinh cũng không bị áp lực nhiều để phải sợ sao đỏ như “sợ cọp”.
Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, những vi phạm của học sinh không đơn giản chỉ dùng để nhắc nhở mà gắn luôn vào thi đua hàng tuần.
Người ta quy ra thang điểm cho từng tội. Lớp hạng nhất với lớp chót bảng sẽ là một khoảng cách khá xa. Và những thứ hạng như thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thi đua nhà giáo.
Trường càng xếp hạng gắt, đội Sao đỏ càng quyền uy
Ở trường học của chúng tôi hiện tại, không đặt nặng thứ hạng từng lớp. Nếu vài tuần lớp chủ nhiệm có bị đứng đội sổ cũng không bị hiệu trưởng gọi lên góp ý, nhắc nhở.
Và cuối năm, kết quả xếp loại của đội Sao đỏ vẫn không ảnh hưởng gì đến công tác chủ nhiệm của giáo viên.
Bởi thế, chúng tôi chỉ xem những thông tin cờ đỏ ghi trong sổ để nhắc nhở học sinh đừng tái phạm vào lần sau.
Nhưng một số đồng nghiệp của tôi lại kể rằng, trường của bạn đưa thứ hạng của lớp vào đánh giá công tác chủ nhiệm của thầy cô.
Bạn kể, chỉ 2 tuần liên tiếp lớp đứng hạng chót thì y như rằng sẽ được mời lên phòng hiệu trưởng. Tại đây, thầy cô sẽ bị nhắc nhở về công tác chủ nhiệm chưa tốt.
Bị hiệu trưởng nhắc nhở lần đầu còn thấy bình thường nhưng cứ liên tục như thế thì bạn có thấy mệt mỏi không?
Thế nên, đã có thầy cô cũng phải “lấy lòng” cờ đỏ để khi chấm điểm lớp mình có phần du di.
Đã có thầy cô đồng tình cho việc cờ đỏ lớp mình bắt thật gắt, trừ điểm thật nhiều lớp khác để lớp mình có cơ hội vươn lên.
Cũng vì ganh đua thứ hạng mà giáo viên đã sẵn sàng nổi trận lôi đình khi học sinh lớp mình chẳng may có tên trong đội Sao đỏ.
Học sinh cấp 2,3 nhiều lần bị ghi tên thì hạnh kiểm cuối năm cũng bị ảnh hưởng. Bởi thế, để không bị thầy cô la rày, không bị ảnh hưởng đến hạnh kiểm, chúng cũng nghĩ cách lấy lòng sao đỏ.
Người lớn mà có chút quyền uy một số người cũng đổi khác, huống chi những đứa trẻ lại được trao vào tay cái quyền giám sát nhau (anh chị) bảo sao lại có thể vô tư cho được?
Tổng phụ trách, giám thị làm gì mà phải cần đội Sao đỏ?
Hiện, trường học nào cũng có Tổng phụ trách đội, trường hạng 1 được miễn dạy học, trường hạng 2,3 được miễn khoảng 1/2 đến 2/3 tổng số tiết dạy. Bởi thế, đầu mỗi buổi học Tổng phụ trách theo dõi, giám sát học sinh là khá hợp lý.
Chưa kể, trường trung học còn có thêm một số thầy cô giáo làm công tác giám thị nên việc quản lý học sinh chẳng có vấn đề gì khó khăn.
Thầy Dương Thy Phan, cựu giáo viên trường trung học phổ thông tỉnh Bình Thuận nêu quan điểm của mình:
“Giải tán đội Sao đỏ thì thầy cô giáo phụ trách đoàn đội sẽ giám sát học sinh. Cùng với đó là giáo viên sẽ đi sớm hơn giờ vào lớp để theo dõi em nào vào lớp trễ, chưa thực hiện đúng nội quy sẽ nhắc nhở”.
Cô giáo Thúy Lan cũng cho rằng: “Hiện thầy cô giám thị ở các trường phổ thông khá nhàn. Khi học sinh vào học xem như các thầy cô chẳng còn việc để làm. Vì thế, giám thị sẽ đi sớm hơn học sinh 30 phút đầu mỗi buổi học để theo dõi.
Giờ ra chơi của các em, giám thị cũng chia nhau đi loanh quanh sân trường. Điều này sẽ tác dụng hơn nhiều việc cờ đỏ theo dõi”.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, giờ ra chơi cũng nên để học sinh (cờ đỏ) vui chơi như chúng bạn. Đừng bắt các em cầm sổ đóng vai “thanh tra” để đi loanh quanh bắt lỗi các bạn cũng thấy tội vô cùng.
Với những giải pháp như thế, bạn thấy bỏ đội Sao đỏ là hợp lý chưa?